Nhà hát giao hưởng và biểu tượng

Trước nhiều ý kiến khác nhau trao đổi về nên hay chưa nên xây dựng công trình nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch ở Thủ Thiêm (TP.HCM), TS. Phạm Sỹ Liêm (nguyên Phó chủ tịch UBNN TP. Hà Nội) bày tỏ quan điểm của mình với Người Đô Thị.

Sự cần thiết và quy mô

Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố lớn nhất của Việt Nam và cũng là một trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học thuộc hàng lớn nhất của cả nước. Bởi vậy, có lẽ không nên chỉ hiểu thành phố đang cần xây thêm một rạp hát (dù lớn) mà nhiều rạp. Chúng có thể phải là một quần thể công trình, không gian cho nghệ thuật biểu diễn với nhiều loại hình khác nhau, chứ không phải chỉ một cái rạp đơn lẻ chỉ phục vụ riêng cho giao hưởng.

TS. Phạm Sỹ Liêm. Ảnh: TL

Và nếu trung tâm, hay tổ hợp văn hóa nghệ thuật này được làm tốt (công năng phong phú, kiến trúc đẹp...) thì tự nó có thể trở thành một công trình nghệ thuật lớn, là biểu tượng của TP.HCM, thậm chí của cả nước. Bởi cho đến hôm nay khi nhắc đến thủ đô Hà Nội, người ta vẫn thường dùng biểu tượng Khuê Văn Các, dùng hình ảnh chợ Bến Thành tượng trưng cho TP.HCM...

Mặc dù những công trình đó đã được xây dựng từ lâu mà vẫn được sử dụng, cũng có lý do hai thành phố này chưa có những công trình xứng đáng được coi là những biểu tượng mới chăng?.

Tất nhiên, một thành phố có thể có vài biểu tượng cho nó, nhưng người ta thường chọn những công trình văn hóa nghệ thuật, chứ chẳng mấy khi chọn công trình công nghiệp, trụ sở công quyền... Trường hợp Nhà hát Opera ở Sydey của Úc là ví dụ điển hình, không chỉ là biểu tượng cho một thành phố, thậm trí, nó còn là biểu tượng của nước Úc.

Đã đến lúc TP.HCM cần xây dựng những công trình kiến trúc có chất lượng nghệ thuật cao, tầm cỡ, để có thể trở thành biểu tượng mới xứng đáng với vị trí của nó, và tôi nghĩ đây là dịp thảo luận đề tiến tới quyết định cho việc cần thiết, hệ trọng này.

Tức là việc đầu tư xây dựng loại công trình như vậy là cần thiết, và nên nghĩ đến quy mô lớn hơn cả 1.500 tỷ dự kiến.

Rất tiếc Ba Son

Một tuyệt tác kiến trúc chẳng bao giờ không gắn với không gian của nó, Nhà hát Lớn Hà Nội hay Nhà hát thành phố Hồ Chí Minh đều là những công trình tuy không thật lớn nhưng đều được xây ở những vị trí “đắc địa” nhất của hai thành phố, đều trên những trục đường “sang trọng bậc nhất” và đều có không gian quảng trường rộng phía trước... Bài học vỡ lòng này thiết nghĩ chẳng cần nhắc lại, bởi hãy tưởng tượng một công trình kiến trúc dù đẹp đến mấy mà nằm trong ngõ hẻm, thì gần như chẳng còn mấy ý nghĩa (Nhà hát Tuổi Trẻ của Hà Nội đã không lấy gì làm đẹp lại nằm trong ngõ, nên hầu như nó chẳng tham gia gì vào việc góp phần làm tăng vẻ đẹp cảnh quan đô thị).

