Nhà báo Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước

Nhân kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2018), Thương hiệu & Pháp luật xin nhắc lại một số nội dung trong bài viết 'Phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước' của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại lễ kỷ niệm 90 năm ngày Báo Chí Việt Nam năm 2015, nhằm khẳng định vai trò, chức năng, nhiệm vụ của nhà báo cũng như kiến nghị một số thực trạng còn tồn tại làm giảm hiệu quả của lực lượng báo chí Việt Nam cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thiên chức nhà báo

Qua bài viết này, chúng ta cùng khẳng định nhất quán quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng, kiên quyết đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch, lợi dụng tự do, dân chủ, đòi đa nguyên, đa đảng; lợi dụng chống tham nhũng, tiêu cực, thổi phồng những yếu kém, khuyết điểm của một bộ phận cán bộ, đảng viên để quy kết, bôi xấu chế độ, kích động, làm giảm uy tín của Đảng, Nhà nước ta, gây nghi ngờ, chia rẽ nội bộ.

Vì vậy báo chí phải là người đi tiên phong trên mặt trận tư tưởng, tỉnh táo, cảnh giác, lấy chính thực tiễn sinh động của đất nước đổi mới để tấn công, vạch trần âm mưu thâm độc của các thế lực xấu, thù địch, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

Báo chí là công cụ đấu tranh xã hội, đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp. Báo chí cách mạng không chỉ là phương tiện thông tin thuần túy, càng không phải là công cụ giải trí đơn thuần, mà nó có chức năng tuyên truyền, cổ động, tập hợp và tổ chức quần chúng đấu tranh cách mạng, giáo dục và hướng dẫn hành động của các tầng lớp xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ kính yêu của Đảng ta, dân tộc ta, người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam, đã nhiều lần khẳng định: Báo chí là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa; cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng; cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Như vậy, trách nhiệm của báo chí thật hết sức nặng nề và vẻ vang.

Nói cách khác, nhà báo cách mạng phải có tinh thần cách mạng, đó là tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái xấu, bảo vệ cái tốt, vì sự nghiệp chung của đất nước, của nhân dân; là tinh thần tự đổi mới, tự hoàn thiện chính bản thân mình.

Các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí cần nâng cao chất lượng công tác tham mưu, xây dựng chủ trương, đường lối phát triển và quản lý báo chí, bảo đảm nguyên tắc: báo chí luôn được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, phù hợp với thực tiễn đất nước và xu thế phát triển chung hiện nay. Báo chí phải là vũ khí sắc bén, công cụ đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng.

Nhà báo được bảo vệ như thế nào?

Theo quy định của Luật báo chí, những hành vi đe dọa, hành hung, xâm phạm danh dự nhân phẩm, xúc phạm đến sức khỏe, tính mạng của các nhà báo, phóng viên không chỉ được quy định trong bộ luật hình sự mà nó còn được quy định trong Luật báo chí tại khoản 3 Điều 28 Luật báo chí:

“Người vi phạm các quy định về cung cấp thông tin, trả lời trên báo chí, thành lập cơ quan báo chí, phát hành, quảng cáo, họp báo, cản trở hoạt động báo chí, xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhà báo và các quy định khác của Luật này thì tùy theo mức độ nhẹ hoặc nặng mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Như vậy, với hành vi cản trở hoạt động báo chí, hành hung, gây thương tích đối với các nhà báo, những cá nhân đã có những hành vi này sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo quy định tại Điều 16 Luật báo chí năm 1989 thì Hội nhà báo Việt Nam sẽ là cơ quan có trách nhiệm giải quyết và bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho nhà báo khi bị đe dọa, xúc phạm, hành hung.

“Điều 16. Hội nhà báo Việt Nam Hội nhà báo Việt Nam có quyền và nghĩa vụ tham gia xây dựng và góp phần thực hiện chính sách thông tin - báo chí; bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của nhà báo”

Riêng trường hợp các cá nhân, tổ chức có hành vi đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm sức khỏe, tính mạng của nhà báo, phóng viên mà đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì Hội nhà báo Việt Nam cũng không thể đứng ra để giải quyết, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà báo, phóng viên.

Với những trường hợp hành vi của các cá nhân đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự thì chính các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ phải vào cuộc, điều tra, truy tố, xét xử những cá nhân đã có hành vi phạm tội để họ phải chịu trách nhiệm hình sự với hành vi của mình. Trong trường hợp này khi phát hiện thấy có dấu hiệu của tội phạm thì Cơ quan cảnh sát điều tra nơi xảy ra sự việc phải tiến hành điều tra, xem xét ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố các bị can về hành vi phạm tội của các cá nhân có hình vi vi phạm, bên cạnh đó Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp sẽ là cơ quan ra Quyết định truy tố và Tòa án nhân dân cùng cấp sẽ là cơ quan thụ lý, giải quyết, đưa ra xét xử để tuyên phạt các cá nhân phạm tội.

