Nhà Bè một thời dĩ vãng

Một phần Nhà Bè xưa, bây giờ đã thuộc đô thị hiện đại Phú Mỹ Hưng.

Nhưng, cứ mỗi khi nghe lại câu ca xưa: “Nhà Bè nước chảy chia hai/ Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”, tôi lại bơi ngược dòng để nghe câu chuyện xưa về Nhà Bè, vùng đất mà ông bà tôi đã cắm sào ở đó, rồi lập nghiệp, sinh con đẻ cháu trong vất vả nhọc nhằn.

Ông nội tôi là một trong những người trên những đoàn thuyền Nam tiến khai hoang mở đất. Từng là dân chài lưới trên dải đất miền Trung đất cằn, sông hẹp nên khi đến sông Soài Rạp mênh mông nước, ông quyết định cắm sào vùng đất này để mưu sinh. Cha tôi kể, ngày xưa Nhà Bè là vùng đất hoang dã, mênh mông nước, chằng chịt kênh rạch và bao la rừng ngập nước. Theo sách Gia Định Thành Thông Chí: “Lúc ấy dân cư thưa thớt lại xa xôi, đò xa thuyền nhỏ, hành khách thường khổ sở về mặt ăn uống…”. Còn theo Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục ghi: “Từ các cửa biển Cần Giờ, Soài Rạp, Cửa Tiểu, Cửa Đại trở lên, toàn là rừng rậm hàng ngàn dặm”. Nhưng những con người với chí tang bồng, khí chất liều lĩnh đã giong buồm, chèo chống… trên con thuyền bé nhỏ vẫn lặng lẽ về đây. Những đoàn thuyền ấy qua sông Soài Rạp. Có người ở lại bên sông Soài Rạp để định cư như ông nội tôi. Có người tiếp tục đi vào rạch Bến Nghé để lập ra phủ Gia Định sau này.

Khi tôi hỏi cha tại sao gọi là Nhà Bè, ông giải thích rằng: Khi những đoàn thuyền trên đường qua sông Soài Rạp để vào rạch Bến Nghé, gặp khi triều xuống, chèo chống khó khăn, họ bèn neo thuyền tập trung một chỗ chờ khi thủy triều lên để xuôi dòng. Do lòng thuyền chật hẹp, nấu nướng khó khăn nên có người tên là Võ Thủ Hoằng ở tổng Tân Chánh nghĩ cách đốn tre kết làm bè neo trên sông, làm nơi nấu nướng, sinh hoạt cho cả đoàn thuyền. Nhiều người làm theo, kết nhiều chiếc bè làm chỗ mua bán, trao đổi hàng hóa... Khoảng sông này ngày càng tấp nập và tên gọi Nhà Bè ra đời từ đó.

Ở vùng đất Nhà Bè, ông nội tôi lấy vợ, sinh con và coi dòng sông Soài Rạp như là máu thịt. Kế sinh nhai của ông nội là đi đánh cá. Cái câu “Chồng chài, vợ lưới, con câu/ Thằng rể đóng đáy, con dâu ngồi nò” hình như đúng với gia cảnh ông tôi thời đó. Rõ ràng, ông tôi đã kiếm miếng cơm bằng nghề đánh cá là lựa chọn sáng suốt nhất. Vì đó là sở trường của ông, hơn nữa ngoài sự ưu đãi của tự nhiên về các loại thủy sản vùng đất này không thể trồng hoa màu. Đầm lầy, đất chua, nước mặn, lúa chỉ trồng được một vụ vào mùa mưa mà sản lượng rất kém, khiến hầu hết người dân nơi đây nghèo rớt mồng tơi từ năm này qua năm khác.

Chẳng ai có thể có một giấc mơ lãng mạn, thậm có thể nói “điên rồ” rằng có một ngày vùng đất này biến thành đô thị. Vậy mà bây giờ mọi thứ đã trở thành hiện thực. Nhà Bè xưa, nay là một phần của đô thị hiện đại nhất Việt Nam mang tên Phú Mỹ Hưng. Một đô thị với tên gọi đủ nói lên tất cả: Giàu - Đẹp - Phát triển. Đi giữa lòng Phú Mỹ Hưng hiện đại và thơ mộng, tôi xin phép “chế” câu ca: “Nhà Bè nước chảy chia hai/ Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về” rằng: “Nhà Bè yêu đến rưng rưng/ Ai về Gia Định, Phú Mỹ Hưng thì về”. Ước gì bây giờ ông còn sống, để cùng với ông ngồi bên hồ Bán Nguyệt vào một đêm trăng, tôi nghe ông kể về Nhà Bè một thời dĩ vãng, còn tôi cũng sẽ “buôn chuyện” với ông về một Phú Mỹ Hưng của thời hiện đại.

Ước mơ này thì không thể nội ơi!

Sài Gòn, tháng 6 năm 2017

Mạnh Cường

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/viet-ve-phu-my-hung/nha-be-mot-thoi-di-vang-846374.html