Nhà báo Quang Đạm - người của một thời thương nhớ

Có rất nhiều mái đầu bạc, có những nhà báo lão thành nổi tiếng, những người đã bước sang tuổi xưa nay hiếm mà tôi vẫn thấy họ tham dự sự kiện này từ đầu đến cuối, dù chương trình kéo dài cả một buổi sáng mùa đông. Điều ấy khiến tôi cứ suy nghĩ mãi về những tấm chân tình trong cuộc đời. Và rằng, cái đáng quý của một người làm báo, sau những tác phẩm để đời, khi khuất núi rời xa trần thế là vẫn có biết bao đồng nghiệp yêu thương, nhắc đến với sự trân trọng.

Nhà báo Quang Đạm với sự uyên bác, trung thực, với cái tâm trong sáng của người cầm bút mãi sống trong lòng mọi thế hệ người làm báo hôm nay và mai sau. Đó mãi là giá trị tinh thần không gì đong đếm được.

Báo Nhà báo & Công luận trân trọng ghi lại những chia sẻ, tâm tình của những người đã gắn bó với nhà báo Quang Đạm, coi ông là một người đồng nghiệp, người anh, người thầy đáng kính trọng trong nghề.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Nhà báo lão thành Phan Quang - Nguyên Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, nguyên Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam: Quang Đạm - người của thế kỷ XX

Nhà báo lão thành Phan Quang.

Nhà báo Quang Đạm vẫn nói ông là một người tự học; anh em chúng tôi đùa, một nhà “đại tự học”. Bằng tự học là chính, ông giỏi chữ Hán, thành thạo tiếng Pháp, biết tiếng Nga, tiếng Anh, văn phong trong sáng, khúc chiết. Tôi có thời làm Phó Trưởng ban Thư ký tòa soạn báo Nhân Dân giúp việc các anh Quang Đạm, Nguyễn Đức Thi. Lần nào vào phòng làm việc của Quang Đạm cũng thấy anh đang cặm cụi viết bài, khi viết tay khi đánh máy. Bên trái cái bàn hẹp có chồng báo Pravda đọc dở, bên phải là tập sách tiếng Hoa, và phía sau lưng, phải xếp xuống sàn nhà, mấy chồng báo Pháp: nhật báo L’Humanité, các tạp chí La Nouvelle Revue Francaise, La Nouvelle Critique đều là cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản Pháp - dạo ấy anh đang viết loạt bài luận chiến phê phán chủ nghĩa xét lại hiện đại. Ở cơ quan anh là sếp, về nhà anh là hàng xóm vậy mà tôi tuyệt nhiên không hay biết anh có bằng cử nhân Luật rất sớm, và đến tuổi tri thiên mệnh vẫn cần cù học, nhận bằng Phó tiến sĩ Triết học (nay là Tiến sĩ) từ tay Giáo sư Nguyễn Khánh Toàn trao. Thường xuyên học và tự học, âm thầm nâng cao kiến thức để làm tốt mọi công việc được giao, học để cống hiến và cũng để có thêm sức vượt qua những khó khăn trong cuộc sống và sự cố về tinh thần; bất cứ trong hoàn cảnh nào anh cũng tràn đầy nghị lực, miệt mài học tập và làm việc, làm việc và học tập, rồi tự rút ra bài học về những việc mình đã làm, phải chăng đó là nét nổi trội trong “tính cách Quang Đạm?”.

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: Tri thức dồi dào, nghĩa tình sâu nặng

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh.

Quả thật, qua những bài báo cộng với sự kèm cặp, hướng dẫn, rèn giũa văn phong, chữ nghĩa qua từng bài viết, tôi thật sự nể trọng vốn kiến thức uyên bác về lý luận báo chí cũng như kho tàng kinh nghiệm phong phú về nghiệp vụ báo chí của bác Quang Đạm. Cùng với những bài luận chiến tiêu biểu do thực tiễn cách mạng Việt Nam đặt ra (vấn đề xây dựng nền tư pháp Việt Nam; xu hướng phát triển của chủ nghĩa tư bản hiện đại; sức sống của chủ nghĩa Mác-Lênin; bàn về dân chủ xã hội chủ nghĩa v.v…); những bài nghiên cứu về tư tưởng - triết học của Hồ Chí Minh, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm…; đến những bài viết về văn hóa, ngôn ngữ và lịch sử Việt Nam, tôi càng thấm thía nhận định của những nhà nghiên cứu có uy tín nói về bác Quang Đạm là “nhà học giả uyên bác” - đó là sự khẳng định có cơ sở khoa học và thực tiễn. Thế hệ chúng tôi là lớp hậu sinh, mặc dù được đào tạo dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, nhưng với 4 năm đèn sách dù miệt mài vẫn lộ ra khá nhiều lỗ hổng trong kiến thức cơ bản về triết học, lịch sử, đặc biệt là sự trải nghiệm cuộc sống, nên những thao tác ban đầu trong các bài viết, thông qua cách chọn đề tài, cách lập luận, cách diễn đạt, cách chọn các “chi tiết đắt” để tạo sự hấp dẫn của một bài viết, là vô cùng khó khăn. Thật diễm phúc với tôi, trong khoảng một thập niên đầu về báo, với sự dìu dắt, chỉ bảo trực tiếp của hai Trưởng ban Quang Đạm và Trường Thi, tôi dần dà khắc phục được một phần những hạn chế đó. Đến nay tròn 21 năm, tôi bền bỉ giữ được chuyên mục “Vấn đề tháng này” của báo Nhân Dân hằng tháng (thực chất là Xã luận), có công lao to lớn của nhà chính luận Quang Đạm. Với kiến thức phong phú, đa dạng, với cách lập luận khúc chiết, qua cách chữa bài của bác Quang Đạm, mỗi dòng, mỗi từ được bác thêm vào đã nâng giá trị các bài dự thảo xã luận cũng như phóng sự - điều tra...

