Nhà đầu tư đang đặt cược vào giá trị vô hình của Yeah1?

Giá cổ phiếu ở vị trí độc tôn trên sàn chứng khoán, tăng trần liên tục sau khi chào sàn, cổ phiếu của Tập đoàn Yeah1 đang khiến nhiều nhà đầu tư 'giật mình' xen lẫn hoài nghi.

Sau phiên chào sàn đầy hứng khởi của cổ phiếu YEG - Tập đoàn Yeah1 hôm qua, phiên giao dịch hôm nay (27/6), cổ phiếu YEG tiếp tục leo lên mốc 321.000 đồng/cổ phiếu, nhưng giao dịch của mã này chỉ khớp lệnh vỏn vẹn 100 cổ phiếu. Đáng chú ý là xuất hiện giao dịch thỏa thuận lên đến 7,82 triệu cổ phiếu ở mức giá 300.000 đồng/cổ phiếu, với tổng giá trị giao dịch đạt 2.346 tỷ đồng, chiếm 85% tổng giá trị giao dịch sàn HoSE.

Toàn bộ lượng giao dịch thỏa thuận này của YEG đều do khối ngoại mua vào.

Câu chuyện về giá cổ phiếu của Yeah1 quá cao cùng cơ sở định giá ở tương lai đang khiến nhiều chuyên gia đặt vấn đề, rằng nhà đầu tư đang đánh cược vào những giá trị vô hình của doanh nghiệp.

Giá cao vì tương lai tốt?

Hơn 27 triệu cổ phiếu YEG hôm qua (26/6) lên sàn với mức giá tham chiếu 250.000 đồng, là cổ phiếu có mức giá tham chiếu cao kỷ lục trên thị trường chứng khoán. Tăng hết biên độ ngay khi chào sàn, giá của YEG chạm ngưỡng 300.000 đồng/cổ phiếu, trở thành cổ phiếu có thị giá cao nhất trên sàn hiện nay, đưa giá trị vốn hóa doanh nghiệp vượt 8.000 tỷ đồng.

Cơ cấu giá vốn bán hàng của Yeah1 trước khi lên sàn.

Phiên tiếp theo hôm nay, giá cổ phiếu này tăng trần lên 321.000 đồng/cổ phiếu. Mức giá này tương ứng với mức P/E (hệ số giá trên thu nhập cổ phiếu) của doanh nghiệp gần 100 lần.

Có nhiều phương pháp định giá cổ phiếu, nhưng với các nhà đầu tư cá nhân, phổ biến và đơn giản nhất là dựa trên chỉ số P/E. Từ đó họ có thể so sánh với các cổ phiếu cùng ngành hoặc ngành khác, để xem giá cổ phiếu đó là đắt hay rẻ?

Một chuyên gia trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến nói: “Chuyện làm giá thì có thể doanh nghiệp nào IPO cũng làm vậy, để ngay sau đó, họ ra chiêu bài khác. Tuy nhiên mức giá này quá cao, phải chăng nhà đầu tư đang đặt cược vào giá trị vô hình của Yeah1”.

Yeah1 tự hào là doanh nghiệp truyền thông đầu tiên lên sàn chứng khoán, nên nhà đầu tư có thể chưa so sánh được với doanh nghiệp khác cùng lĩnh vực.

Nhưng P/E chung của sàn chứng khoán TP.HCM chỉ ở mức 17-18 lần. Còn một số cổ phiếu blue-chips đang dẫn đầu trên sàn, như cổ phiếu SAB của bia Sài Gòn có giá 227.900 đồng/cổ phiếu thì P/E hơn 31 lần; VNM của Vinamilk có giá 168.800 đồng thì P/E ở mức 24 lần; MWG của Thế Giới Di Động ở giá 115.800 đồng tương ứng P/E gần 15 lần…

Như vậy mức P/E của Yeah1 cũng "khủng" nhất trên sàn.

Công ty tư vấn HSC lý giải giá chào sàn của YEG cao dựa trên nguyên tắc chiết khấu dòng tiền. Hiện tại, Yeah1 là công ty đầu tiên trong lĩnh vực truyền thông, giải trí niêm yết tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Ngoài mảng truyền hình, dịch vụ quảng cáo truyền hình truyền thống, phim truyện… Yeah1 còn đang có thế mạnh với mảng kỹ thuật số trên nền tảng YouTube và Google.

Công ty tư vấn cho biết YEG được định giá dựa trên sự kết hợp giữa P/E - hệ số giá trên thu nhập và P/B - hệ số giá trên giá trị sổ sách, cùng với phương pháp chiết khấu dòng tiền.

Tuy nhiên, do không có doanh nghiệp niêm yết tương tự tại thị trường chứng khoán Việt làm cơ sở tham chiếu, nên YEG dựa vào P/E và P/B của các doanh nghiệp truyền thông, giải trí tại các thị trường lân cận, như Thái Lan, Philippines… Bên cạnh đó cũng sẽ lấy mức tăng trưởng trong những năm qua và kỳ vọng kết quả kinh doanh trong 5 năm tới để làm cơ sở xác định giá.

Điểm kỳ vọng tăng trưởng của doanh nghiệp trong tương lai được đơn vị tư vấn nhắc đến nhiều lần, để bảo đảm rằng mức giá cổ phiếu trên là hợp lý.

Ông Andy Ho, Trưởng bộ phận đầu tư quỹ Vinacapital (cổ đông lớn của Yeah1), còn đưa ra câu hỏi so sánh: “Bạn có thấy giá cổ phiếu Amazon quá cao không?”.

