Nhà giáo phải có chứng chỉ hành nghề là đề xuất ảo tưởng về bằng cấp

Việc xuất hiện thêm chứng chỉ hành nghề là một đề xuất cảm tính, không hợp thời và có vẻ ảo tưởng về hiệu quả của các bằng cấp, chứng chỉ mang lại cho giáo dục

LTS: Trước đề xuất nhà giáo phải có chứng chỉ hành nghề, tác giả Nhật Khoa đã thẳng thắn cho rằng, không thể yêu cầu giáo viên đang giảng dạy phải có, nó phát sinh nhiều hệ lụy, tiêu cực và không làm cho giáo viên dạy tốt hơn.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Tại hội thảo góp ý các nội dung về chính sách nhà giáo trong dự thảo luật Giáo dục sửa đổi sáng ngày 10/1, một số ý kiến góp ý cho rằng cần có quy định về cấp chứng chỉ hành nghề cho người làm công tác giảng dạy nói chung để quản lý nghề nghiệp rất đặc thù này.

Hội thảo tập trung bàn về các vấn đề như vị trí, vai trò, tiêu chuẩn nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và các chính sách đối với nhà giáo.

Sau liên tiếp các vụ việc tiêu cực diễn ra, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến chủ đề đạo đức nhà giáo và bồi dưỡng giáo viên.

Giáo viên có cần phải có chứng chỉ hành nghề? (Ảnh minh họa: vtv.vn).

Giáo viên có cần phải có chứng chỉ hành nghề? (Ảnh minh họa: vtv.vn).

Tại sao có đề xuất giáo viên phải có chứng chỉ hành nghề

Ông Lê Quán Tần, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng việc đào tạo giáo viên hiện nay đang có phần “thả nổi”.

Điều này dẫn đến một điều đau khổ là người học giỏi chưa chắc đã có việc làm, người kém thì vì một lý do nào đó vào ngồi chỗ đó. Dẫn đến ngành giáo dục, thầy không giỏi và trò thế nào thì chúng ta biết rồi.

Ông Tần kiến nghị, trong Luật Giáo dục cũng cần có những điều kiện hành nghề nhà giáo, trong đó có điều kiện về đạo đức nghề nghiệp.

“Có một điều mà hiện Luật giáo dục cũng chưa đề cập là có hay không có chứng chỉ hành nghề dạy học.

Ở Nhật Bản những người được đào tạo sư phạm để trở thành giáo viên tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi, nhưng muốn đi dạy phải có chứng chỉ hành nghề sư phạm. Chứng chỉ này sẽ có hiệu lực trong vòng 10 năm”.

Ông Tần cho rằng quyền năng của cơ quan quản lý giáo dục sẽ được thực hiện trong tất cả các cơ sở giáo dục nếu như có quy định về chứng chỉ hành nghề.

“Giờ có những giáo viên tát học sinh đến nỗi phải vào bệnh viện. Khi có chứng chỉ hành nghề thì chỉ cần rút chứng chỉ vì vi phạm tiêu chuẩn đạo đức nhà giáo, chứ không phải cứ thực hiện hành vi xong rồi nói xin lỗi do nóng nảy hay còn thiếu kinh nghiệm.

Cái này như là một luật vô hình, phi văn bản về những tiêu chuẩn về đạo đức nhà giáo. Có như vậy thì mới chọn ra được những người có trách nhiệm với xã hội, không làm ẩu, làm theo ý mình mà bỏ qua nghề nghiệp”.

Lo phát sinh tiêu cực “mua” chứng chỉ

Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra thông tư 20-23/2015/TTLT BNV – BGDĐT ban hành chức danh nghề nghiệp giáo viên thì giáo viên đang giảng dạy phải rất khổ sở, tốn kém nhiều thời gian, chi phí, sức khỏe để “chạy” những chứng chỉ như Ngoại ngữ theo chuẩn Châu Âu, Tin học, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp…

Nó là những “giấy phép con” đã hành giáo viên, làm xuất hiện nhiều tiêu cực trong việc trong việc thi, cấp chứng chỉ…nhưng không mang lại bất kỳ lợi ích gì cho việc giảng dạy.

Thật sự khi giáo viên đã “chạy” các chứng chỉ trên thì giáo viên không hề dạy tốt hơn, thậm chí còn chán nản nhiều hơn.

Ngay thời điểm này, nhiều đề xuất về thu nhập, chế độ giáo viên chưa có dấu hiệu khởi sắc vì nguồn ngân sách để chi lương còn khó khăn, thì nay đề xuất chứng chỉ hành nghề giáo viên tiếp tục gây khó cho giáo viên.

Cơ quan nào cấp chứng chỉ hành nghề giáo viên? Có tiêu cực trong cấp chứng chỉ hành nghề hay không? Có tiêu cực “mua” chứng chỉ trên hay không?