Nhìn chung Nhà báo luôn được tôn trọng và bảo vệ từ pháp luật hiện hành nhưng đó là qui định trên luật còn thực tế thì sao?

Nhà báo liên tục bị tấn công, hành hung dã man, đe dọa thủ tiêu

Chỉ cần gõ 4 chữ “hành hung nhà báo” là hàng loạt các kết quả, hình ảnh cho thấy tính chất nguy hiểm của nghề báo. Không chỉ bản thân nhà báo bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể xác, tinh thần, mà phía sau họ là những trăn trở về sự an toàn của gia đình, vợ con. Các cơ quan chức năng thống kê, 5 năm trở lại đây có hơn 50 vụ tấn công nhà báo. Xin điểm qua vài vụ xảy ra qua các năm

Năm 2016:

Ngày 23/3, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (báo Lao động) bị 3 đối tượng hành hung tại khu vực phía sau chung cư Kim Văn - Kim Lũ (quận Hoàng Mai, Hà Nội);

Ngày 6/11, phóng viên Nguyễn Tùng (Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC) và đồng nghiệp là Phạm Hiển (phóng viên báo Pháp luật Việt Nam) bị đánh tại huyện Thanh Oai (Hà Nội); nhà báo Đặng Văn Nghịnh và Nguyễn Anh Tuấn, Phòng Thời sự, Đài PT - TH tỉnh Thái Nguyên bị hành hung khi đang thực hiện phóng sự điều tra về tình trạng khai thác cát sỏi trên địa bàn xã Quân Chu (huyện Đại Từ).

Năm 2017:

Ngày 28/2, nhà báo Văn Thanh, Văn phòng đại diện báo Thanh tra khu vực miền Trung - Tây Nguyên bị hành hung trong quá trình lấy thông tin về tình trạng khai thác quặng tại xã Vân Sơn (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa);

Sáng 13/6, một nhóm phóng viên của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đang tác nghiệp ghi hình tại khu vực trước cửa số nhà 172 QL3, thuộc địa phận xã Phù Lỗ (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) thì bị một người đàn ông điều khiển ô tô bán tải đâm vào nhưng không trúng, chiếc máy quay phim của nhóm phóng viên đã bị chiếc ô tô này nghiền nát…

Khoảng 8 giờ sáng, ngày 27/9, 3 phóng viên của Báo Long An và Đài PT-TH Long An đến chụp hình, quay phim tại khu vực kênh 3, thuộc ấp 3, xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa (Long An). Bởi theo phản ánh của người dân nơi đây, khu vực này bị ô nhiễm nặng là do Nhà máy xử lý rác thải Tâm Sinh Nghĩa xả trực tiếp nước thải ra ngoài, gây ô nhiễm môi trường…

Trong lúc các phóng viên đang tác nghiệp phía bên ngoài hàng rào của nhà máy này, bất ngờ có 4 thanh niên đến ngăn cản không cho quay phim, chụp hình và không ngớt lời hăm dọa các phóng viên này. Sau đó có 2 thanh niên bất ngờ xông vào quật ngã và đè phóng viên Phạm Đức Cảnh xuống đất, liên tiếp dùng tay, chân đấm đá vào mặt vào người phóng viên Cảnh. Chưa hết, các đối tượng này còn giật lấy máy quay phim, rút lấy thẻ nhớ. Ngoài ra, 4 đối tượng này còn chửi bới, hăm dọa 2 phóng viên nữ…mãi đến 12/12/2017 Công an huyện Thạnh Hóa cho rằng thẩm quyền giải quyết vụ việc thuộc Viện KSND huyện Thạnh Hóa. Công an huyện Thạnh Hóa đã chuyển Công văn của Hội nhà báo tỉnh Long An đến Viện KSND huyện Thạnh Hóa ?

Năm 2018:

Thái Bình, khoảng 10h35 trưa 8/6, tại quán nước ven đường Lý Thường Kiệt (phường Lê Hồng Phong, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình),PV Huy Tưởng (chuyên trang Phapluatnet thuộc báo Người Đưa tin) và Bùi Văn Đạt (PV Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam),bị theo dõi, hành hung và dọa giết. “Khi vừa hành hung chúng tôi, 2 đối tượng này liên tục nói rằng: Chúng mày làm gì ở Sở NN&PTNT tỉnh Thái Bình, định cướp miếng cơm của tụi bố à? 30 phút nữa phải cút khỏi Thái Bình không bố mày giết” - anh Tưởng kể lại.

Đà Nẵng diễn ra 3 vụ phóng viên bị hành hung. Vụ thứ nhất, nhà riêng của phóng viên Hải Châu (Báo infonet.vn) bị kẻ lạ mặt tạt luyên nhớt vào nhà. Vụ thứ 2, phóng viên Nhân Nghĩa (Tạp chí Môi trường và Đô thị) bị một người đe dọa tại quán cà phê. Và vụ mới nhất là phóng viên Vĩnh Nhân bị hành hung khi tác nghiệp vào tối 11/3. Cả 3 vụ việc này vẫn chưa được cơ quan chức năng làm rõ?