“Nếu chỉ nhìn mức giá cổ phiếu để nói cao hay thấp thì không thật sự chính xác. Mà quan trọng là giá trị công ty so với tiềm năng của công ty. Khi cho rằng công ty đang phát triển 30-50%/năm, và với mức giá 250.000 đồng/cổ phiếu là cao thì không có ý nghĩa, mà phải coi giá trị tổng thể công ty đó bao nhiêu tiền”, ông Andy Ho nói.

Còn Chủ tịch HĐQT Yeah1, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, thì cho rằng: “Nếu biết cách, ta có thể tạo ra giá trị nghìn lần, và đây chính là cái gọi là công nghệ 4.0. Đừng đầu tư cổ phiếu Yeah1 khi bạn chưa hiểu nó!”.

Đặt cược vào tương lai mơ hồ?

Dù câu chuyện về tương lai của Yeah1 thông qua tăng trưởng của thị trường được nhắc đến nhiều để bảo chứng cho mức giá cổ phiếu độc tôn, nhưng thị trường cũng không thể không đặt ra câu hỏi về việc giá cổ phiếu đang được tác động chủ quan để nâng lên quá cao so với giá trị thực.

Nhiều chuyên gia cho rằng chiêu đẩy giá lên cao để phát hành thêm cổ phiếu mới, và tách giá xuống thấp làm cho nhà đầu tư mới nhìn vào tưởng rẻ. Điều này có thể giúp giá cổ phiếu có cơ hội tăng trở lại, thay vì để quá cao như trước đó. Hơn nữa, với số lượng cổ đông "cô đặc" như Yeah1, thì muốn định giá bao nhiêu cũng không ai phản đối.

"Kiểu đưa giá này là chỉ có họ tự chơi với nhau thôi, nhà đầu tư nhỏ lẻ nào dám mua vào thì chỉ có từ lỗ đến lỗ", một chuyên gia tài chính nói.

Chuyên gia tài chính - chứng khoán Phan Dũng Khánh đặt vấn đề doanh nghiệp này nói hoạt động trong ngành khá đặc biệt, nhưng đọc báo cáo lại thấy mâu thuẫn, khi đem so sánh với mức trung bình ngành. Vậy so sánh với ai?

Thêm vào đó, họ cho rằng mức giá hiện tại được đưa ra với nhiều phương pháp khác nhau, nếu đem đối chiếu với mức lợi nhuận trong quá khứ thì PE đang gấp 10 lần hệ số chung của thị trường.

Cũng theo ông Khánh, công ty tư vấn cho rằng định giá với phương thức chiết khấu dòng tiền trong tương lai, tuy nhiên chuyện tương lai thì rất mơ hồ. Yeah1 là một doanh nghiệp công nghệ, nên cổ phiếu công nghệ có mức định giá cao bất thường là chuyện dễ hiểu. Song tham chiếu cổ phiếu của các công ty công nghệ hàng đầu như Facebook, phải mất 6 năm đầu tiên lỗ mới có được giá trị như bây giờ.

Hay Uber, thậm chí đến nay vẫn chưa có lời. Cần nhấn mạnh rằng đó là những công ty công nghệ thuần túy. Còn Yeah1 vẫn chỉ là doanh nghiệp hoạt động trên nền tảng công nghệ của người khác, nên cần cân nhắc kỹ đối với nhà đầu tư.

Tốc độ phát triển nhanh, nhưng Yeah1 là công ty hoạt động trên nền tảng công nghệ của doanh nghiệp khác.

“Có thể Yeah1 đang có thêm những mảng mới liên quan nhiều đến công nghệ, nhưng vẫn là đánh lận khái niệm doanh nghệp thuần túy công nghệ và doanh nghiệp hoạt động trên nền tảng công nghệ. Như vậy rủi ro rất lớn, nếu như nền tảng mà Yeah1 đang sử dụng gặp phải sự cố. Hiện nay có thể nói rằng, nhà đầu tư đang đánh cược vào giá trị vô hình trong tương lai của Yeah1”, ông Khánh chia sẻ

Các cổ phiếu mới lên sàn từ cuối năm 2017 tới nay hầu như không có lời, như Techcombank, Lọc hóa dầu Bình Sơn, PV Oil… chỉ duy nhất Vinhomes là hòa vốn. Với diễn biến thực tế như vậy, giá cổ phiếu hiện tại của Yeah1 chỉ mang lại lợi ích cho cổ đông hiện hữu, chứ không phải là nhà đầu tư mới.

Với cổ đông quá cô đặc như hiện tại của Yeah1, sẽ rất dễ tìm được sự đồng thuận khi đưa ra mức giá cụ thể, nhưng rất rủi ro trong tương lai. Có thể lấy ví dụ việc đồng Bitcoin rớt giá từ cuối năm ngoái cho thấy việc pha loãng giao dịch đang là mối họa lớn cho thị giá", ông Khánh nói thêm.

Chuyên gia này cũng phân tích, thời điểm Bitcoin rớt giá chính là sau khi CME cho phép sử dụng đồng tiền này trong giao dịch phái sinh. Từ một đồng tiền được giao dịch bởi số ít nhà đầu tư thì giá được thổi lên cao, nhưng đến khi giao dịch đại chúng đã rớt giá rất nhanh, và chỉ còn 1/3 mức giá đỉnh.

Cổ phiếu của Yeah1 cũng vậy. Thị giá sẽ được đưa về giá trị thực sau khi pha loãng, và có nhiều nhà đầu tư tham gia.

Nhưng ông Khánh cũng nói thêm Yeah1 hoạt động trong lĩnh vực đặc thù, cốt lõi là sản xuất truyền hình, đây là ẩn số mức độ tăng trưởng trong tương lai, và nhà đầu tư nên cân nhắc.

Bình Nguyên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nha-dau-tu-dang-dat-cuoc-vao-gia-tri-vo-hinh-cua-yeah1-post855240.html