Nhà điêu khắc Đinh Công Đạt: 'Tượng con giáp ở Hòn Dáu chỉ là cái mụn cơm trên cơ thể ốm yếu'

'Đây chỉ là một trong những vụ điển hình của muôn vàn hành vi lạm dụng nghệ sĩ để mong có được một tác phẩm tốt với giá rẻ, và tai nạn về ô nhiễm thẩm mỹ đương nhiên đã xảy ra...' – Nhà điêu khắc Đinh Công Đạt góp thêm một tiếng nói xung quanh câu chuyện 'Tượng mặc quần' gây ồn ào vừa qua tại khu du lịch Hòn Dáu (Hải Phòng).

“Hỏi một công nhân vệ sinh môi trường là được rồi, cần gì hỏi nhà điêu khắc!”

Ở góc độ một khán giả, cảm giác của anh khi xem “vở hài kịch” “Tượng mặc quần” ở Hòn Dáu vừa qua?

- Theo như tôi được biết thì ở khu du lịch đó, trước đây cũng đã từng trưng bày các tác phẩm của bạn tôi, hai nhà điêu khắc rất tử tế là Đào Châu Hải và Phan Phương Đông. Non 10 năm trước hình như có một trại sáng tác điêu khắc được tổ chức ở đấy. Tôi không rõ là bộ tượng 12 con giáp có cùng thời điểm đó hay sau này nhưng kể cũng buồn cười là phải đến khi hình ảnh của nó được tung lên mạng xã hội thì người ta mới bàn tán xôn xao về nó như là một tin sốt dẻo vậy! Mạng xã hội quả thật đã làm thật tốt chức năng hâm nóng một thứ nguội ngắt, một thứ “chuyện thường ở huyện” thành một chuyện lạ!

Những ai trước đây chưa từng biết trên đời này có một khu du lịch có tên là Hòn Dáu thì giờ đây đều đã được biết nó nằm ở Hải Phòng và nó có một “món đặc sản” như vậy. Hiệu ứng truyền thông này có khi nằm mơ cũng chả có được, hay thậm chí bỏ cả núi tiền ra quảng bá cũng chưa chắc đã thu hút được sự chú ý lớn đến vậy. Tai nạn thôi, nhưng cũng vẫn là lợi đơn lợi kép đấy chứ, cho ông chủ của Hòn Dáu! (cười)

Tới giờ này, những lời chê cười hẳn đã giúp chủ sở hữu bộ tượng có đủ “gạch đá” để làm thêm vài chục bộ tượng như thế! Nhà điêu khắc, anh có muốn góp thêm ít “đá” nữa không?

- Kiểu tượng con giáp, đầu thú mình người, hoặc đầu người mình thú, thì ở các nước láng giềng quanh ta và kể cả ở Tây, họ cũng đã làm mãi rồi, các cụ nhà ta xưa kia cũng làm mãi rồi, có gì là lạ! Đành rằng, sáng tạo thì luôn có tính kế thừa học hỏi và nghệ sĩ luôn cần được tôn trọng quyền tự do sáng tác... nhưng khổ nỗi đây có phải là sáng tạo đâu, có phải là ngôn ngữ của điêu khắc đâu mà cần phải tham vấn ý kiến của một nhà điêu khắc. Cái này theo tôi có thể hỏi ý kiến của một... công nhân vệ sinh môi trường thì đúng hơn, vì xét về độ xấu xí phản cảm thì nó đúng là một thứ rác môi trường đấy! Tôi không biết tác giả bộ tượng này là ai nhưng có thể biết chắc đây là sản phẩm (tôi không dùng từ tác phẩm) của một anh học trò lười (nếu không muốn nói là kém), không chịu học nghề cho đến đầu đến đũa để đạt đến những quy chuẩn tối thiểu... Ranh giới ở đây vừa rất mong manh vừa rất rõ ràng: Đẹp, thì nó là nude nghệ thuật; nhưng xấu thì nó chỉ đơn thuần là “tượng cởi truồng”, là khiêu dâm, phản cảm... Bảo sao tượng David được chiêm ngưỡng, mà tượng con giáp bị chê cười, là vậy!

“Phải như chúng ta điềm tĩnh và khoan thai hơn!”

Có ý kiến, Hòn Dáu là khu du lịch thuộc sở hữu tư nhân nên việc họ thích trưng bày gì trong khuôn viên riêng là quyền của họ, miễn không ảnh hưởng gì đến “hòa bình thế giới”, và đẹp hay xấu cũng còn tùy mắt người nhìn. Anh nghĩ sao?