Bình Định, lúc 8h30' ngày 22/3 tại địa điểm san lấp mặt bằng của 1 dự án ở phường Nhơn Bình, thành phố Quy Nhơn, Bình Định. Phóng viên Dũ Tuấn cùng đồng nghiệp là phóng viên Ngọc Oai, Báo Sài Gòn Giải Phóng dùng máy ảnh ghi hình xe tải chở đất tung bụi mù mịt…. đổ đất nền cho một dự án tại cuối đường Nguyễn Diêu thì nam thanh niên liền lấy dao sắt loại lớn dí mạnh vào đầu, đe dọa nam thanh niên này liên tục vung dao, đòi chém người, máy ảnh và yêu cầu phải xóa ảnh, đồng thời liên tục hỏi phóng viên báo nào?

Khánh Hòa, ngày 11/3/2018, hai nhà báo của báo Khánh Hòa là Thành Long và Thế Anh đến tác nghiệp, điều tra thông tin về tình trạng bảo kê, khai thác khoáng sản volfram trái pháp luật trong một khu vực rừng núi của xã Khánh Thành, trên đường về bị một nhóm người bắt giữ, hành hung. Trong nhóm bắt giữ có trưởng công an xã Nguyễn Thanh Bình.

Hai nhà báo bị nhóm này bắt giữ hành hung, lột quần áo đang mặc, tịch thu giấy tờ, tiền bạc, thẻ nhà báo, điện thoại, xóa dữ liệu thông tin đã thu thập được và giam lỏng tại khu lán trại trong rừng đến khoảng 22 giờ đêm cùng ngày mới thả về.

Luật Báo chí quy định “không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhà báo; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”.

Tuy vậy,nhà báo dù là nhà báo của báo thuộc trung ương, địa phương hay báo của các hiệp hội; công tác tại ngay Hà Nội hay các vùng sâu vùng xa đều bị hành hung, đánh đập nhưng hiệu quả các cơ quan chức năngxử lý rất thấp và cóhướng là không hết sức bảo vệ, phối hợp bảo vệ lực lượng công tác báo chí khi đến tác nghiệp tại địa phương mình quản lý, điều đó ảnh hưởng lớn đến nhiệt huyết của phóng viên, nhà báo.

Thiết nghĩ như Tổng Bí Thư đã khẳng định vai trò và nhiệm vụ cao cả, quan trọng đối với đất nước của nhà báo thì Chính phủ nên có điều luật cụ thể và chế tài hữu hiệu cũng như trang bị công cụ hỗ trợ cho nhà báo ví dụ như:

Cơ quan chuyên trách như CAND, QĐND tại địa phương mà nhà báo tác nghiệp phải có phương án bảo vệ, phối hợp hỗ trợ nhà báo khi nhà báo thực hiện các chuyên đề về điều tra tội phạm, vi phạm pháp luật…trong các lĩnh vực theo qui định của pháp luật cần đến chức năng nhiệm vụ của nhà báo

Tổ chức, cá nhân nào cản trở, quấy phá hành hung, đe dọa thủ tiêu nhà báo, gia đình nhà báo dù tại hiện trường, cơ quan, địa phương, nơi công cộng hay tại nơi nhà báo cư trú thì sẽ bị truy tố hình sự tội chống người thì hành công vụ với mức hình phạt tối thiểu là 5 năm tù giam.

Nhà báo khi tham gia hoặc đặc trách giao nhiệm vụ hoạt động báo chí chống tiêu cực, chống tham ô, tham nhũng, cửa quyền và các vấn đề nóng như điều tra chuyên đề tội phạm xã hội, buôn lậu, hàng giả…trong các lĩnh vực theo qui định của pháp luật cần đến chức năng nhiệm vụ của nhà báo thì có quyền được sử dụng công cụ hỗ trợ như: Súng bắn đạn cao su; còng tay, roi điện, bình xịt hơi cay, áo giáp, găng tay chống dao…để nhà báo tự bảo vệ chính bản thân mình cũng như nguồn tin mình đang thực hiện tác phẩm báo chí.

Có như vậy thì Nhà báo và người thực hiện công tác báo chí hợp pháp mới vững lòng mà cống hiến tất cả sức lực trí tuệ và tâm huyết của mình để góp phần làm trong sạch xã hội, bảo vệ Đảng và Nhà nước Việt Nam ngày càng phát triển.

Hoàng Vũ

Nguồn TH&PL: http://thuonghieuvaphapluat.vn/nha-bao-viet-nam-trong-su-nghiep-xay-dung-va-bao-ve-dat-nuoc-103323