Nhà báo viết văn, nhà văn viết báo

Văn chương và báo chí vẫn thường được ví như hai anh em. Chẳng vậy mà đội ngũ nhà báo hiện nay có rất nhiều người viết văn và ngược lại, rất nhiều nhà văn cũng tham gia viết báo. Sự thành công của họ ở cả hai lĩnh vực đã cho thấy mối quan hệ tương hỗ giữa văn học và báo chí của nền báo chí Việt Nam.

Ngày xả thân vì báo chí, đêm trở về văn chương

Làng văn, làng báo Việt Nam hiện có không ít những cây bút thiện xạ “hai tay hai súng”.

Ví như Nguyễn Việt Chiến: Vừa làm báo, vừa làm thơ; gặp vòng lao lý vẫn không buông bút. Đáng ngạc nhiên khi một phóng viên nội chính chuyên viết những bài điều tra sắc lạnh của báo Thanh Niên đồng thời lại là một nhà thơ nổi tiếng. Sự cạnh tranh ghê gớm của mảng báo chí nội chính khi anh còn là phóng viên báo Thanh Niên không làm mất đi chất thơ trong con người Nguyễn Việt Chiến. Chẳng thế mà anh đã 2 lần được giải lớn về báo chí và hơn chục giải thưởng lớn nhỏ về thơ.

Nguyễn Việt Chiến bảo, ở báo chí, anh vắt kiệt mình cho bạn đọc, khi trở lại thi ca, đó mới là đời sống đích thực của con người sáng tạo trong anh. Dù thực ra, vừa làm thơ vừa làm báo cũng có cái đặc biệt. Có nhiều phát hiện của báo chí, thông qua năng lực của nhà thơ mà mềm mại hóa, trở thành tác phẩm văn học mà tập thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” của anh là một điển hình. “Trước đây, khi từ báo Văn Nghệ chuyển về báo Thanh Niên, tôi làm phóng sự điều tra, thường phải chạy theo sự cạnh tranh ghê gớm giữa các báo. Cả ngày xả thân vì báo chí, đêm đến lại trở về với thi ca…”, Nguyễn Việt Chiến cho biết.

Nhà báo Nguyễn Việt Chiến trong một chuyến công tác tại Trường Sa

Nhà báo Nguyễn Việt Chiến trong một chuyến công tác tại Trường Sa

Cũng như Nguyễn Việt Chiến, rất khó để gọi chính xác nghề nghiệp của Như Bình, Trưởng ban văn nghệ báo Công an Nhân dân. Gọi Như Bình là nhà báo bởi đó là nghề nghiệp kiếm sống và gắn liền với cuộc sống hàng ngày của chị. Nhưng Như Bình cũng là nhà văn lâu năm với khá nhiều tập truyện ngắn và 2 tập ký chân dung.

Như Bình bảo, gọi chị thế nào cũng được bởi “nhà gì thì cuối cùng cũng là nhà chữ thôi, viết văn hay viết báo gì thì cũng là làm người nông dân cày cuốc trên cánh đồng chữ cả. Phần lớn các nhà văn mà tôi biết, tôi chơi đều đang làm báo và sống với nghề báo, thậm chí nổi tiếng bởi làm báo hơn là văn chương. Tôi nghĩ không cần thiết phải tách bạch hai lĩnh vực này vì nó đều là nghề viết, và nó bổ sung cho nhau để hoàn hảo”.

Nhiều người bảo, với nhiều nhà văn, báo chí chỉ là nghề tay trái, là một cuộc chơi, là “lấy ngắn nuôi dài” nhưng Như Bình quan niệm: “Không có văn chương sẽ không có được những trang báo thấm đẫm chất văn học. Tôi cũng không nghĩ rằng báo chí là thứ tức thời, có nghĩa đọc xong xé bỏ tờ báo là quên ngay, còn văn chương mới là vĩnh cửu. Tôi nghĩ đã là chữ nghĩa thì sẽ còn lại mãi mãi, một tác phẩm báo chí tốt cũng có sức lay động hàng triệu trái tim và mang lại hiệu ứng xã hội rất lớn. Có biết bao vấn đề nhờ báo chí mà đã có một kết quả vô cùng tốt đẹp. Còn văn chương, nếu chỉ là loại văn chương thị trường thì còn tệ hơn nữa…”.

Hay như “thần đồng thơ” Trần Đăng Khoa, từng là biên tâp viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, sau chuyển sang Đài Tiếng nói Việt Nam làm Trưởng ban Văn học Nghệ thuật, rồi Giám đốc hệ phát thanh có hình VOVTV. Gần đây, anh lại trở về với văn chương khi đảm nhận cương vị Phó Chủ tịch Hội Nhà văn. Tuy nhiên, dù ở cương vị nào thì Trần Đăng Khoa cũng là nhà thơ, nhà báo tên tuổi. Không chỉ một tờ báo, anh cộng tác và nắm giữ rất nhiều chuyên mục ăn khách của nhiều tờ báo khác nhau. Như anh nói, “mỗi tháng cũng phải cố kiếm vài chục triệu tiền nhuận bút để nuôi hai đứa con đang tuổi ăn, tuổi học…”