Nhà báo Nguyễn Khắc Thuyết - Nguyên Ủy viên Ban Biên tập, Thư ký Tòa soạn Báo Nhân Dân: Cây luận chiến Quang Đạm

Nhà báo Nguyễn Khắc Thuyết. (Ảnh: Sơn Hải)

Tòa soạn báo Nhân Dân một thời nổi tiếng “mười ông thánh tông đồ” của làng báo chí cách mạng, dưới sự phụ trách của Tổng biên tập Hoàng Tùng. Đó là các nhà báo tên tuổi: Nguyễn Thành Lê, Thép Mới, Quang Đạm, Hà Đăng, Trần Kiên, Hữu Thọ, Phan Quang, Nguyễn Hữu Chỉnh, Diệu Bình, Quang Thái. Các thế hệ làm báo Nhân Dân luôn “tâm phục, khẩu phục” và tự hào có “ba cây” được “tự trồng, tự chăm sóc” đã tỏa bóng mát cho những người làm báo Đảng chúng tôi và đông đảo bạn đọc báo Nhân Dân. Đó là: Cây xã luận Hoàng Tùng – Cây phóng sự Thép Mới và Cây luận chiến Quang Đạm. Nhà báo – Người Thầy Quang Đạm vừa viết báo hằng ngày (bình luận, xã luận, chuyên luận... và cả viết tin) vừa tham gia giảng dạy chuyên môn về báo chí các lớp đào tạo dài hạn và bồi dưỡng chuyên môn ngắn hạn ở các cơ quan và dành nhiều thời gian nhất giảng bài tại hai lớp đại học báo chí của báo Nhân Dân và Ban Tuyên huấn Trung ương, những năm 60-70 của thế kỷ 20. Trong một bài giảng về “Tin tức báo chí”, thầy Quang Đạm đã phân tích rất sâu sắc về khái niệm “Tin”, đưa ra nhiều định nghĩa về chữ “Tin” (của báo). Ông đọc báo Nhân Dân hằng ngày và nhiều tờ báo khác trong nước, báo chí nước ngoài, nêu nhiều dẫn chứng về các tin hay, tin dở; chỉ ra những loại tin “dễ dãi”, “đại khái”, “qua loa”. Phê phán chống lại quan niệm ấu trĩ “làm tin thì dễ, học ít cũng làm được”. Ông khuyên: “Phải thường xuyên rèn luyện, bám sát thực tế cuộc sống, nhạy cảm với cái mới nảy sinh. Chịu khó học, đọc nhiều, tích lũy vốn sống thì mới có thể viết được cái tin ngắn, hay, có tác dụng hướng dẫn dư luận”. Là Ủy viên Ban Biên tập, trực tiếp phụ trách Phòng Bí thư (từ những năm 1970 đến nay đổi tên là Ban Thư Ký – Biên tập), ông đã soạn thảo những bản quy định về cách dùng từ ngữ chuẩn mực, chính xác từ cách hành văn, từ ngữ đến chính tả, dấu chấm, dấu phẩy... Tưởng là việc nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn, ông trực tiếp phụ trách mục “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” trên báo Nhân Dân, để góp phần nâng cao uy tín của tờ báo Đảng về văn phong, ngữ pháp đạt đến độ chuẩn mực.

Ngày 19/12, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Báo Nhân Dân tổ chức chương trình Tọa đàm “Quang Đạm – Nhà báo, nhà trí thức cách mạng”. Tọa đàm có đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam; Đồng chí Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực HNBVN; Đồng chí Song Hà - Ủy viên Ban biên tập, Trưởng ban CT-XH Báo Nhân Dân chủ trì. Buổi tọa đàm đầy ý nghĩa, không chỉ là một diễn đàn để các nhân chứng, các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khác nhau gặp gỡ, trao đổi và tưởng nhớ nhà báo, nhà trí thức cách mạng Quang Đạm, một trong những cây đại thụ đầu tiên của báo Nhân Dân, một dịch giả nổi tiếng. Mà với buổi tọa đàm ấy đã góp phần vào việc giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng các nhà báo trẻ, thông qua việc học tập tấm gương và kinh nghiệm của các nhà báo tiền bối. Đối với Hội Nhà báo Việt Nam, Tọa đàm còn là một hoạt động thiết thực triển khai việc nghiên cứu, khảo sát, sưu tầm tài liệu hiện vật lịch sử về truyền thống báo chí, về các nhà báo Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước, đóng góp tư liệu, tài liệu cho việc xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Hà Vân (Ghi)

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/nghe-bao/bao-chi-trong-nuoc/nha-bao-quang-dam-nguoi-cua-mot-thoi-thuong-nho-53086