Nhà giáo và những sáng tạo hướng tới học sinh

Hà Nội là địa phương có tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn cao nhất cả nước. Những năm gần đây, thực hiện phương châm 'Kỷ cương nghiêm - Chất lượng thực - Hiệu quả cao', nhiều biện pháp quản lý được áp dụng, tạo sự chuyển biến rõ nét trong các nhà trường. Việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy đã được đẩy mạnh ở tất cả các cấp, ngành học, tạo nên những chuyển biến tích cực trong ngành giáo dục.

Sáng tạo từ những điều bình dị

Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” hiện đang ghi nhận rất nhiều sáng kiến, thiết kế bài giảng được các thầy cô giáo tâm huyết, xây dựng từ những điều rất bình dị trong cuộc sống. Cô Trần Thị Thanh Tú, Phó Hiệu trưởng trường mầm non Cát Linh đã gây ấn tượng mạnh nhờ sáng kiến “lớp học trứng” dành cho khối mầm non.

Từ nguyên liệu đơn giản, gần gũi hàng ngày, cô Tú cùng đồng nghiệp đã mạnh dạn tổ chức “ngày hội trứng” thu hút sự tham gia của gần 500 học sinh và phụ huynh trường mầm non Cát Linh.

Trong ngày hội này, các bé từ 24 tháng – 5 tuổi được trải nghiệm các công việc với quả trứng theo một quy trình liên hoàn. Các bé 24-36 tháng tuổi sẽ tham gia hoạt động bóc trứng. Trứng sau khi được bóc sẽ được các bé tự vận chuyển lên khối lớp 3-5 tuổi. Các bé khối lớp 3-5 tuổi sẽ thực hiện làm món ăn và trang trí món ăn từ trứng; hoạt động thí nghiệm (trứng hoa văn, trứng cao su…) và hoạt động tạo hình với trứng (trứng lăn nhũ, vẽ lên vỏ trứng, khảm trứng…). Tất cả các hoạt động này sẽ giúp trẻ có thêm nhiều kỹ năng thực hành trong cuộc sống, tham gia hoạt động tập thể một cách có trách nhiệm và gắn kết giữa các thành viên.

Đánh giá cao sáng kiến này của cô Trần Thị Thanh Tú, TS. Nguyễn Tùng Lâm Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, thành viên Hội đồng chuyên môn cho rằng: “Đối với trẻ mầm non, việc học chủ yếu qua chơi, qua trải nghiệm rất hiệu quả, phù hợp với khoa học giáo dục hiện đại. Từ quả trứng, học sinh được trải nghiệm, sáng tạo ra nhiều thứ, trải nghiệm nhiều công đoạn phù hợp với từng lứa tuổi như: bóc trứng, làm và trang trí món ăn từ trứng, làm thí nghiệm với trứng, trình diễn thời trang, tạo hình…”.

Các bé khối lớp 12-36 tháng hào hứng tham gia hoạt động “Ngày hội trứng”- sáng kiến của cô Trần Thị Thanh Tú, Phó Hiệu trưởng trường mầm non Cát Linh. (Ảnh P.T)

Đồ dùng dạy học tự chế, không bao giờ lỗi thời

Đổi mới giáo dục, đổi mới chương trình, sắp tới là đổi mới sách, không có nghĩa là các đồ dùng tự chế không còn ý nghĩa. Ngược lại, sáng kiến từ các thầy cô trong thiết kế đồ dùng dạy học tự chế rất hữu ích, thiết thực và có hiệu quả cao trong dạy và học. Cô Nguyễn Thị Mai, trường THCS Cầu Giấy và thầy Đàm Bạch Long, THCS Thụy Phương là các thầy cô được đánh giá cao bởi những đồ dùng tự chế dành cho học sinh.