Đây cũng là lo lắng chung của nhiều giáo viên về việc tiếp tục phát sinh tiêu cực trong việc học, cấp chứng chỉ hành nghề giáo viên và hiệu quả của nó mang lại.

Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên bằng cách nào?

Trước hết theo quan điểm của cá nhân tôi, việc xuất hiện thêm chứng chỉ hành nghề là một đề xuất cảm tính, không hợp thời và có vẻ ảo tưởng về hiệu quả của các bằng cấp, chứng chỉ mang lại cho giáo viên.

Muốn nâng cao chất lượng đội ngũ, hạn chế bạo lực…thì cần những giải pháp khác chứ không phải ở chứng chỉ hành nghề giáo viên.

Giáo viên đã học tại trường sư phạm được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định và cấp phép theo Luật Giáo dục, giáo viên đã được đào tạo bài bản, khoa học về kiến thức, năng lực, phẩm chất, tâm lý học sinh, ứng xử, thực tập…theo quy trình chặt chẽ.

Nếu sinh viên sư phạm ra trường mà không đáp ứng được yêu cầu của nhà giáo thì cũng có phần nguyên nhân do các trường đào tạo sư phạm đào tạo không có chất lượng.

Phải rà soát đầu ra sinh viên sư phạm một cách thật cẩn thận hay do các cơ sở giáo dục mỗi năm đánh giá viên chức hời hợt, qua loa, cũng có thể do nhà giáo thiếu tu dưỡng, rèn luyện…

Qua quá trình công tác, sàng lọc nếu làm một cách bài bản, công tâm có thể loại những giáo viên không theo đủ kiến thức, phẩm chất chứ chứng chỉ hành nghề không làm giáo viên tốt hơn.

Bên cạnh đó, có những chính sách về lương, chế độ cho nhà giáo đầy đủ và kịp thời.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng vừa mới nêu quan điểm, học sinh đi học phải hạnh phúc.

Mức độ hạnh phúc có thể đo lường bằng mức độ hài lòng của học sinh đối với giáo viên, việc học sinh có yêu thích môn học, yêu thích giáo viên, hạnh phúc hay không phải hỏi chính các em học sinh.

Trong mỗi năm học chúng ta có thể đo mức độ hài lòng của học sinh đối với giáo viên bằng các bài khảo sát cụ thể, qua đó làm cơ sở hay làm tham khảo để đánh giá giáo viên hàng năm.

Tôi xin nêu lại quan điểm, muốn biết học sinh hài lòng hay không, hạnh phúc hay không phải hỏi chính học sinh chứ không phải hỏi hiệu trưởng hay hỏi giáo viên.

Khi thực hiện được việc trên, tôi tin giáo viên sẽ rất cố gắng trong việc học tập nâng cao kiến thức, phẩm chất, ứng xử, yêu thương học sinh…tránh tình trạng tiêu cực, bạo lực học đường như trong thời gian vừa qua.

Theo tôi được biết, ở một số nước trên thế giới, kiến thức giáo viên rất cao vì muốn trở thành giáo viên họ đào tạo tại những trường đại học khoa học danh tiếng, sau đó phải tập huấn thêm 6 – 12 tháng học về sư phạm để trở thành giáo viên.

Do đó, họ có đủ kiến thức về khoa học, sư phạm để giảng dạy mà không phải học bổ sung bằng cấp chứng chỉ như ở ta hiện nay.

Việc học như trên tại các trường đại học cũng mở ra nhiều hướng đi cho sinh viên khi tốt nghiệp ra trường, khi không thể trở thành giáo viên họ có thể đi làm các ngành nghề khác.

Còn ở ta hiện nay, giáo viên thất nghiệp thì đa số giấu bằng cấp đi làm công nhân, bán hàng online, lễ tân, chạy xe Grab…

Rất mong trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu việc đào tạo sư phạm từng bước theo phương án trên.

Việc có bằng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên, chứng chỉ hành nghề…chỉ có thể dành cho sinh viên không tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc sinh viên mới ra trường chứ không thể yêu cầu giáo viên đang giảng dạy phải có, nó phát sinh nhiều hệ lụy, tiêu cực và không làm cho giáo viên dạy tốt hơn.

Qua bài viết, rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu kỹ lưỡng về tính khả thi, hiệu quả của đề xuất giáo viên phải có thêm chứng chỉ hành nghề, hãy để thời gian cho giáo viên tập trung vào giảng dạy, học tập nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp…mà không phải “chạy” các “giấy phép con” trên.

NHẬT KHOA

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nha-giao-phai-co-chung-chi-hanh-nghe-la-de-xuat-ao-tuong-ve-bang-cap-post194728.gd