Nhà báo phải đủ 'sức đề kháng' trước 'phong bì bất chính'

Ông Mai Đức Lộc, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã nhấn mạnh như vậy khi phát biểu tại Hội thảo báo chí 'Bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo', do Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Tạp chí Người làm báo, tổ chức sáng 8-8, tại Quảng Ngãi.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Văn Chương

Theo Ban Tổ chức, trong thời gian gần đây, nhiều nhà báo đã và đang gặp nhiều cản trở trong việc tiếp cận thông tin, nhất là các vụ việc tiêu cực. Một trong những sự việc gây nghiêm trọng nhất vừa xảy ra gần đây, đó là đối tượng sử dụng ô tô lao thẳng vào nhóm phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam tại huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội. Theo đánh giá của Hội Nhà báo Việt Nam, các vụ việc hành hung và cản trở phóng viên có chiều hướng gia tăng về mức độ, tần suất. Trong một số vụ việc, đối tượng còn nhằm vào người thân của các nhà báo.

Tham gia hội thảo có 30 tham luận góp phần trả lời các câu hỏi và đặt ra giải pháp đối với các nhà báo khi đi tác nghiệp bị hành hung, như cần có kỹ năng gì, cách xử lý tình huống của các nhà báo khi tác nghiệp gặp nguy hiểm...

Nhà báo Lệ Hằng, công tác ở Báo Khánh Hòa tham gia tham luận và đặt ra câu hỏi còn bỏ ngỏ: “Phóng viên của Báo Khánh Hòa bị đối tượng đâm ngay trước mặt chúng tôi, ngay trước tòa soạn và đến ngày hôm nay vẫn chưa tìm ra hung thủ?".

Nhà báo Mai Đức Lộc, Phó Chủ tịch Hội Nhà Báo Việt Nam phát biểu: Cần xây dựng một chế tài đủ mạnh để xử lý đối tượng hành hung nhà báo và đưa vào Bộ luật Hình sự. Khi nhà báo bị hành hung thì cần lên tiếng kịp thời, đúng mức để các cơ quan chức năng xử lý. Các nhà báo cần quan tâm đến đạo đức của nhà báo, phải đủ "sức đề kháng" trước "phong bì bất chính", phải biết xấu hổ với việc “sáng đăng, chiều gặp, tối gỡ”.

Bên lề hội thảo, Ban Tổ chức đã phối hợp với các nhà tài trợ tặng 20 xe đạp cho học sinh nghèo và tặng quà cho các gia đình ngư dân có hoàn cảnh khó khăn.

Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nha-bao-phai-du-suc-de-khang-truoc-phong-bi-bat-chinh/