Với mong muốn học sinh sẽ có những trải nghiệm thú vị đối với môn Vật lý, cô giáo Nguyễn Thị Mai đã bỏ công sức nghiên cứu và thiết kế ra hệ thống phối hợp các máy cơ đơn giản, bộ thí nghiệm nghiên cứu lực điện từ, bộ thí nghiệm chưng cất nước… để phục vụ cho các bài học cụ thể. Điều đặc biệt, nguyên liệu của những sản phẩm này đều được tận dụng từ những đồ dùng cũ, đồ phế liệu và đồ có sẵn trong gia đình.

Bên cạnh đó, thông qua các phương pháp dạy học mới, cô cũng tạo cơ hội cho học sinh tự chế tạo ra các sản phẩm để khơi dậy tiềm năng sáng tạo của các em. Một loạt các sản phẩm như: kính tiềm vọng, ròng rọc vận chuyển nước từ tầng 2 lên tầng 3 của trường; nhạc cụ cùng các buổi biểu diễn âm nhạc; các sản phẩm trong dự án tác dụng của dòng điện... của học sinh đã cho thấy sự thành công của cô trong hành trình truyền lửa đam mê cho các em.

Còn thầy Đàm Bạch Long lại gây bất ngờ khi giới thiệu: Sản phẩm “Máy chiếu vật thể đa năng”. Sau nhiều năm trăn trở nghiên cứu, gia công và cải tiến, chiếc máy này đã được dùng trong tất cả các trường tiểu học và THCS quận Bắc Từ Liêm và nhiều trường trong và ngoài TP. Đồ dùng này cũng đã mang lại cho thầy Long giải Nhì trong cuộc thi làm đồ dùng dạy học sáng tạo của ngành giáo dục Hà Nội.

Các thầy cô chính là những người đã mạnh dạn, nhiệt huyết để hiện thực hóa những ý tưởng sáng tạo, thổi sức sống vào những ý tưởng sáng tạo để chúng không chỉ còn là những ý tưởng trên giấy. Ông Chử Xuân Dũng, GĐ Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, qua mỗi đợt bình xét giải thưởng, Ban tổ chức mong muốn sẽ tạo ra sự lan tỏa, thúc đẩy sự sáng tạo, đam mê, trách nhiệm của các nhà giáo; từ đó góp phần vào thành công chung của ngành giáo dục Thủ đô.

“Năm nay, cơ cấu giải thưởng cũng tăng hơn so với năm đầu tổ chức. Chúng tôi hi vọng sẽ góp thêm động lực để các nhà giáo cố gắng, nỗ lực hơn nữa cho sự nghiệp trồng người. Dự kiến, năm nay sẽ có 40 giải giành được 10 triệu cùng cúp và giấy chứng nhận; 40 giải giành được 5 triệu, cúp và giấy chứng nhận và 47 giải cùng cúp và giấy chứng nhận” – ông Dũng cho biết thêm.

Hà Nội hiện là địa phương có tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn cao nhất cả nước. Tính đến hết năm 2016 (sau 5 năm thực hiện KH 111/KH-UB của UBND TP Hà Nội về việc Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục Thủ đô giai đoạn 2011-2016), tỷ lệ cán bộ quản lý và giáo viên đứng lớp ở các bậc học, cấp học đạt chuẩn là 100%, trong đó tỷ lệ trên chuẩn bậc mầm non: cán bộ quản lý là 98,2%, giáo viên là 63,5%; tiểu học: cán bộ quản lý là 99,5%, giáo viên là 90,3%; THCS: CBQL là 98,5%, giáo viên là 79,4%; THPT: CBQL là 65,8%, giáo viên là 28,6%.

127 nhà giáo Thủ đô đã hoàn thành phần báo cáo trước Hội đồng chuyên môn của Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” năm học 2017 – 2018 và dịp 20-11 này sẽ công bố chính thức những chân dung sáng tạo của ngành giáo dục Thủ đô. Mỗi nhà giáo Thủ đô đã tạo nên bức tranh nhiều màu sắc. Trong đó, có những nhà giáo đã để lại ấn tượng thực sự mạnh mẽ đối với Hội đồng chuyên môn cũng như các nhà giáo cùng tham gia Giải thưởng lần này.

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nha-giao-va-nhung-sang-tao-huong-toi-hoc-sinh-125726.html