Nhiều nhà văn khác như Sương Nguyệt Minh, Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp, Đỗ Tiến Thụy… cũng đều là những nhà báo tên tuổi. Có người làm tương đối “đúng ngạch” tức là những tờ báo, tạp chí chuyên về văn chương, nhưng cũng có người làm ở những tờ báo đặc chất thông tấn, những tờ bào hoàn toàn thị trường. Nhưng có một điểm chung là chưa bao giờ báo chí khiến họ từ bỏ văn chương, bên cạnh công việc làm báo, mỗi năm họ đều đặn cho ra đời 1, 2 cuốn sách. Ngoài tấm thẻ nhà báo, đương nhiên họ còn có trong tay tấm thẻ của Hội Nhà văn Việt Nam. Nhiều người đã và đang là lãnh đạo nhiều tờ báo tên tuổi như: Khuất Quang Thụy, Hữu Ước, Hồng Thanh Quang…

Báo chí hiện đại và khuynh hướng “chia tay văn chương”

Nhà văn Khuất Quang Thụy cho rằng, một trong những đặc điểm rất lớn của các nhà văn Việt Nam là thường họ vừa làm văn, vừa làm báo. Đơn giản vì văn học không phải là một nghề, không ai trả lương cho nhà văn cả, chỉ nhà báo mới được gọi là một nghề, được trả lương. Cho nên thẻ nhà báo là thẻ hành nghề, còn thẻ hội viên hội nhà văn không phải là thẻ hành nghề, mà chỉ mang tính danh dự. Chính vì vậy, nhiều nhà văn Việt Nam thường coi báo chí là nghề nghiệp hợp pháp của mình để kiếm sống, rồi từ đấy mới viết văn. “Do đóng cả hai vai nên họ luôn trong trạng thái lưỡng phân, anh phải biết khi nào anh là nhà văn, khi nào là nhà báo. Nếu anh dùng ngôn ngữ văn học vào báo chí, anh cũng tưởng tượng, cũng hư cấu vào báo chí thì hỏng. Ngược lại, nếu làm văn mà dùng nhiều quá ngôn ngữ của báo chí cũng không được. Nói chung, nhà văn làm báo có lý thú, nhưng cũng nhiều khó khăn và thách thức, nghề gì cũng có những đòi hỏi riêng của nó. Lượng chữ nghĩa của nhà báo tuy không dùng nhiều nhưng nó lại phải chính xác, có quan điểm, mục tiêu rõ ràng, chứ không thể tưởng tượng mông lung như nhà văn được”, nhà văn Khuất Quang Thụy chia sẻ.

Tuy nhiên, theo nhà văn Khuất Quang Thụy, việc nhà văn tham gia làm báo cũng là thế mạnh, giúp nhà văn có điều kiện tiếp xúc được với hiện thực, quan sát hiện thực một cách tỉnh táo hơn. Cũng một thực tế thôi nhưng với nhà văn làm báo thì có rất nhiều lợi thế. Chẳng hạn, khi làm báo, viết phóng sự, điều tra về vụ tham nhũng ở một công ty X nào đó, thì sau khi làm tròn vai trò của nhà báo, những “tài nguyên” còn lại, anh nhà văn sẽ cất đi đến lúc nào đó lại moi ra khai quật và biến thành cảm hứng cho việc sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật.

Đi đâu nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng đeo chiếc máy ảnh- phương tiện tác nghiệp của nhà báo

Nói về sự gắn kết giữa văn học và báo chí, theo nhà phê bình Văn Giá, trong lịch sử báo chí Việt Nam từ thời kỳ sơ khai đã xuất hiện khá nhiều nhà văn viết báo. Từ những năm 30 của thế kỷ XX đã có khoảng gần 200 tờ báo và tạp chí lưu hành trên cả nước và hầu hết báo chí giai đoạn này đều thiên về mặt văn chương. Bên cạnh những loại bài thuộc khu vực thông tấn, các tờ báo và tạp chí đều đã đăng tải các tác phẩm thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch, ký. Và các cây bút của giai đoạn này vừa làm báo, vừa viết văn, họ đã dốc sức lực vào hoạt động sáng tạo. Rất nhiều những tên tuổi như: Tản Đà, Nguyễn Văn Vĩnh, Mai Đăng Đệ, Nguyễn Bá Trạc, Phạm Quỳnh, Phan Khôi... sau đó là Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Lê Văn Trương, Ngọc Giao, Thanh Châu, Vũ Bằng, Vũ Trọng Phụng… Có thể nói, đứng từ phía nghề báo mà xét, tất cả đội ngũ đông đảo các cây bút thời đó đã nhất loạt làm nên một loại hình nhà báo - nhà văn.

Theo nhà phê bình Văn Giá, tính chất văn chương chi phối hoạt động báo chí ở nhiều cấp độ - đây là một hiện tượng có ý nghĩa đặc thù của nền báo chí Việt Nam, nó đã bao quát và chi phối toàn bộ nền báo chí Việt Nam ngay từ những ngày đầu tiên. Tuy nhiên, hơn 10 năm trở lại đây, với sự phát triển mạnh mẽ của báo chí theo xu thế hiện đại, nền báo chí của ta đang dần hình thành một khuynh hướng “chia tay với văn chương” nghĩa là trở thành một loại hình sáng tạo chuyên biệt - thông tấn thuần khiết. Tuy đang là giai đoạn khởi đầu, nhưng chắc chắn nó sẽ nhanh chóng lớn mạnh đủ để thoát ra khỏi từ trường của văn chương trở thành hoạt động chuyên nghiệp và đặc thù. Sự thay đổi rất lớn về cách thức tác nghiệp của báo chí trong thời đại kỹ thuật số đòi hỏi một cây bút văn chương nào đó muốn làm báo cũng sẽ không dễ dàng như trước nữa, mà anh ta phải được (hoặc tự) trang bị những tri thức tối thiểu của báo chí hiện đại...

NGUYỆT HÀ

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/nha-bao-viet-van-nha-van-viet-bao-d75531.html