Nhà báo Phạm Phú Bằng: Người bộ hành lặng lẽ

Nhận nhiệm vụ viết bài về nhà báo kỳ cựu Phạm Phú Bằng, nhân dịp ông được nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng, thú thực, tôi băn khoăn hết mức. Viết gì để gói trong phạm vi một bài viết nhỏ về một con người mang trong mình cả chiều dài lịch sử của Báo Quân đội nhân dân, chiều dài lịch sử cả công cuộc kháng chiến, giành lại độc lập của dân tộc.

Đành góp nhặt vài câu chuyện không đầu không cuối về một con người ở tuổi cửu thập rồi mà vẫn bận lòng vì thiên hạ.

Nhà báo Phạm Phú Bằng sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc. Cụ nội của ông là quan Thượng thư Phạm Phú Thứ, từng là Tổng trấn Hải Yên (gồm 4 tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Yên) dưới triều Nguyễn. Cha của ông là Tiến sĩ Phạm Phú Tiết, Tổng đốc Bình Phú (Bình Định và Phú Yên). Dù làm quan dưới thời phong kiến nhưng những bậc tiên tổ của nhà báo Phú Bằng đều là những người có tư tưởng tiến bộ. Thượng thư Phạm Phú Thứ mang những tư tưởng canh tân đất nước táo bạo vượt khỏi thời đại lúc bấy giờ. Vì thế, cụ từng bị hạ xuống làm lính trơn. Tiến sĩ Phạm Phú Tiết sau Cách mạng Tháng Tám được Bác Hồ phong hàm đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam, Chánh án Tòa án Quân sự miền Nam.

Thay mặt lãnh đạo Đảng bộ quận Hoàn Kiếm, đồng chí Phạm Tuấn Long, Phó bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cài Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng tặng nhà báo Phạm Phú Bằng.

Thay mặt lãnh đạo Đảng bộ quận Hoàn Kiếm, đồng chí Phạm Tuấn Long, Phó bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cài Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng tặng nhà báo Phạm Phú Bằng.

Nhắc nhớ lại vài nét về gia tộc nhà báo Phạm Phú Bằng là để thấy thêm sự khác biệt của ông. Về bằng cấp, lý lịch ông phiên ngang chỉ ghi lớp 6. Về cấp bậc, chức vụ, trước khi về hưu, nhà báo Phạm Phú Bằng là Đại tá, Trưởng phòng Văn hóa - Thể thao, Báo Quân đội nhân dân. Về tác phẩm - một trong những thứ được coi là thước đo của những người làm nghề viết - ông cũng không có gì nổi đình nổi đám.

Thế nhưng, cuộc đời làm nghề của nhà báo Phạm Phú Bằng là sự đắm chìm trong vô vàn sự kiện lớn gắn với lịch sử của đất nước. Ông trực tiếp tham gia, ông trải nghiệm, ông tích tụ những vốn quý ấy để làm dày bản thân. Để rồi, ông trở thành một “bách khoa thư” và luôn sẵn lòng truyền dạy cho lũ trẻ.

Cán bộ, phóng viên Báo Quân đội nhân dân chúc mừng nhà báo Phạm Phú Bằng nhân dịp ông được nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.

Dù chỉ hết lớp 6, nhưng cái sự học của nhà báo Phạm Phú Bằng lại đáng được coi là tấm gương rất sáng. Trong đó, riêng việc học ngoại ngữ của ông đã đủ khiến người khác ngả mũ kính trọng. Kẻ hậu bối nghe kể lại, trong 1 tháng nằm trên giường điều trị bệnh ở Liên Xô (cũ), ông đã học thuộc lòng cuốn từ điển Nga - Việt. Kể từ đó, ông dần sử dụng tiếng Nga đến mức khá thạo. Bên cạnh tiếng Nga, nhà báo Phạm Phú Bằng còn hoàn toàn tự học và sử dụng thành thạo tiếng Trung, Pháp, Anh.

Khó có thể đo lường được lượng tri thức trong “bụng” ông. Chỉ biết, động đâu cũng thấy ông uyên thâm.

Hình như, người càng biết nhiều, càng biết mình biết ít. Bởi thế, người biết nhiều chỉ nói khi cần nói chứ không ham thể hiện. Nhà báo Phạm Phú Bằng là thế. Thời gian ông lặng lẽ nhiều hơn nhiều lần so với thời gian ông chuyện trò.

Còn một sự lặng lẽ nữa của ông mà chỉ những người rất thân mới có thể biết. Hàng chục năm trời, khi còn có thể lội bộ, ông đi khắp trong Nam, ngoài Bắc thực hiện những công việc thiện nguyện. Ngôi nhà trong con ngõ nhỏ phố Lý Nam Đế của ông từng trở thành một cái kho tập kết hàng hóa đủ mọi thứ trên đời. Ông không thành lập quỹ từ thiện, hay hội từ thiện. Tất cả là do mọi người tự nguyện mang đến. Để, ông mang đi đến với những hoàn cảnh khó khăn nơi vùng sâu nhất, xa nhất.

Nhà báo Phạm Phú Bằng cùng gia đình.

Chừng hai năm nay, thi thoảng mới bắt gặp ông trên con phố nhà binh. Ông yếu nhiều, đi dạo phải có bà đỡ. Mỗi lần gặp ông, tất cả các cán bộ, phóng viên Báo Quân đội nhân dân mọi thế hệ đều bày tỏ sự thân tình và kính trọng. Có lẽ, chỉ riêng điều đó cũng đã đủ để dựng lên chân dung một con người. Dẫu, trên mọi hành trình, ông chỉ là một người bộ hành lặng lẽ…

Bài, ảnh: HUY ĐĂNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tiep-lua-truyen-thong/nha-bao-pham-phu-bang-nguoi-bo-hanh-lang-le-704167