Nhà giáo của những sáng kiến

Dáng người nhỏ nhắn, nhưng luôn đam mê, nhiệt huyết với công việc. Đó là những lời mô tả ngắn gọn của đồng nghiệp, HS khi nhắc đến cô Nguyễn Thị Thúy, SN 1967, GV môn Công nghệ Trường THPT Nguyễn Du (huyện Châu Đức). Trong 28 năm đứng lớp, cô Thúy đã có nhiều sáng kiến, thể hiện tài năng sư phạm xuất sắc và đóng góp lớn cho sự nghiệp giáo dục.

Trong lúc HS đang nghỉ học do dịch bệnh COVID-19 nhưng cô Nguyễn Thị Thúy vẫn hàng ngày lên kế hoạch, xây dựng ý tưởng cho những dự án khoa học sắp tới.

KHÔNG NGỪNG TỰ HỌC

Những ngày này, HS đang nghỉ học do dịch bệnh COVID-19 nhưng cô Nguyễn Thị Thúy vẫn không nghỉ ngơi. Hàng ngày, cô lên kế hoạch, xây dựng ý tưởng, lựa chọn HS tham gia nghiên cứu dự án khoa học sắp tới. Cô Thúy tâm sự, năm 1984 cô theo gia đình từ Thái Nguyên vào Châu Đức lập nghiệp. Những năm đầu ở vùng đất mới, cô xin làm công nhân tại Nông trường cao su Xà Bang. Trong những ngày làm công nhân, cô vẫn nung nấu ý chí thi vào ĐH, với mong muốn thay đổi nghề nghiệp và cuộc sống. Ở Thái Nguyên, cô Thúy học phổ thông hệ 10 năm, trong khi ở miền Nam học hệ 12 năm. Do vậy, để nắm bắt nội dung, chương trình thi ĐH ở miền Nam, ngoài giờ đi làm, cô phải tranh thủ tự học và bổ sung kiến thức ở nhà. Nhờ chăm chỉ, chịu khó, năm 1988, cô thi đậu ngành Kỹ thuật nữ công, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Sau khi ra trường, cô xin về công tác tại Trường THPT Nguyễn Du đến nay. Khi về trường, cô được phân công giảng dạy môn Công nghệ, khác với chuyên ngành được học. Vì vậy, cô lại phải tự học để chuyển đổi chuyên môn cho phù hợp với vị trí công tác.

Theo cô Thúy, nhiều người nghĩ môn Công nghệ dạy và học đơn giản nhưng không phải vậy, bởi đây là bộ môn có liên quan đến kiến thức của các môn như Toán, Vật lý, Sinh học, Tin học và có tính thực tiễn cao… Do điều kiện không cho phép, nên ngoài thời gian giảng dạy, cô lại tranh thủ những tiết trống để ngồi học với học trò nhằm tiếp thu kiến thức của các bộ môn khác. Với tinh thần chịu khó, ham học, cô đã có được tấm bằng thạc sĩ chuyên ngành Giáo dục học vào năm 2008. Từ chương trình học này, cô đã thay đổi và sử dụng nhiều phương pháp, phương tiện dạy học mới. Nhiều năm liền, cô là người tiên phong tổ chức các hội thảo, chủ đề cho Trường THPT Nguyễn Du và cụm các trường THPT ở huyện Châu Đức về dạy học tích hợp liên môn, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng GV hướng dẫn HS tự học. Trong quá trình giảng dạy, cô thường xuyên thay đổi hình thức lớp học, phương pháp dạy như: Tổ chức thảo luận nhóm, giao nhiệm vụ học tập cho HS, kết hợp học trên lớp và thực tế. Nhờ vậy, giờ học môn Công nghệ của cô luôn sinh động, cuốn hút.

“CÂY” SÁNG KIẾN

Bên cạnh làm tốt công tác chuyên môn, cô Nguyễn Thị Thúy còn được biết đến là người đam mê, đi đầu trong phong trào nghiên cứu khoa học của Trường THPT Nguyễn Du. Từ năm 2014 đến 2019, cô đã dìu dắt, hướng dẫn cho HS thực hiện 7 dự án khoa học để tham gia các cuộc thi KHKT dành cho HS trung học cấp tỉnh và quốc gia và cả 7 dự án đều đạt giải cấp tỉnh; 5 dự án đạt giải quốc gia, trong đó có 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba và 2 giải Tư. Đặc biệt, dự án “Sử dụng tiết kiệm nguồn nhiên liệu xanh cho máy sấy nông sản” đạt giải Nhất cuộc thi KHKT cấp quốc gia năm học 2014-2015 đã để lại nhiều ấn tượng và thuyết phục được Ban tổ chức, bởi có nhiều điểm mới và sáng tạo. Theo đó, cô Thúy đã hướng dẫn HS sử dụng những phụ phẩm phế thải như rơm rạ, cùi bắp, bã cà phê làm nhiên liệu cung cấp cho buồng sấy nông sản. Dự án này của cô Thúy và học trò đã góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch, đồng thời tiết kiệm nhiên liệu trong bảo quản nông sản.

Ngoài hướng dẫn HS nghiên cứu khoa học, cô Nguyễn Thị Thúy còn viết sáng kiến, cải tiến ứng dụng vào dạy học. Chỉ tính riêng từ năm 2014 đến 2019, cô có 5 sáng kiến được Hội đồng sáng kiến cấp tỉnh nghiệm thu và 1 sáng kiến có phạm vi ảnh hưởng toàn quốc. Đơn cử như sáng kiến ứng dụng Visual Basic trên nền PowerPoint để thiết kế bài giảng về động cơ đốt trong môn Công nghệ lớp 11 đã được áp dụng tại Trường THPT Nguyễn Du từ năm 2011. Hay như sáng kiến sử dụng kỹ thuật Brainstorming kết hợp Kipling để phát triển ý tưởng sáng tạo và định hướng dự án nghiên cứu khoa học trong dạy và học Công nghệ được ứng dựng từ năm 2013 đến nay tại trường…

Với những đóng góp của mình, cô Nguyễn Thị Thúy đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2014; Bộ GD-ĐT tặng Bằng khen vì thành tích tiêu biểu xuất sắc từ năm học 2014-2015 đến năm học 2015-2016; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2015; Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba vì có thành tích xuất sắc trong công tác GD-ĐT từ năm học 2014-2015 đến năm học 2018-2019. Cô có 8 lần được UBND tỉnh tặng Bằng khen và 2 lần được công nhận Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.

Nói về thành công của các dự án nghiên cứu khoa học và sáng kiến dạy học, cô Thúy chia sẻ: “Tôi may mắn nhận được sự hỗ trợ của các giảng viên tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh; sự đồng hành, hỗ trợ của Ban Giám hiệu nhà trường, đồng nghiệp cùng phụ huynh, HS trong trường. Nhờ vậy, các đề tài của tôi và học trò mới đạt kết quả cao”.

Thầy Nguyễn Văn Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du nhận xét, cô Nguyễn Thị Thúy là nhà giáo nhiệt huyết với sự nghiệp giáo dục. “Cô Thúy có tinh thần làm việc nghiêm túc, tận tụy, luôn đi đầu trong hoạt động dạy học và các phong trào của nhà trường. Cô không ngại khó, chủ động học tập và sáng tạo các phương pháp dạy học mới, giúp HS tích cực, hứng thú học bài. Cô là tấm gương sáng cho các đồng nghiệp, HS noi theo”, thầy Nguyễn Văn Tâm nói.

Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/202003/nha-giao-cua-nhung-sang-kien-894943/