Nhà đầu tư mất kiên nhẫn với cổ phiếu thủy sản Hùng Vương, Vĩnh Hoàn

Xuất khẩu thủy sản trong quý 3.2017 tăng mạnh so với cùng kỳ, cùng với giá cá tra nguyên liệu liên tục tăng mạnh trong vài tuần trở lại đây dường như không có tác động lớn đến diễn biến giao dịch của cổ phiếu doanh nghiệp (DN) cá tra trên sàn chứng khoán.

Theo phân tích của giới chuyên gia, phần lớn các DN ngành thủy sản đang tiềm ẩn khá nhiều rủi ro không chỉ trong việc tìm kiếm thị trường, đầu tư ngoài ngành kém hiệu quả, nợ vay lớn mà bên cạnh đó còn có cả câu chuyện bất lợi về chính sách đến từ các nước xuất khẩu... khiến nhà đầu tư mất dần sự kiên nhẫn vào các mã cổ phiếu này.

Nhà đầu tư đang "mất kiên nhẫn" với cổ phiếu DN cá tra (Ảnh: IT)

Cổ phiếu DN cá tra tiếp tục “lao đao”

Có thể nói, từ đầu năm 2017 đến nay, sức ép tăng giá của con giống, nhất là giá cá tra nguyên liệu liên tục tăng trong khi giá bán không tăng tương ứng... là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận các DN trong ngành bị ảnh hưởng. Cụ thể, với Hùng Vương (mã HVG), kết thúc 6 tháng đầu năm 2017, HVG ghi nhận mức lãi ròng gần 35 tỷ đồng giảm 85% so với cùng kỳ. Tương tự, Vĩnh Hoàn (mã VHC) mặc dù có doanh thu tăng trưởng nhưng việc chi phí nguyên liệu tăng trong khi tốc độ tăng giá bán chưa theo kịp đã khiến VHC lãi giảm 38% so với cùng kỳ.

Kết thúc quý 3.2017, chỉ trừ “ông lớn” Vĩnh Hoàn có tăng trưởng, các DN còn lại khá khó khăn. Cụ thể với Vĩnh Hoàn, kết quả kinh doanh quý 3/2017 đã ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.021 tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ trong quý đạt 289,8 tỷ đồng, tăng 35,5 tỷ đồng so với cùng kỳ. Kết quả, Vĩnh Hoàn báo lãi sau thuế gần 169 tỷ đồng trong quý 3/2017, tăng 28,6% so với cùng kỳ 2016.

Bước sang quý 3.2017, các DN ngành cá tra lại tiếp tục đối mặt với những bất lợi như: Đạo luật Nông trại Mỹ chính thức được áp dụng (2.08) đối với cá da trơn nhập khẩu, hay Bộ Thương mại Mỹ (DOC) cũng có thông báo sơ bộ về quyết định xem xét hành chính lần thứ 13 (POR13) đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam… Khiến kết quả kinh doanh các DN ngành này càng thêm khó khăn. Chẳng hạn, với Thủy sản Bến Tre, trong quý 3.2017, ABT đạt 103 tỷ đồng doanh thu, giảm gần 15% so với cùng kỳ trong khi các chi phí đội lên cao. ABT lãi chỉ hơn 4 tỷ đồng trong quý 3, giảm sâu 74% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, ABT lãi 15,6 tỷ, chưa bằng một nửa con số 40 tỷ đồng đạt được trong 9 tháng năm 2016.

Tương tự với Hùng Vương, kết thúc quý 4 (niên độ tài chính 1.10.2016 - 30.9.2017), công ty chỉ đạt mức lãi sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ 6 tỷ đồng trên tổng doanh số 3.588 tỷ đồng. Mặc dù doanh thu quý 4 này tăng 14% so cùng kỳ và lợi nhuận cũng được cải thiện so với khoản lỗ 112,5 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Nhưng với kết quả này thì kết quả mà HVG ghi nhận trong cả năm tài chính 2017 ghi lỗ tổng cộng 132 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần con số lỗ 49 tỷ đồng năm 2016...

Trên sàn chứng khoán, hầu hết các mã cổ phiếu DN ngành cá tra đều sụt giảm mạnh so với hồi đầu năm. Chẳng hạn với “ông lớn” Vĩnh Hoàn, mặc dù đà tăng trưởng vẫn khá ổn định nhưng với nhiều lo ngại về thị trường Mỹ, cổ phiếu VHC đã giảm từ mức đỉnh hơn 60.000 đồng/CP về về mức “đáy” 43.200 đồng/CP trong phiên giao dịch ngày 2.11 vừa qua. Sau đó đã tăng dần trở lại nhưng vẫn ở mức 47.000 - 48.000 đồng/CP, thấp hơn nhiều so với thời điểm đầu năm 2017.

