Nhà báo TTXGP hy sinh khi bài báo tố cáo tội ác Mỹ-ngụy còn dang dở

Nhà báo Nguyễn Đức Hoằng - Trưởng phân xã Thông tấn xã Giải phóng tại Lộc Ninh - đã bị một mảnh bom găm vào ngực và hy sinh sau khi nhường chỗ cho một đồng chí điện báo viên xuống hầm trước.

Nhà báo-liệt sỹ Nguyễn Đức Hoằng (bên trái, Trưởng phân xã Thông tấn xã Giải phóng tại Lộc Ninh). (Ảnh TTXVN)

Nhà báo-liệt sỹ Nguyễn Đức Hoằng (bên trái, Trưởng phân xã Thông tấn xã Giải phóng tại Lộc Ninh). (Ảnh TTXVN)

Cách đây 50 năm, ngày 7/4/1972, Lộc Ninh được giải phóng và trở thành thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Lúc bấy giờ, nhà báo Nguyễn Đức Hoằng - phóng viên mặt trận đường 13 - được bổ nhiệm làm Trưởng phân xã Thông tấn xã Giải phóng tại Lộc Ninh.

Những ngày vừa cầm súng vừa cầm bút ở Lộc Ninh, nhà báo Nguyễn Đức Hoằng đã chứng kiến bọn Mỹ-ngụy phải cúi đầu trước sức mạnh chính nghĩa của quân và dân ta.

Nhà báo Đức Hoằng đã có nhiều bài báo đanh thép tố cáo tội ác của quân xâm lược, đồng thời ca ngợi tinh thần chiến đấu vô cùng anh dũng của quân và dân ta.

Những sinh viên gác bút nghiên lao vào tuyến lửa

Nhà báo Nguyễn Đức Hoằng (sinh ngày 8/4/1942, tại Lan Giới, huyện Yên Thế tỉnh Hà Bắc, nay là tỉnh Bắc Giang), tham gia hoạt động cách mạng năm 1965, thuộc cơ quan Thông tấn xã Giải phóng (nay là Thông tấn xã Việt Nam).

Cuối năm 1964 đầu năm 1965, khi Mỹ bắt đầu đổ quân vào miền Nam Việt Nam, lúc này Nguyễn Đức Hoằng đang là sinh viên khoa ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trước tình thế cấp bách, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã xét tốt nghiệp đặc cách cho sinh viên Nguyễn Đức Hoằng để kịp theo học một khóa báo chí ngắn hạn, chi viện lực lượng báo chí cách mạng cho miền Nam.

“Những ngày bước vào nghề làm báo của Nguyễn Đức Hoằng thật gian truân, phải tự đào hầm để trú ẩn, chặt cây rừng để dựng nhà, đào giếng để lấy nước sinh hoạt," cố nhà báo Trần Ấm (Thông tấn xã Việt Nam) từng kể lại.

“Đến năm 1972, trải qua 150 ngày đêm trên chiến trường đường 13 lửa đạn, nhà báo Nguyễn Đức Hoằng đã viết hàng chục bài phóng sự tường thuật trận đánh, ca ngợi tinh thần chiến đấu ngoan cường của quân giải phóng, như bài “Cánh cửa thép Chơn Thành”; bài “Hoàng hôn đen sạm trên vai người lính dù Sài Gòn” chỉ rõ số phận bi thảm của bọn lính ngụy…

Các phóng viên Thông tấn xã Giải phóng cùng đồng chí Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam. (Ảnh TTXVN)

Sau khi Lộc Ninh được giải phóng và trở thành thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nhà báo Nguyễn Đức Hoằng từ phóng viên mặt trận đường 13 được bổ nhiệm làm Trưởng phân xã Thông tấn xã Giải phóng tại Lộc Ninh.

Những ngày vừa cầm bút vừa cầm súng ở Lộc Ninh, chính nhà báo Nguyễn Đức Hoằng đã chứng kiến bọn Mỹ-ngụy phải cúi đầu trước sức mạnh chính nghĩa của dân tộc mà đại diện là lá cờ nửa đỏ nửa xanh, sao vàng năm cánh tung bay trên nóc trụ sở Phân xã Thông tấn xã Giải phóng và trên đài chỉ huy của sân bay Lộc Ninh.

Sáng 6/8/1974, trong một đợt không kích vào Lộc Ninh, Mỹ-ngụy đã huy động hơn 40 lượt máy bay đến bắn phá “thủ đô kháng chiến” của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Nhà báo Nguyễn Đức Hoằng đã nhường chỗ cho một đồng chí điện báo viên xuống hầm trước. Đúng lúc đó, bom của Mỹ-ngụy rải xuống, một mảnh găm vào ngực nhà báo Nguyễn Đức Hoằng, đồng chí hy sinh ngay cửa hầm.

“Hoằng ơi, rừng cao su Lộc Ninh hôm nay vẫn xanh biếc chồi non và đang chảy nhựa trắng cho đời. Trong những dòng nhựa ấy, hòa quện máu của Hoằng, của biết bao chiến sỹ đã ngã xuống để bảo vệ từng cánh rừng, từng cây số trên đường 13," cố nhà báo Trần Ấm viết.

Người chép sử những trận đánh trên đường 13

Nhà báo Phạm Nho Nghĩa - nguyên Ủy viên thường trực Thông tấn xã Giải phóng viết con đường 13 (Sài Gòn-Lộc Ninh) giờ thật thanh bình với những rừng cao su ngút ngát, vườn điều xanh rười rượi. Nhưng trong chiến tranh, nơi đây là chiến trường ác liệt, nhất là trong mùa Hè đỏ lửa 1972.

