Nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam sắp ồ ạt rót vốn vào thị trường bất động sản?

Các quy định mới vừa được Quốc hội thông qua sẽ là 'đòn bẩy' hút vốn đầu tư nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư là Việt kiều tìm kiếm cơ hội tại thị trường bất động sản.

Thời gian vừa qua, việc Quốc hội thông qua ba dự án Luật quan trọng là Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi) có thể tác động tích cực tới phát triển thị trường bất động sản.

Đặc biệt, các điều khoản chặt chẽ của các bộ Luật sẽ góp phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản. Đặc biệt hơn, tạo nên sự minh bạch, công bằng và cơ hội cho nhà đầu tư thật, chủ đầu tư có đầy đủ năng lực. Đặc biệt, các quy định mới sẽ là "đòn bẩy" hút vốn đầu tư nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư là Việt kiều tìm kiếm cơ hội tại thị trường bất động sản.

Cụ thể, tại khoản 3 Điều 4 của Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam thì có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai như công dân Việt Nam ở trong nước. Quy định này đã tạo điều kiện cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam, trong đó quy định về nhận quyền sử dụng đất, tạo điều kiện cho họ trực tiếp tham gia vào giao dịch bất động sản trong nước…

Các quy định mới vừa được Quốc hội thông qua sẽ là "đòn bẩy" hút vốn đầu tư nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư là Việt kiều tìm kiếm cơ hội tại thị trường bất động sản. (Ảnh: TCH)

Quy định này cũng tránh được bất cập như trước đây khi muốn sử dụng đất trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải nhờ người thân trong nước đứng tên thực hiện giao dịch chuyển nhượng, đã không ít tranh chấp phát sinh từ việc nhờ người đứng tên nhận chuyển nhượng, quản lý quyền sử dụng đất đai này.

Đánh giá nhu cầu mua nhà ở Việt Nam của bà con Việt kiều, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc Kinh doanh CBRE Việt Nam cho biết, nhu cầu mua nhà của lượng kiều hối rất cao. Trong gần 10 năm qua, với gần 5.000 giao dịch đã được CBRE thực hiện, có tới 45% thuộc về khách hàng nước ngoài và Việt kiều.

“Thời gian qua, nguồn cung nhà ở cao cấp chiếm tỷ trọng lớn, nếu nới điều kiện cho phép người nước ngoài được sở hữu sẽ kích cầu mạnh mẽ phân khúc này. Chưa kể, đây cũng là một giải pháp thu hút lao động giỏi, thu hút nhân tài. Khi những người giỏi vào Việt Nam làm việc, gắn bó lâu dài với Việt Nam thì chắc chắn họ sẽ có nhu cầu về chỗ ăn, chỗ ở, từ đó kích thích đầu tư bất động sản”, ông Kiệt nhận định.

Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển cũng đánh giá, trước đây với những người Việt ở nước ngoài nhưng không có quốc tịch Việt Nam sẽ không được quyền như người có quốc tịch Việt Nam. Song quy định mới trong Luật Đất đai (sửa đổi) đã tạo điều kiện cho nhóm người Việt kiều đầu tư, mua nhà ở.

Theo ông Hiển, pháp luật hiện hành cho phép Việt kiều được phép mua nhà tại Việt Nam. Nhưng điều khó là các thủ tục, giấy tờ để chứng minh nguồn gốc Việt Nam phức tạp đã khiến Việt kiều nản lòng.

Bên cạnh đó, dù quy định cho phép Việt kiều mua bất động sản tại Việt Nam nhưng nhiều người phải ủy quyền cho người thân làm chủ sở hữu tài sản. Do đó, ông Hiển nhận xét việc sửa đổi của Luật Đất đai và trước đó là các Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở (sửa đổi) đã tạo sự bình đẳng giữa cá nhân trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài trong việc đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Trong khi đó, lý giải về nguyên nhân thời gian gần đây, hàng loạt nhà đầu tư bất động sản nước ngoài tới tìm kiếm cơ hội tại thị trường Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang là quốc gia có yếu tố về dư địa rất lớn, trong đó là quốc gia duy nhất lại Đông Nam Á đang thiếu nguồn cung và lực cầu nguồn cung rất lớn khiến các nhà đầu tư nước ngoài tìm đến đầu tư vào bất động sản.

Một trong những thị trường tiềm năng là khu vực Tây Nam Bộ, vì đây là khu vực có động lực tăng cường kết nối thông thương nội vùng, giữa vùng với TP.HCM, Đông Nam Bộ và cả nước. Đây là cơ hội cho vùng nâng cao chất lượng sống của người dân, vừa là cơ hội cho các chủ đầu tư về phát triển các dự án bất động Tây Nam Bộ đáp ứng nhu cầu ở cho người dân.

"Bất động sản khu vực lại đang rất thấp, hơn hết lại có nhiều “đại bàng” đang ẩn mình. Khi đầu tư công, hệ thống cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh sẽ thúc đẩy những yếu tố có sẵn của khu vực phát triển”, ông Đính nhấn mạnh.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nha-dau-tu-nuoc-ngoai-viet-nam-sap-o-at-rot-von-vao-thi-truong-bat-dong-san-post285697.html