Nhà cung cấp của Apple tính chuyển sang VN: Không dễ mừng!

Các nhà máy sản xuất phụ kiện của Apple đánh tiếng chuyển san Việt Nam có thể xem là bước đi thử nghiệm cho xu hướng mới.

Cơ hội và thách thức

Hãng lắp ráp tai nghe AirPods, nhà cung cấp lớn của Apple vừa xác nhận mong muốn chuyển cơ sở sản xuất ra nước ngoài, sau khi ra thông báo về dự định chuyển sản xuất tai nghe không dây Airpod sang Việt Nam.

Tiếp đến, hai ông lớn sản xuất thiết bị điện tử khác là Pegatron và Cheng Uei Precision cũng xác định mở rộng sản xuất ra nước ngoài với cùng lý do lo ngại bị ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Apple có thể chuyển nhà máy sản xuất phụ kiện sang Việt Nam? Ảnh minh họa

Th.S Nguyễn Bình Minh - Phó trưởng khoa Thương mại điện tử - ĐH Thương Mại, Hà Nội cho rằng, diễn biến trên được cho là sẽ đem đến những lợi thế lớn cho Việt Nam.

Theo phân tích, việc dịch chuyển nhà máy là xu hướng được dự đoán trước và có thể sự dịch chuyển trên còn diễn ra với quy mô rộng hơn.

Vị Th.S phân tích, trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang có sự phát triển ngược chiều. Về phía Mỹ, nước này vẫn đang chiếm thế thượng phong với nền kinh tế ổn định, có nhiều khởi sắc, nhiều thành tựu, tạo ra được nhiều công ăn việc làm trong khi đó, Trung Quốc đang phải đối mặt với sự giảm sút khủng khiếp của thị trường chứng khoán, sức sản xuất cũng bị chững lại.

Cùng với chiến lược thiết lập thế trận bao vây, phong tỏa nhiều hướng bao gồm tái cấu trúc lại thị trường tự do Bắc Mỹ, điều này cho thấy, Chính phủ của Tổng thống Donald Trump đang tìm mọi cách dựng lên một hàng rào kỹ thuật nhằm hạn chế sự tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc bằng cách ngăn cản hàng hóa Trung Quốc xâm nhập vào thị trường Mỹ, làm giảm lợi thế kinh tế cũng như giảm năng lực kinh tế của Trung Quốc, khiến nền kinh tế Trung Quốc gặp không ít khó khăn.

Từ góc độ tâm lý của các nhà đầu tư khi nhìn vào diễn biến trên chắc chắn đã có những toan tính, một mặt họ không muốn chống đối các lệnh trừng phạt của Mỹ với Trung Quốc nhưng mặt khác cũng không muốn bị thua thiệt từ cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước mang đến.

Do đó, với những doanh nghiệp có tầm nhìn chiến lược họ sẽ có xu hướng dịch chuyển nhà máy sản xuất đến những nước có nền chính trị ổn định, an toàn, đặc biệt là các nước đã ký kết các hiệp định tự do thương mại với Mỹ. Nhìn từ góc độ này, Việt Nam đang là một quốc gia nhận được nhiều sự lựa chọn trong xu hướng dịch chuyển của các nhà sản xuất lớn đến từ nhiều nước trên thế giới.

Ông Minh cho rằng, đây là lợi thế cũng là cơ hội cho Việt Nam song có những cảnh báo rất đáng phải quan tâm.

"Khi hàng hóa Trung Quốc không có khả năng xâm nhập vào thị trường Mỹ, họ sẽ tìm cách đẩy hàng hóa sang các thị trường xung quanh, trong đó có Việt Nam.

Như vậy, chúng ta thấy chiến tranh thương mại có thể sẽ mang đến cơ hội đưa các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam đặt trụ sở sản xuất, gia công, tạo ra sản phẩm xuất khẩu đi các thị trường tiềm năng khác.

Việt Nam có thể được hưởng lợi một phần từ giá trị gia công, tạo công ăn việc làm, tăng nguồn vốn đầu tư nước ngoài nhưng ngược lại, điểm bất lợi của Việt Nam là hàng rào kỹ thuật còn yếu, cơ chế quản lý lỏng lẻo, vì thế, nguy cơ hàng hóa Trung Quốc sẽ xâm nhập ngày càng mạnh mẽ hơn, còn nền sản xuất trong nước sẽ càng khó khăn hơn", Th.S Nguyễn Bình Minh lý giải.

Làm sao cho lợi?

Tiếp tục phân tích, Th.S Nguyễn Bình Minh cho biết, những đánh tiếng từ các nhà máy sản xuất phụ kiện của Apple có thể xem đây là bước đi thử nghiệm, đánh tiếng cho xu hướng chuyển dịch dần các nhà máy sản xuất chính nếu các nhà sản xuất nhận thấy có đủ các điều kiện thuận lợi để họ phát triển.

Nếu Việt Nam nắm bắt được cơ hội, đây sẽ là điều kiện rất thuận lợi để các doanh nghiệp Việt từng bước gây dựng uy tín, danh tiếng thương mại, tạo ấn tượng với các nhà sản xuất trên thế giới. Đây cũng được coi là tiền đề hút dòng chảy đầu tư của các nhà sản xuất lớn đang có xu hướng muốn dịch chuyển tới Việt Nam.

Nhà cung cấp của Apple muốn chuyển sản xuất sang Việt Nam

Tuy nhiên, để có thể biến những cơ hội thành lợi thế thực tế, Th.S Nguyễn Bình Minh cho rằng, Việt Nam cần thẳng thắn nhìn vào những điểm yếu để có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Có mấy vấn đề được vị chuyên gia chỉ rõ:

Thứ nhất, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam còn đang đuối sức, chưa đuổi kịp được các nước trên thế giới. Vì thế, dù có lợi thế lớn về điều kiện phát triển kinh tế, chính trị, xã hội nhưng giá trị hưởng lợi có thể mang về cho Việt Nam lại không nhiều.

Năng lực sản xuất các linh phụ kiện để cung cấp cho các nhà máy sản xuất lớn trên thế giới vẫn còn hạn chế, chưa có được sản phẩm chủ lực, do đó, giá trị hưởng lợi chủ yếu Việt Nam vẫn dựa vào sức lao động giá rẻ.

Vì thế, để Việt Nam được lợi thì phải có được nguồn nhân lực chất lượng cao, có thể tham gia được vào các công đoạn sản xuất kỹ thuật cao trong dây chuyền sản xuất của nhà máy này.

Thứ hai, là các cơ chế về hành lang pháp lý có thể hỗ trợ được cho các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất tại Việt Nam phải đủ thông thoáng, thuận lợi, hấp dẫn.

Thứ ba, trong tương lai, nếu Apple hay các hãng sản xuất lớn trên thế giới muốn đầu tư tại Việt Nam thì cần phải xây dựng định hướng, ra điều kiện buộc các nhà đầu tư phải chuyển giao công nghệ, nâng cao trình độ kỹ thuật, sản xuất cho các doanh nghiệp trong nước.

"Nếu làm được như vậy, Việt Nam sẽ thực sự được hưởng lợi lớn", Th.S Nguyễn Bình Minh chia sẻ.

Hoài An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/nha-cung-cap-cua-apple-tinh-chuyen-sang-vn-khong-de-mung-3367440/