Các phóng viên-chiến sỹ thông tấn đã có mặt ở nơi đây trong những ngày bom rơi đạn nổ ấy. Điều này được minh chứng qua những bức thư, lời tâm sự của nhà báo Đức Hoằng, phóng viên tham gia chiến dịch Nguyễn Huệ 1972 trên đường 13.

"Đến sông Sài Gòn, tâm trạng nôn nóng. Bộ đội ta ra quân như sóng nước dâng trào. Các trạm thu dung hầu như thất nghiệp. Được phân công đi công tác Trung đoàn 209 (Sư đoàn 7) Quân giải phóng miền Đông Nam Bộ."

“Ta diệt Lộc Ninh quá nhanh. Chiến đoàn 52 quân ngụy, lá chắn phía Tây đường 13 phải lùi. Trung đoàn 209 của ta trong ba ngày thắng hai trận lớn. Đến phân đội 9 Trung đoàn 209, cửa thép Nam Chơn Thành, một điển hình của chiến thuật chốt-chặn trên đường 13, dưới những trận bom B52 và những đợt phản kích của địch" - nội dung bức thư phóng viên Nguyễn Đức Hoằng, lúc đó đang chiến đấu và tác nghiệp trên đường 13.

Bức thư của nhà báo-liệt sỹ Nguyễn Đức Hoằng gửi từ chiến trường đường 13, tháng 5/1972.

Trong bối cảnh ấy, phóng viên mặt trận Nguyễn Đức Hoằng đã viết một loạt phóng sự làm nổi bật chủ đề này, được các báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân và Đài phát thanh hai miền Nam Bắc sử dụng. Đó là các bài: “Cắm cờ quyết chiến quyết thắng trên căn cứ Tec-ních," “Chiến đoàn 52 ngụy phơi xác trên đường 13," Chuyến bay cuối cùng trên bầu trời An Lộc," “Hoàng hôn đen sạm trên vai người lính dù Sài Gòn," “Đêm tối trời của Việt Nam hóa chiến tranh ở An Lộc"...

Trời Hà Nội - trời Lộc Ninh cùng chung ánh trăng

Kể về những ngày còn trên giảng đường đại học ở thủ đô Hà Nội của nhà báo-liệt sỹ Nguyễn Đức Hoằng, cố nhà báo Trần Ấm viết: "Còn đây cô bé quàng khăn đỏ cùng người cha thân yêu của Hoằng ngày nào ra ga Bắc Giang tiễn Hoằng lên đường vào chiến trường. Còn đây, Thanh Thuận - cô bé con bà chủ nhà Hoằng trọ học ở phố chợ Thương (Hà Nội) vẫn còn để nhớ để thương lá thư cuối cùng gửi tới Hoằng - người anh thân thương đang ở chiến trường xa:

“Trời Hà Nội-trời Lộc Ninh cùng chung ánh trăng

Người Hà Nội-người Lộc Ninh cùng chung ý nghĩ

Em xa anh đến chín mùa thi…”

“Em gái nhỏ ở phố chợ Thương ngày đó vẫn đinh ninh rằng sau mùa thi ấy, em sẽ vô Nam cùng Hoằng chiến đấu và công tác hay cùng đón Hoằng trở về thị xã Bắc Giang, cùng em đi dạo bên bờ sông Thương quê hương,” cố nhà báo Trần Ấm viết.

Những ngày tháng Ba lịch sử, chúng tôi được trở lại Lộc Ninh, được thăm những nơi từng in dấu một thời sống và chiến đấu vô cùng anh dũng của thế hệ cha anh đi trước. Còn đây di tích Trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; di tích bồn xăng-kho nhiên liệu VK98, nơi tập kết nguồn nhiên liệu từ đường ống nối từ thành phố Vinh (Nghệ An) vào Bù Gia Mập (Bình Phước) chi viện cho chiến trường B2.

Di tích sân bay Lộc Ninh ngày nay. (Ảnh: Sỹ Tuyên/Vietnam+)

Di tích sân bay quân Sự Lộc Ninh, nơi chứng kiến nhiều đợt trao trả tù binh của ta và địch. Còn đó, nụ cười của nữ sinh Võ Thị Thắng, “nụ cười tươi như đóa hồng” của cô nữ sinh đấu tranh cho độc lập dân tộc:

“Rất tự nhiên người con gái đó

Đã đem nụ cười vào lịch sử ngàn năm”

Còn đó, di tích lịch sử quốc gia đặc biệt căn cứ Tà Thiết, là trung tâm đầu não, là “khu rừng Chính phủ”, nơi làm việc của cơ quan Bộ Chỉ huy Miền. Nơi đây, Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam thu non sông về một mối được công bố; những hội trường làm việc, nhà của các lãnh đạo Đại tướng Lê Đức Anh, Thượng tướng Trần Văn Trà, Thiếu tướng Nguyễn Thị Định, Chính ủy Phạm Hùng, đã được phục dựng nguyên trạng.

Đứng trước sân “Nhà Giao tế” - trụ sở của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đồng thời cũng là nơi làm việc của Phân xã Thông tấn xã Giải phóng, chúng tôi được nghe kể về những ngày tháng chiến đấu anh dũng và vô cùng tự hào của những người chiến sỹ năm xưa. Đây cũng là nơi nhà báo-liệt sỹ Nguyễn Đức Hoằng đã ngã xuống để những dòng tin thông tấn chảy mãi./.

Sỹ Tuyên (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/nha-bao-ttxgp-hy-sinh-khi-bai-bao-to-cao-toi-ac-mynguy-con-dang-do/780153.vnp