Như vậy để xây dựng được Trung tâm nghệ thuật biểu diễn lớn, với mong muốn trở thành một biểu tượng văn hóa cho TP.HCM, điều đầu tiên phải xác định được quỹ đất dự phòng ngay từ khi quy hoạch đô thị dành riêng cho công trình nghệ thuật này. Mặt khác, vị trí đặt công trình phải ở những khu vực có những giá trị lịch sử, hay có mối quan hệ mật thiết đối với những công trình kiến trúc cảnh quan mang nét đặc trưng của thành phố.

Vị trí dự kiến xây dựng nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch ở Thủ Thiêm. Ảnh: Zing

Tôi ủng hộ ý kiến của ông Ngô Viết Nam Sơn rằng lẽ ra công trình Trung tâm văn hóa nghệ thuật biểu diễn phải được xây tại vị trí đất cảng Ba Son - khu di sản hàng hải lâu đời và quan trọng nhất của thành phố. Nhưng rất tiếc Ba Son đã được (hay bị) sử dụng vào việc khác, mà chắc chắn kém quan trọng hơn nhiều so với công trình chúng ta đang thảo luận. Điều này không thể không phản ánh một tầm nhìn “tầm thường” của những người có trách nhiệm với thành phố.

Chưa nói những công trình lớn, mang dấu ấn thời đại và chúng sẽ tồn tại qua hàng thế kỷ, thời gian chỉ càng tôn vinh giá trị của nó, chứ không thể vứt nó vào dĩ vãng. Ví dụ như Nhà hát lớn Hà Nội xây xong từ 1911 nhưng đến bây giờ vẫn là loại nhà hát tốt nhất của Thủ đô. Tức là, nhà hát đó phải có nhiều giá trị, phải tự khẳng định được nó qua thời gian, nên nó đòi hỏi những ai dùng ngân sách để thẩm định, quyết định xây dựng, quyết không thể “ tầm thường” một lần nữa.

Đi nghe giao hưởng không giống dạo chơi ở Đầm Sen

Xây dựng nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, âm nhạc cho người dân. Tuy nhiên, nhạc giao hưởng là nghệ thuật hàn lâm nên cũng đòi hỏi đối tượng nghe phải có trình độ cảm thụ về âm nhạc nghệ thuật ở mức cao hơn thông thường và là thường người có thu nhập khá.

Nhà hát đó phải có nhiều giá trị, phải tự khẳng định được nó qua thời gian, nên nó đòi hỏi những ai dùng ngân sách để thẩm định, quyết định xây dựng, quyết không thể “ tầm thường” một lần nữa.

Hẳn việc cảm thụ loại nghệ thuật bác học này không giống như cuộc giải trí ở Đầm Sen, Suối Tiên... Mặc dù, GDP bình quân đầu người của TP.HCM hiện nay vào khoảng 4.500-5.000 USD/năm, có thể cao gấp đôi so với các thành phố khác, nhưng với thu nhập này, chưa thể nói đã đảm bảo cho người dân có thể thưởng thức loại hình nghệ thuật bác học này một cách thường xuyên. Đó là chưa kể, trình độ thưởng thức âm nhạc hàn lâm có mối liên quan đến nền giáo dục, đào tạo, những kiến thức về văn hóa, nghệ thuật... Tôi muốn nói đến các điều kiện để con người có thể thụ hưởng các loại hình nghệ thuật cao tương đối khó, không giống như ta dự cuộc giải trí tại những công viên vui chơi như Đầm Sen, Suối Tiên.

Tóm lại cần khẳng định rằng xây dựng một Trung tâm văn hóa nghệ thuật biểu diễn tại TP.HCM là một việc làm cần thiết, nhưng xây vào thời gian nào, tại đâu, quy mô nào, và các căn cứ khoa học khác cho dự án quan trọng này cần được chuẩn bị kĩ lưỡng... Tất nhiên như làm mọi việc lớn cần người tầm lớn, hẳn thế, bởi tự trọng trách này đã không dành cho người “tầm thường” đảm nhiệm.

Lê Minh (lược ghi)

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/nha-hat-giao-huong-va-bieu-tuong-15849.html