Nhà của 'thánh nữ dọn dẹp' rất bừa bộn

Nhiều bậc phụ huynh đồng cảm với Marie Kondo khi cô nói rằng ngôi nhà của mình rất bừa bộn vì có tới ba đứa con cần phải chăm sóc.

 Marie Kondo nổi tiếng với sách và phim về đề tài dọn dẹp nhà cửa. Ảnh: Denise Crew/Netflix.

Marie Kondo nổi tiếng với sách và phim về đề tài dọn dẹp nhà cửa. Ảnh: Denise Crew/Netflix.

Marie Kondo, nữ doanh nhân Nhật Bản được mệnh danh là "thánh nữ dọn dẹp" nhờ sách và loạt phim Netflix, giờ đây đã mất hứng thú với việc dọn dẹp. Sau khi sinh con thứ ba, Kondo phát hiện ra rằng cuộc sống còn nhiều điều thú vị hơn là giữ cho căn nhà luôn sạch sẽ, ngăn nắp.

"Trước giờ, tôi là chuyên gia trong chuyện dọn dẹp, vì vậy đã luôn cố gắng hết sức để giữ cho nhà cửa của mình gọn gàng. Nhưng tôi đã từ bỏ điều này theo cách tích cực. Bây giờ tôi nhận ra điều quan trọng là tận hưởng và dành thời gian cho các con", cô nói trong một buổi hội thảo online đã được The Washington Post đưa tin.

Theo Kondo, bản thân cô vốn là người cầu toàn, ưa sạch sẽ. "Nhưng tôi thấy khó duy trì tiêu chuẩn đó sau khi có con. Nhiều thứ bắt đầu nằm ngoài tầm kiểm soát của mình", cô giải thích và thừa nhận không gian sống của cô giờ rất bừa bộn, thiếu ngăn nắp.

Tuyên bố của Kondo khiến các bậc phụ huynh thở phào nhẹ nhõm.

Tiến sĩ Chloe Lim, một bà mẹ ba con, huấn luyện viên nghề nghiệp, nhận định sự thay đổi của "thánh nữ dọn dẹp" là một ví dụ của sự không hoàn hảo.

"Xã hội đã tạo ra tiêu chuẩn hoàn hảo. Nhưng trường hợp của Kondo nhắc nhở chúng ta rằng mọi thứ, bao gồm con người và trải nghiệm trong cuộc sống là những món quà cần được nâng niu và tận hưởng", Lim nói.

Nhà lúc nào cũng sạch là kỳ vọng không thực tế

Nhiều bậc cha mẹ, đặc biệt là phụ nữ, đấu tranh với quan niệm rằng nhà cửa gọn gàng là biểu hiện của việc nuôi dạy con cái tốt.

Mọi người muốn con cái mình lớn lên trong môi trường sạch sẽ, gọn gàng. Nhưng nhiều người trong chúng ta cũng đang cố gắng duy trì sự nghiệp riêng và lối sống lành mạnh bao gồm ngủ đủ giấc và khả năng chăm sóc bản thân.

Marie Kondo và gia đình. Ảnh: Marie Kondo/Instagram.

Theo Marie Holmes, cây viết của The Huffington Post, gần như không thể cân bằng tất cả những điều này tại mọi thời điểm. Cuối ngày, các công việc vẫn còn dang dở với đống quần áo chưa giặt, lớp bụi bẩn xám xịt trên chân tường, tủ lạnh chất đầy rác và thức ăn thừa.

"Mọi phụ nữ mà tôi biết đều nhận thức sâu sắc rằng nếu ai đó định phán xét về căn nhà của bạn, đối tượng đầu tiên bị đổ lỗi là người mẹ, bất kể sự hiện diện của người cha hay những đứa con trưởng thành trong ngôi nhà đó", nhà trị liệu KC Davis, tác giả cuốn How To Keep House While Drowning, nói.