Tương tự, HVG cũng giảm mất gần 40% so với thời điểm đầu năm, neo tại mức 5.800 đồng/CP, thậm chí có thời điểm chỉ còn ở mức giá 5.140 đồng/CP. Hoặc, ABT cũng giảm mạnh từ mức “đỉnh” 46.000 đồng/CP về vùng giá 26.000 - 27.000 đồng như thời điểm hiện tại...

Từ 2018, DN cá tra sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa bởi các chính sách từ các nước nhập khẩu. (Ảnh: IT)

Vì sao nhà đầu tư không mặn mà?

Liên quan đến việc các mã cổ phiếu DN cá tra liên tục sụt giảm và nhà đầu tư không mấy mặn mà với các mã cổ phiếu này, ông Nguyễn Thế Minh, Phó Giám đốc kiêm Trưởng nhóm Phân tích thị trường vốn, Khối khách hàng cá nhân, Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đã đưa ra 3 lý do chính khiến nhà đầu không mặn mà với cổ phiếu thủy sản. Theo ông Minh, thứ nhất, nhìn vào dài hạn thì các nhà đầu tư lo ngại thị trường xuất khẩu thủy sản có nhiều biến động bất lợi. Trong đó bất lợi lớn nhất hiện nay là các DN thủy sản Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Mỹ và châu Âu. Trong khi đó, Mỹ đang thắt chặt bằng cách chính sách bảo hộ, áp chính sách thuế nhập khẩu mới đối với thủy sản nhập khẩu gây ảnh hưởng trực tiếp tới các DN thủy sản Việt Nam.

Riêng châu Âu hiện vẫn chưa thoát khỏi khó khăn của kinh tế khiến lượng xuất khẩu thủy sản sang thị trường này giảm trong thời gian trở lại đây. Hai thị trường lớn nhất này sụt giảm, buộc các DN thủy sản nâng cao chất lượng sản phẩm đồng nghĩa với việc tăng cao chi phí trong khi nguồn cầu có hạn, đây là khó khăn về lâu dài.

Thứ hai, vấn đề nợ đọng của doanh nghiệp thủy sản là nỗi lo lớn của nhà đầu tư. Hiện tỷ lệ nợ của các DN thủy sản tương đối cao, trong khi tăng trưởng doanh thu không tốt khiến nhà đầu tư chưa có niềm tin vào cổ phiếu ngành này.

Thứ ba, trong ngắn hạn, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng cao, nhưng đây có thể là tác động của việc Mỹ áp khung thuế chống bán phá giá đối với nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam và các doanh nghiệp Mỹ tranh thủ mua gom hàng số lượng lớn trước khi có lệnh áp thuế chính thức có hiệu lực khiến tăng trưởng thủy sản tăng đột biến quý III vừa qua và đây không phải là tăng trưởng ổn định.

Trước tình hình ngành cá tra liên tục gặp khó thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Tổng cục Thủy sản tăng cường kiểm soát chất lượng cá tra. Theo đó, các nhà máy chế biến cá tra phải đáp ứng yêu cầu mua nguyên liệu từ cơ sở nuôi cá tra đáp ứng quy định về điều kiện nuôi cá tra thương phẩm, tạo ra sản phẩm cá tra chất lượng cao, thương hiệu mạnh và phát triển bền vững.

Đối với thị trường xuất khẩu, Tổng cục Thủy sản sẽ hợp tác với Bộ Nông nghiệp Mỹ nhằm tháo gỡ các rào cản thị trường, tăng cường công tác truyền thông và hợp tác với các nước EU để được tăng cường sự hỗ trợ kỹ thuật và đầu tư vào sản xuất.

Đặc biệt, với các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã và sắp ký kết sẽ giúp Việt Nam tăng lợi thế khi xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, Nhật, châu Âu, Nga với thuế suất 0%. Thêm vào đó, việc Trung Quốc đang xem xét bỏ thuế giá trị gia tăng sẽ phần nào giúp sản lượng xuất khẩu trực tiếp sang thị trường này của các doanh nghiệp đầu ngành như VHC, ANV, HVG…

Quốc Hải

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/nha-dau-tu-mat-kien-nhan-voi-co-phieu-thuy-san-hung-vuong-vinh-hoan-822627.html