Nhà ga C9 hồ Hoàn Kiếm: Hà Nội đừng nên cố!

Bộ đã thể hiện rất rõ quan điểm và đã có những cảnh báo, nếu quyết làm ga C9 tại vị trí cũ Hà Nội phải giải trình trước Thủ tướng.

Hà Nội cố, Bộ đề nghị giải trình

Việc UBND TP. Hà Nội một lần nữa kiên quyết bảo lưu quan điểm về vị trí đã được quy hoạch để xây dựng ga ngầm C9 (ga hồ Hoàn Kiếm), đồng thời khẳng định, vị trí ga ngầm này là tối ưu nhất, không phải là phá hỏng cảnh quan môi trường khu di tích, không phải là đánh đổi Hồ Gươm lấy phát triển hệ thống giao thông công cộng vẫn khiến Bộ VH-TT-DL cũng như Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội có nhiều lo ngại.

Vị trí đặt ga C9 Hồ Gươm. Ảnh: Anninhthudo

Chiều 29/10, trao đổi với Đất Việt, ông Trần Đình Thành, Cục phó Cục Di sản văn hóa Bộ VH-TT-DL cho biết, Bộ đã có báo cáo phân tích rất rõ nhiều nguy cơ liên quan tới vị trí đặt ga C9 cạnh hồ Gươm thuộc Dự án đường sắt đô thị số 2 gửi tới Hà Nội và Chính phủ.

Trong đó, Bộ nói rõ, nơi dự kiến đặt nhà ga là khu vực trọng yếu, gắn với truyền thuyết, lịch sử và văn hiến của Thủ đô Hà Nội, đồng thời là không gian có giá trị thẩm mỹ và cảnh quan cần được bảo tồn.

Bộ đã yêu cầu TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu thêm các phương án bố trí nhà ga, tịnh tiến thân ga về phía đông đường Đinh Tiên Hoàng.

Việc di chuyển ga C9 nhằm để đảm bảo nhà ga này cách xa bờ phía Đông của hồ Hoàn Kiếm và nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ II của Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng tại Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 9/12/2013.

"Quan điểm của Bộ là phải di dời thân ga làm sao càng cách xa chân Tháp Bút càng tốt.

Đó là lo ngại của phía Bộ. Tuy nhiên, dự án này không nhằm mục đích bảo tồn và phát huy do đó, thẩm quyền quyết định không thuộc về Bộ VH-TT-DL.

Quan điểm của Bộ là rất rõ ràng. Bộ cũng đã phân tích và chỉ rõ từng điểm lo ngại rồi, nếu Hà Nội quyết bảo lưu quan điểm, khẳng định không phạm Luật Di sản thì Hà Nội phải chứng minh, giải trình trước Thủ tướng", ông Thành nhấn mạnh.

Phải bảo vệ tuyệt đối

Trao đổi thêm với Đất Việt, ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cho biết, tất cả phân tích, quan điểm của ủy ban cũng như cá nhân ông về dự án này đã được thể hiện trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng.

Theo đó, quan điểm của Ủy ban cũng như cá nhân ông khẳng định: "Hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn và đền Bà Kiệu là di sản văn hóa đặc biệt và đặc sắc, nằm trong khu vực trọng yếu, gắn với truyền thuyết, lịch sử và văn hiến nghìn năm của thủ đô, không chỉ là di sản của Hà Nội mà là của quốc gia, là không gian văn hóa có một không hai của Việt Nam, cần được bảo vệ tuyệt đối theo luật Di sản Văn hóa".

Ông cho biết, Ủy ban thống nhất việc xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội là cần thiết, song quyết định lựa chọn phương án 1 của Hà Nội, trong đó có thiết kế các tuyến đi ngầm qua khu vực phố cổ, đi thẳng vào khu vực trung tâm thành phố, có 1 phần thân ga và toàn bộ cửa lên xuống số 3 nằm trong khu vực bảo vệ 2 của di tích hồ Hoàn Kiếm là vi phạm luật Di sản Văn hóa.

Việc quy hoạch tuyến đường ngầm xuyên qua lòng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đền Bà Kiệu xâm phạm khu vực bảo vệ 1 của di tích.

Thêm vào đó, đường ngầm đi gần tứ trụ di tích đền Ngọc Sơn, cách chân Tháp Bút chỉ có 1m, quá trình thi công và vận hành hàng ngày sẽ tạo độ rung, gây nguy cơ hủy hoại các di tích, vi phạm điều cấm của luật Di sản Văn hóa, do đây là những di tích được xây dựng từ hàng trăm năm trước, kết cấu trụ móng không vững chắc (Tháp Bút hiện đang bị nghiêng 3 độ), trong khi các phương án giảm thiểu tác động do nhà tư vấn đưa ra chỉ mang tính lý thuyết.

Xây ga C9 cạnh Hồ Gươm: Nguy cơ khó lường

Trong quá trình xây dưng dự án, Hà Nội đã có tính đến các yếu tố bảo tồn di sản nhưng chưa có báo cáo đánh giá tác động của dự án đối với di sản văn hóa, cảnh quan di tích tại khu vực hồ Hoàn Kiếm cũng như toàn tuyến số 2.

Ngoài ra, Ủy ban cũng cảnh báo những nguy cơ gây lên sự cố sụt lún, thay đổi cấu trúc địa chất, thủy hệ... Việc này chưa được tham vấn cơ quan chuyên ngành trong khi Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm và chuyên gia.

Từ những nhận định trên, Ủy ban giữ nguyên quan điểm và đề nghị Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, thuyết minh kỹ hơn tác động của dự án đối với di sản, cảnh quan, môi trường, xã hội và các phương án thi công, phòng ngừa sụt lún, thay đổi cấu trúc địa lý, thủy hệ; đồng thời tiếp thu đầy đủ ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan hữu quan, chỉnh lý hoàn thiện dự án, báo cáo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng cho ý kiến trước khi triển khai thực hiện.

Nguyễn Lam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/nha-ga-c9-ho-hoan-kiem-ha-noi-dung-nen-co-3368196/