Nhà đầu tư nhỏ lẻ tuyệt vọng vì bom nợ của China Evergrande

Khi khó vay tiền từ ngân hàng và các quỹ tín thác, China Evergrande tìm cách bán khoản đầu tư cho nhân viên và khách hàng. Giờ, hàng chục nghìn nhà đầu tư không thể đòi lại tiền.

"Chính quyền Trung Quốc coi ổn định xã hội là một trong những ưu tiên hàng đầu", Bloomberg dẫn lời ông James Feng tại Poseidon Capital Group nhận định.

China Evergrande - tập đoàn bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc - đang chạy đua với thời gian để thanh toán cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Trong quý IV/2021, công ty sẽ phải trả 1,8 tỷ USD sản phẩm đầu tư lãi suất cao.

Các cơ quan quản lý tại Bắc Kinh đã ban hành một loạt hướng dẫn cho China Evergrande, yêu cầu tập đoàn thực hiện tất cả biện pháp có thể để tránh vỡ nợ trái phiếu USD, tập trung vào việc hoàn thành các dự án nhà ở và trả nợ cho nhà đầu tư nhỏ lẻ.

 Các khách hàng, nhà đầu tư biểu tình đòi nợ China Evergrande. Ảnh: AFP.

Các khách hàng, nhà đầu tư biểu tình đòi nợ China Evergrande. Ảnh: AFP.

Khoản đầu tư lãi suất cao

Tuần trước, Chủ tịch China Evergrande Hứa Gia Ấn cũng khẳng định sẽ hoàn trả các sản phẩm đầu tư của tập đoàn cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, số tiền phải trả của tập đoàn đã lên tới 300 tỷ USD. Dòng tiền của China Evergrande cũng dần cạn kiệt. Không rõ tỷ phú Hứa sẽ thực hiện lời hứa bằng cách nào.

Hôm 23/9, tập đoàn không thể trả 84 triệu USD lãi trái phiếu coupon cho các trái chủ. Khoản lãi 47,5 triệu USD của một trái phiếu khác cũng sẽ đến hạn thanh toán vào tuần tới.

Giới chức Trung Quốc muốn China Evergrande ưu tiên sử dụng tiền mặt để hoàn thành các dự án nhà ở, thay vì trả tiền cho trái chủ. Do đó, tài khoản ngân hàng của tập đoàn cũng có thể đối mặt với những hạn chế gia tăng.

Khi các ngân hàng buộc phải cắt giảm cho vay đối với lĩnh vực bất động sản, China Evergrande trở nên phụ thuộc vào quỹ tín thác và những sản phẩm quản lý tài sản khác.

Chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu các chính quyền địa phương chuẩn bị cho sự sụp đổ tiềm tàng của China Evergrande. Ảnh: Reuters.

Tính đến cuối năm 2019, China Evergrande đã làm ăn với phần lớn trong số 68 công ty tín thác Trung Quốc, chiếm đến 41% tổng tài chính.

Theo nguồn tin của Bloomberg, khi China Evergrande gặp rắc rối về tài chính, các quỹ tín thác đã trở nên thận trọng hơn. Nhiều công ty chỉ chấp nhận một trong số hàng chục đề xuất từ tập đoàn bất động sản. Họ cũng đầu tư chưa đến 50% trị giá dự án.

Các quỹ tín thác cũng giảm tiếp xúc với các công ty bất động sản. Những rắc rối của China Evergrande đã ảnh hưởng đến toàn bộ ngành công nghiệp, vốn chiếm 15% nền kinh tế Trung Quốc.

Theo hiệp hội tín thác, nửa đầu năm nay, các công ty tín thác Trung Quốc đã cắt giảm dư nợ trong lĩnh vực bất động sản Trung Quốc 201 tỷ NDT, tương đương 17%.

Tuy nhiên, theo ông Christopher Yip, Giám đốc cấp cao tại S&P Global Ratings, các công ty tín thác vẫn là nguồn tiền lớn nhất của China Evergrande. "Tập đoàn cũng là bên vay lớn nhất trong lĩnh vực bất động sản", ông nói thêm.