- Nghệ thuật từ chung đến riêng, từ cho mình đến cho cộng đồng..., nó là cả một câu chuyện cần tới văn hóa ứng xử, chứ không chỉ là chuyên môn thuần túy. Trong muôn vàn hành vi lao động thì sáng tạo nghệ thuật nói chung và điêu khắc nói riêng mang tính cá nhân đậm đặc nhất. Chính vì thế nên việc thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ cá nhân luôn được đặt lên trên, nó là tối thượng và không thỏa hiệp. Tuy nhiên, đấy là hình thức sáng tạo mang tính cá nhân, cho chính tác giả và chỉ phục vụ cho tác giả cũng như cộng đồng hẹp những người đồng cảm với tác giả mà thôi. Khi một tác giả đã sáng tạo một tác phẩm nhằm thỏa mãn cộng đồng rộng hơn thì một tác giả được gọi là tử tế và có nghề; hoặc được đào tạo, dạy dỗ cẩn thận sẽ luôn ý thức được sự ảnh hưởng của hành vi sáng tạo đó lên công chúng và cộng đồng ra sao. Việc một nhà điêu khắc kém cỏi thỏa mãn thẩm mỹ của một chủ đầu tư có nhận thức và khả năng cảm thụ nghệ thuật ở mức thấp để có bộ 12 con giáp gây ồn ào như vừa qua thêm lần nữa chứng tỏ rằng môi trường sống của chúng ta quả thật đang bị ô nhiễm bởi quá nhiều thứ. Ô nhiễm bụi, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm tiếng ồn... và giờ là ô nhiễm cả thẩm mỹ.

Trong khoảng 10 năm qua, việc một địa phương, một khu kinh tế tận dụng sự nhàn rỗi của nghệ sỹ điêu khắc mà mời họ đến nhằm tô điểm cho công trình của địa phương hoặc một khu kinh tế đã và đang là trào lưu. Nghệ sĩ thì được thỏa mãn nhu cầu sáng tạo cũng như vinh danh, mưu sinh...; địa phương và khu kinh tế (bao gồm cả các resort) đã tận dụng điều này một cách bài bản với kinh phí thấp. Việc đó nên làm, nên phát huy. Tuy nhiên, không phải địa phương nào, khu kinh tế nào cũng nhận được kết quả thẩm mỹ tương xứng với kỳ vọng và với tầm vóc. Đây chỉ là một trong những vụ điển hình của muôn vàn hành vi lạm dụng nghệ sĩ để mong có một tác phẩm tốt với giá rẻ và tai nạn về ô nhiễm thẩm mỹ đương nhiên đã xảy ra.

Hải Phòng hồi giờ vui nhỉ, hết “rồng Pikachu” đến “tượng thoát y” và vui nhất là câu chuyện “đẽo cày giữa đường”! Nghệ thuật có khi đáng yêu ở sự hồn nhiên chứ nhỉ?

- Vâng, có điều hồn nhiên cũng ba bảy hồn nhiên! Chả cứ Hải Phòng đâu, vụ tượng con giáp ở Hòn Dáu bất quá cũng chỉ là một cái mụn cơm rỉ nước trên một cơ thể ốm yếu mà thôi. Vì có rất nhiều tỉnh thành khác cũng đang trong cơn say trưng trổ, “thừa giấy vẽ voi”, “lấy thịt đè người” này. Hết “sáng kiến” làm bánh chưng bánh dày nặng hàng tấn đến cốc cà phê có thể tích hàng chục lít... Cái gì cũng thích thật to, thật nặng, thật bắt mắt. Có cảm giác lúc này chúng ta đang làm văn hóa một cách lấy được, cuống quýt, hấp tấp, chỉ cốt nhanh, cốt rẻ, cốt được chú ý... Hẳn cũng vì thế mà chúng ta đã kịp phá và đang dần hủy hoại những báu vật trên bản đồ du lịch của nước ta. Đó thực sự là những “án văn hóa”. Có một câu nói của nhà văn Nguyễn Việt Hà mà tôi rất tâm đắc: “Hà Nội giờ cũ nhưng không còn kỹ nữa”, và câu đó chắc không chỉ đúng với riêng Hà Nội. Phải như chúng ta biết làm văn hóa một cách điềm tĩnh hơn, khoan thai hơn, tinh tế hơn thì hẳn là một “sinh vật” vốn mong manh và dễ tổn thương như văn hóa mới có thể yên tâm ở lại với chúng ta, hay ít ra là rón rén quay về lại...

Xin cảm ơn anh!

thủy nguyên

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/nha-dieu-khac-dinh-cong-dat-tuong-con-giap-o-hon-dau-chi-la-cai-mun-com-tren-co-the-om-yeu-598466.ldo