Anna Marcolin, nhà trị liệu tâm lý và cá nhân, cho biết dọn dẹp đối với nhiều người còn là cách duy trì sự kiểm soát. Nhưng với những đứa trẻ luôn chạy nhảy, đùa nghịch, điều đó không phải lúc nào cũng khả thi.

"Nó không còn hiệu quả nữa, vì bạn không thể dành thời gian chăm sóc con cái và đồng thời có một ngôi nhà luôn ngăn nắp. Không thể đặt ra một kỳ vọng không thực tế như vậy", Marcolin chia sẻ.

Thay đổi ưu tiên

Trong khi nhiều người dùng mạng xã hội hào hứng cho rằng lời thú nhận về sự bừa bộn của Kondo là một thất bại, thì các chuyên gia nói rằng mọi thứ vẫn phù hợp với triết lý của "thánh nữ dọn dẹp".

"Các ưu tiên của một người mẹ đã thay đổi, nhưng đó vẫn là một phần của cái gọi là KonMari", Emi Louie, chuyên gia tư vấn chính của KonMari làm việc với các khách hàng ở Mỹ và Nhật Bản, nói với The Huffington Post.

Các chuyên gia tư vấn là những nhà tổ chức chuyên nghiệp được công ty của Kondo chứng nhận về phương pháp KonMari. Một chuyên gia tư vấn cấp cao đã hoàn thành ít nhất 1.500 "giờ dọn dẹp".

Marie Kondo thừa nhận không còn giữ cho ngôi nhà luôn sạch sẽ sau khi sinh con thứ ba. Ảnh: Denise Crew/Netflix.

Helen Youn, chuyên gia tư vấn chính của KonMari tại Calgary, Alberta, nói rằng những thay đổi của Kondo "đáng tin cậy" và "mới mẻ".

"Marie Kondo không nói rằng cô ấy đã từ bỏ dọn dẹp hoàn toàn mà thay vào đó, cô ấy chỉ từ bỏ việc giữ cho ngôi nhà của mình luôn ngăn nắp".

Vì vậy, ngôi nhà bừa bộn của Kondo không thể hiện khả năng tổ chức kém, mà là sự thay đổi trong các giá trị ưu tiên.

Sachiko Kiyooka, nhà tư vấn sắp xếp và phong thủy tại Montreal, cho biết: "Những ngôi nhà của gia đình thường không bao giờ gọn gàng mọi lúc, bởi vì chúng ta bận sống trong đó. Những tiêu chuẩn hoàn hảo không thực tế có thể giết chết niềm vui".

Louie giải thích rằng phương pháp KonMari không chỉ là về việc dọn dẹp. "Những gì chúng tôi thực sự đang làm là thay đổi mối quan hệ của mọi người với đồ đạc của mình và cam kết sống cùng nhiều niềm vui hơn".

Marie Kondo (38 tuổi), nổi tiếng nhờ các phương pháp khuyến khích mọi người sắp xếp nhà cửa. Cô đã cho ra mắt 4 cuốn sách về nghệ thuật dọn dẹp được dịch sang nhiều ngôn ngữ.

Trong show riêng trên Netflix mang tên "Tidying up with Marie Kondo", nữ chuyên gia khuyên mọi người nên vứt bớt đồ đạc không cần thiết.

Tuy vậy, cô cũng từng nhiều lần gây tranh cãi khi rao bán trên trang web của mình chính những thứ từng khuyên người ta nên vứt đi như đồ trang trí, dụng cụ làm bếp, dụng cụ, hương liệu... với mức giá cao bất ngờ. Ví dụ như một ấm trà nhỏ có giá 200 USD, một món dụng cụ nấu ăn cũng có mức giá đến 275 USD. Món hàng rẻ nhất là chiếc đũa bằng sứ có giá 8 USD.

Lê Vy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nha-cua-thanh-nu-don-dep-rat-bua-bon-post1399575.html