Nhà đầu tư mất tiền vì Evergrande: Elon Musk bị gọi tên

Các nhà đầu tư nước ngoài chịu rủi ro lớn từ quả bom nợ Evergrande, Elon Musk bay hơi hơn 7 tỷ USD.

Phiên bán tháo trên thị trường tài chính toàn cầu ngày thứ 20/9 đã khiến khối tài sản của top 500 người giàu nhất thế giới “bốc hơi” 135 tỷ USD.

Tỷ phú Mỹ Elon Musk bị bay hơi 7 tỷ USD ảnh hưởng bởi bom nợ Evergrande của Trung Quốc.

Tỷ phú Mỹ Elon Musk bị bay hơi 7 tỷ USD ảnh hưởng bởi bom nợ Evergrande của Trung Quốc.

Đây được cho là sự ảnh hưởng bởi nỗi lo về cuộc khủng hoảng nợ ở công ty bất động sản Trung Quốc Evergrande.

Dù có vẻ không liên quan gì đến “gã khổng lồ” địa ốc Trung Quốc, tỷ phú Mỹ Elon Musk, người giàu nhất thế giới, là người mất nhiều tài sản nhất phiên này. Khối tài sản ròng của nhà sáng lập kiêm CEO hãng xe điện Tesla sụt 7,2 tỷ USD, còn 198 tỷ USD – theo dữ liệu từ xếp hạng tỷ phú Bloomberg Billionaires Index.

Người giàu thứ hai thế giới, nhà sáng lập Jeff Bezos của hãng thương mại điện tử Amazon, mất 5,6 tỷ USD, còn 194,2 tỷ USD.

Việc Evergrande - công ty bất động sản Trung Quốc đang gánh 300 tỷ USD nghĩa vụ nợ - bị đẩy tới bờ vực vỡ nợ đang khiến giới đầu tư toàn cầu như “ngồi trên đống lửa”.

Nỗi sợ hãi đã châm ngòi cho một cuộc bán tháo trên thị trường toàn cầu. Trong phiên giao dịch ngày 21/9 tại thị trường châu Á, ngay cả những trái phiếu USD có định hạng tín nhiệm cao cũng giảm giá mạnh. Giá cổ phiếu tại một số thị trường chủ chốt cũng tiếp tục “đỏ lửa”, điển hình là chứng khoán Nhật Bản với mức giảm gần 2,2%.

Nhiều chuyên gia đồng quan điểm rằng, nếu vỡ nợ xảy ra, các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân nước ngoài có thể sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn so với các nhà đầu tư trong nước ở Trung Quốc.

Evergrande có một loạt các công ty quốc tế lớn trong danh sách nhà đầu tư của mình, bao gồm các công ty quản lý đầu tư quốc tế như Allianz (Đức), Ashmore (Anh) và BlackRock (Mỹ). Một vụ vỡ nợ có thể sẽ có tác động lan tỏa đến các thị trường toàn cầu, nơi mà nhiều nhà đầu tư trước đây thường dự báo Chính phủ Trung Quốc sẽ ra tay hỗ trợ vào những thời điểm khó khăn.

Evergrande đang cố gắng giải quyết các vấn đề của mình bằng cách bán tài sản. Nhưng bà Iris Chen, một nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư Nhật Bản Nomura, lập luận rằng việc thanh lý như vậy sẽ gây tổn hại lớn cho các trái chủ ở nước ngoài. Vì số tiền thu được có thể sẽ được sử dụng để trả các khoản nợ đến kỳ trong nước, như chi phí xây dựng và các khoản vay ủy thác.

Vishnu Varathan, Trưởng bộ phận kinh tế và chiến lược của Ngân hàng Mizuho nhận định, có thể trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ nội địa sẽ được ưu tiên hơn trái phiếu bằng đồng USD ở nước ngoài. Trái phiếu nước ngoài chủ yếu được nắm giữ bởi các tổ chức hoặc nhà đầu tư nước ngoài trong khi các nhà đầu tư tổ chức và nhỏ lẻ của Trung Quốc sẽ chủ yếu nắm giữ trái phiếu nội địa.

Ngoài ra, chuyên gia Varathan còn nhấn mạnh rằng lợi ích đối với các nhà đầu tư trái phiếu nhiều khả năng sẽ được tính đến sau người mua nhà và các nhóm khác bởi sự ưu tiên mạnh mẽ của các nhà chức trách dưới góc độ ổn định xã hội. Giải quyết một phần lợi ích cho các nhóm này trước có thể giảm thiểu rất nhiều rủi ro trong trường hợp quả bom nợ Evergrande vỡ.

Những điều này không phải không có cơ sở. Khi Evergrande có dấu hiệu vỡ nợ, những người mua nhà và các nhà đầu tư giận dữ đã đổ xô tới văn phòng của công ty này ở một số thành phố. Đó thực sự là vấn đề quan ngại với ổn định xã hội, điều mà nhà chức trách Trung Quốc luôn muốn ổn định.

Khi người mua nhà và các nhà đầu tư trong nước được quan tâm, rõ ràng các nhà đầu tư nước ngoài, đổ tiền vào trái phiếu bằng đồng USD của Evergrande, sẽ bị xếp phía sau. Ngoài ra, Varathan còn khẳng định rằng vỡ nợ trái phiếu bằng đồng USD sẽ không kích hoạt tình trạng vỡ nợ chéo, điều chắc chắn sẽ xảy ra nếu Evergrande sụp đổ.

Ông Hứa Gia Ấn, Chủ tịch Evergrande - Ảnh: Reuters.

Tỷ phú Hứa Gia Ấn (Hui Ka Yan), nhà sáng lập kiêm Chủ tịch của Evergrande, đương nhiên không tránh được tình trạng khối tài sản giảm chóng mặt. Phiên ngày 20/9, cổ phiếu Evergrande niêm yết tại thị trường Hồng Kông giảm 14%, xuống mức thấp nhất 1 thập kỷ. Cú giảm này khiến ông Hứa mất 111 triệu USD, còn 7,3 tỷ USD. Nếu tính từ đầu năm, ông Hứa đã mất 15,9 tỷ USD tài sản.

Ở thời kỳ đỉnh cao vào năm 2017, ông Hứa là chủ nhân của khối tài sản ròng 42 tỷ USD.

Theo tờ Thời báo Chứng khoán của Trung Quốc, trong một lá thư nội bộ, Tỷ phú Hứa Gia Ấn (Hui Ka Yan) nói với nhân viên rằng ông tin tưởng chắc chắn công ty sẽ sớm vượt qua được thời khắc đen tối nhất. Lá thư cho biết Evergrande sẽ đẩy nhanh việc xây dựng các dự án đang dở dang để giao nhà cho khách hàng.

Điều này có lẽ sẽ không kéo thêm triển vọng tích cực gì cho các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường số.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nha-dau-tu-mat-tien-vi-evergrande-elon-musk-bi-goi-ten-3439361/