Nhà cổ duy nhất thuộc người Việt tại phố cổ Hội An

Mang đậm nét nguyên sơ, mộc mạc của một đô thị cổ được xây dựng cách đây hơn 400 năm về trước, những ngôi nhà cổ ở Hội An với kiến trúc cổ luôn mang những điều thú vị, hấp dẫn khiến du khách thập phương như bị lôi cuốn đặc biệt trong cảm giác muốn khám phá, tìm hiểu những gì ẩn chứa bên trong nó.

Mang đậm nét nguyên sơ, mộc mạc của một đô thị cổ được xây dựng cách đây hơn 400 năm về trước, những ngôi nhà cổ ở Hội An với kiến trúc cổ luôn mang những điều thú vị, hấp dẫn khiến du khách thập phương như bị lôi cuốn đặc biệt trong cảm giác muốn khám phá, tìm hiểu những gì ẩn chứa bên trong nó.

Chân dung đồng chí Cao Hồng Lãnh ở nhà cổ Đức An.

Chân dung đồng chí Cao Hồng Lãnh ở nhà cổ Đức An.

Ghé thăm ngôi nhà cổ Đức An, ngôi nhà cổ duy nhất có chủ nhân là người Việt, ở số 129 trên con đường Trần Phú (Hội An), tôi như tìm được dấu tích Hội An từ 200 năm về trước. Ông Phan Ngọc Trâm, cháu đời thứ 6, hiện đang ở tại ngôi nhà này cho biết: Ngôi nhà được xây dựng cách đây hơn 180 năm và đã được trùng tu, được UBND TP Hội An xếp hạng và đưa vào danh mục là công trình văn hóa của Hội An với di tích lịch sử là nhà lưu niệm đồng chí Cao Hồng Lãnh, cho khách đến tham quan du lịch vào ngày 3-2-2010.

Theo ông Trâm, ông Phan Hưng là người chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà này. Ngôi nhà ban đầu có diện tích gần 700m2, nay chỉ còn lại chừng 300m2 (chiều ngang 7m, chiều sâu hơn 40m) có phần sau ngôi nhà hướng ra mặt sông Hội An. Do trong quá trình xây dựng đô thị cổ, ngôi nhà bị mất một phần đất để làm đường. Nhà cổ Đức An có kết cấu nhà khung gỗ, mái ngói âm dương, ở giữa nhà có sân trời, thiết kế với không gian rộng mở để đón nắng, gió và khí trời. Sân trời là một khoảng sân rộng chừng 30m2 với một bức tường thành dài ở giữa ngôi nhà. Ở ngôi nhà cổ Đức An, chủ nhà trồng nhiều loại hoa như hoa cúc, hoa lan, cây đinh lân. Ngoài ra, chủ nhà cổ Đức An còn để một chậu nước rửa mặt ở một góc sân trời. Cách sinh hoạt truyền thống trong gia đình nhà cổ Đức An gợi nhớ đến nếp sinh hoạt của người dân phố cổ Hội An trong những năm của thế kỷ XVII. Trong ngôi nhà cổ Đức An ta còn bắt gặp một chiếc giếng cổ, phía trên miệng giếng để bệ thờ. Theo chủ nhân nhà cổ hiện tại cho biết, chiếc giếng đã được xây dựng từ hơn một trăm năm về trước cho đến nay vẫn cho dòng nước ngọt ngào, trong vắt.

Khám phá chiếc cầu thang của ngôi nhà cổ ta như bắt gặp một nét kiến trúc xưa với một chiếc cầu thang bằng gỗ xinh xắn. Ở giữa lối lên cầu thang có một chiếc cửa chắn ngăn lại lối đi. Những giá trị cổ được tìm thấy ở ngôi nhà như bát chén bằng sành sứ được sản xuất từ thế kỷ XVII, những bộ tràng kỷ, bàn ghế, tủ được đóng theo kiểu truyền thống ngày xưa. Đặc biệt trong nhà cổ Đức An còn trưng bày những hiện vật như áo quần, giày... mà đồng chí Cao Hồng Lãnh đã từng mặc và sử dụng trong giai đoạn hoạt động cách mạng và những bức ảnh chụp lưu niệm của đồng chí Cao Hồng Lãnh chụp chung với những nhà quân sự, những nhà lãnh đạo nổi tiếng của Việt Nam như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp,...

Nhà cổ Đức An vốn là của một nhà buôn ở Hội An. Ở đời thứ ba, một người cháu trong gia đình mở một tiệm thuốc Bắc ở ngôi nhà này. Từ cuối thế kỷ XIX, ngôi nhà Đức An là nơi bán sách với tên gọi hiệu sách Đức An. Sách được bán chủ yếu ở đây là sách tiếng Hoa của các tác giả Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu,... Trong thời gian này các nhà yêu nước kháng Pháp như Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp thường lui tới để đặt mua những cuốn sách có nội dung, tư tưởng tiến bộ. Vào những năm đầu của thế kỷ XX, các phong trào yêu nước và kháng Pháp đã diễn ra rộng khắp tỉnh Quảng Nam và cả nước, nhà Đức An tiếp tục trở thành nơi phổ biến sách báo thơ văn tiến bộ nhằm phổ biến truyền bá chủ nghĩa yêu nước đến với các tầng lớp nhân dân, trí thức trong xã hội. Vào tháng 10-1927, tại ngôi nhà này thành lập nên tổ chức thanh niên của Hội An do ông Phan Thêm (tức Cao Hồng Lãnh), hậu duệ đời thứ 4 nhà thuốc Đức An làm bí thư. Đây vừa là nơi hoạt động cách mạng vừa là nơi dừng chân bí mật của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của thị xã Hội An lúc bấy giờ.

Nhà Đức An là nơi ghi dấu quá trình hoạt động cách mạng của tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Hội An cũng như ở tỉnh Quảng Nam. Nơi đây đã sinh ra đồng chí Cao Hồng Lãnh và ngược lại đồng chí Cao Hồng Lãnh đã dựa vào truyền thống của gia đình để đến với cách mạng ngay trong buổi đầu còn trứng nước góp phần làm rạng danh nhà Đức An và quê hương Hội An (ông Cao Hồng Lãnh sinh năm 1906, mất năm 2008 và thọ 102 tuổi).

Nguyễn Hữu Hồng Sơn

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_220644_nha-co-duy-nhat-thuoc-nguoi-viet-tai-pho-co-hoi-an.aspx