Nhà hát Kịch Việt Nam dựng 'Nguồn sáng trong đời' của Lưu Quang Vũ

'Nguồn sáng trong đời' - vở kịch nổi tiếng của cố tác giả Lưu Quang Vũ vừa được Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng.

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày mất của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ ((29/8/1988 - 29/8/2018), Nhà hát Kịch Việt Nam vừa công diễn vở Nguồn sáng trong đời. Vở kịch được NSND Anh Tú chỉ đạo nghệ thuật chung, đạo diễn NSND Hoàng Dũng.

Nguồn sáng trong đời là vở kịch mà ở đấy cảm hứng anh hùng và âm hưởng bi kịch, cả hai đều mãnh liệt, hòa trộn hữu cơ tạo nên một bi hùng kịch thật sự. Sự bi hùng trong Nguồn sáng trong đời không phải diễn ra ngay thời chiến tranh mà thời hậu chiến – đó chính là nét độc đáo của kịch để cho tới ngày hôm nay, hơn 30 năm nó vẫn mang tính thời sự, có chiều sâu và tầm cao.

Nguồn sáng trong đời mở màn bằng hình ảnh người lính yêu hội họa ngồi tạc những bức tượng theo trí tưởng tượng của mình bởi anh không nhìn thấy thế giới ngoài kia.

Nguồn sáng trong đời mở màn bằng hình ảnh người lính yêu hội họa ngồi tạc những bức tượng theo trí tưởng tượng của mình bởi anh không nhìn thấy thế giới ngoài kia.

Hai nhân vật chính trong kịch là hai cựu chiến binh. Lê Chí - sinh viên cũ của trường mỹ thuật, từ chiến trường trở về mù cả hai mắt. Mang khát vọng sáng tạo không cưỡng nổi, anh đắp nặn những pho tượng mà anh không thể nhìn thấy và đánh giá. Nhưng chúng đã được dư luận khích lệ, cổ vũ, triển lãm như một tác phẩm hoàn chỉnh của một thương binh khiếm thị. Nhưng trong lòng người nghệ sĩ mù đó, anh luôn khao khát được một lần nhìn thấy tác phẩm của mình bởi thâm tâm nghĩ, mù thì không thể có tác phẩm hoàn chỉnh như công luận vẫn khen nức nở được.

Một nguồn sáng mới le lói trong đời Lê Chí – anh có thể ghép giác mạc và nhìn thấy lại cuộc đời nếu người nào đó chết đi, thân nhân của họ đồng ý cho giác mạc. Nhưng, cuộc phẫu thuật này rất lâu không thể thực hiện, vì thân nhân của những người mới chết không ai chịu cho anh đôi mắt của người thân của họ.

Chàng họa sĩ mù khao khát từng ngày được nhìn những tác phẩm mà mình sáng tác.

Giữa lúc thất vọng và khủng hoảng tinh thần, người thương binh mù gặp một cựu chiến binh khác (Toàn), một kỹ sư xây dựng mắc bệnh hiểm nghèo, mà cuộc sống còn lại đếm được từng tuần - đây mới là nhân vật số một của bi hùng kịch.

Giữa việc cứ để bệnh tiến triển rồi 3 tháng sẽ qua đời và việc lên bàn mổ ngay tức thì, tỷ lệ sống chỉ tính bằng một phần nghìn, Toàn chọn phương án 1. Cái chết sớm của Toàn để lại cho y học một số tài liệu thực nghiệm quan trọng và cho người thương binh mù cặp mắt sáng của mình, để người nghệ sĩ ấy từ nay có thể dấn thân vào con đường sáng tạo nghệ thuật với đầy đủ trách nhiệm.

Kịch kết thúc bằng cảnh người nghệ sĩ thương binh được trả lại thị giác. Anh vui sướng ôm vợ mình bên cạnh một người vợ khác – vẫn đang rất bàng hoàng vì cái chết của chồng, cũng đang rất tò mò xem nguồn sáng mới anh mang lại cho đời là gì?

Với vai trò là đạo diễn, NSND Hoàng Dũng đã sử dụng hầu hết diễn viên trẻ. Bằng ngôn ngữ nghệ thuật sân khấu, vở diễn đã chuyển tới khán giả một thông điệp không tầm thường về sự sống và cái chết.

Nếu cặp mắt - một bộ phận nhỏ trong thi thể con người, còn quý giá đến thế, thì sự sống, mỗi ngày, mỗi giờ sống của con người còn ý giá gấp bao nhiêu lần. NSND Hoàng Dũng lý giải việc mời diễn viên trẻ vào vở diễn là bởi, ông muốn vở diễn nó đúng như tính thời sự hôm nay.

Vị đạo diễn đã không bị các các diễn viên trẻ phụ lòng tin. Họ đã diễn hết mình để mang lại cảm xúc ngọt ngào, nghẹn đặc nơi cổ họng cho khán giả. Họ không muốn ra về vội vì sợ ai đó nhìn thấy khóe mắt đỏ hoe của mình.

Bằng ngôn ngữ nghệ thuật sân khấu, vở diễn đã chuyển tới khán giả một thông điệp không tầm thường về sự sống và cái chết.

Xuyên suốt vở diễn, hình ảnh đôi mắt mở với tia sáng nhỏ nhoi trên phông nền xanh biếc như nguồn sống và môi sinh của muôn loài, như là ngọn đuốc không thể để tắt trong cuộc chạy tiếp sức của những con người và các thế hệ.

Như hiện thực minh bạch xua tan bóng tối, nơi sinh nở và ẩn náu những ảo tưởng và ảo vọng, kể cả những ảo tưởng sáng tạo trong những điều kiện không cho phép, được nuôi dưỡng bởi những lời khen có thể thiện chí nhưng vô trách nhiệm.

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/di-san-my-thuat-san-khau/nha-hat-kich-viet-nam-dung-nguon-sang-trong-doi-cua-luu-quang-vu-469078.html