Nhà đầu tư nhỏ lẻ tuyệt vọng

Khi niềm tin sụt giảm, China Evergrande bắt đầu tìm đến những nguồn tiền khác. Tập đoàn bán các sản phẩm đầu tư lãi suất cao cho nhân viên và khách hàng.

Khi giá cổ phiếu và trái phiếu bắt đầu lao dốc trong năm nay, China Evergrande thậm chí đưa ra một yêu cầu rõ ràng cho các nhân viên. Đó là tìm người mua những công cụ đầu tư lãi suất cao của tập đoàn. Nếu không, công việc của họ có thể gặp rủi ro.

Nhiều nhân viên đã làm theo. Không chỉ mua sản phẩm đầu tư cho mình, họ còn giới thiệu bạn bè, người thân tham gia.

Tập đoàn hứa hẹn lãi suất 5-10% cho các khoản đầu tư tối thiểu là 100.000 NDT (15.500 USD). Nhưng đến tháng 9, China Evergrande không thể thanh toán cho nhà đầu tư. Nhiều nhân viên và nhà đầu tư đã tập trung ở những văn phòng của tập đoàn để biểu tình.

Anh Hu, 31 tuổi, một nhà đầu tư của China Evergrande, đã đi tàu suốt 20 giờ để tham gia biểu tình bên ngoài trụ sở của tập đoàn ở Thâm Quyến.

Đó là một trò lừa

Ông Wang, một nhà đầu tư của China Evergrande

Ban đầu, anh đầu tư 100.000 NDT sau khi nhân viên China Evergrande mời chào. Khi được trả 7%, anh Hu vay thêm tiền để tăng khoản đầu tư ban đầu lên 800.000 NDT. Giờ, anh sợ sẽ không thể nhận lại tiền.

Ông Hứa - từng là một trong những tỷ phú giàu nhất Trung Quốc - đã thành lập một đơn vị đầu tư riêng biệt, Evergrande Wealth, vào năm 2015. Ông muốn tìm nguồn vốn mới cho các lĩnh vực kinh doanh của mình, bao gồm xe điện và nước đóng chai.

Evergrande Wealth được biết đến như một công ty quản lý tài sản độc lập và ít bị kiểm soát. Ngành công nghiệp huy động vốn phi ngân hàng đã trở thành nguồn vốn chính cho các công ty Trung Quốc cần tiền mặt. Qua đó, họ có thể bán những sản phẩm đầu tư lãi suất cao cho các nhà đầu tư giàu có.

China Evergrande tận dụng các quy định lỏng lẻo, bán sản phẩm đầu tư cho khoảng 70.000 nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Trong quá khứ, các sản phẩm đầu tư lãi suất cao đã bị giới chức Bắc Kinh chú ý. Theo ông Guo Shuqing, Chủ tịch Ủy ban Điều hành Ngân hàng Trung Quốc, bất cứ sản phẩm nào hứa hẹn lãi suất trên 6% đều cần đặt ra câu hỏi. "Nếu trên 8%, nó rất nguy hiểm. Nếu trên 10%, các nhà đầu tư nên chuẩn bị tinh thần mất trắng", ông nhấn mạnh.

Ông Wang, một nhà đầu tư, đã ở Thâm Quyến hai ngày. Ông thậm chí không dám nói với bố mẹ già về những gì đã xảy ra. Giờ, ông không quan tâm đến lãi mà chỉ mong lấy lại khoản đầu tư 100.000 NDT của mình.

Khi nói đến những lựa chọn của công ty, bao gồm giảm giá tiền mua nhà hoặc tiền mặt trả dần trong vòng 30 tháng, ông Wang chỉ than thở với bạn mình: "Đó là một trò lừa".

Thảo Phương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nha-dau-tu-nho-le-tuyet-vong-vi-bom-no-cua-china-evergrande-post1266731.html