Nhà hát ngàn tỷ

Hội đồng Nhân dân TP Hồ Chí Minh vừa có cuộc họp bất thường, đồng ý xây Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch tiêu chuẩn quốc tế tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2) bằng ngân sách thành phố. Dư luận về chủ trương này dù còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng trước hết để người dân thật sự đồng thuận, chính quyền còn nhiều việc phải làm.

Dàn nhạc giao hưởng Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Thành phố Hồ Chí Minh.

Chủ trương xây Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch tầm cỡ quốc tế (1.700 chỗ, tổng đầu tư 1.508 tỷ đồng) đã được UBND TP Hồ Chí Minh (TP HCM) đề xuất HĐND TP HCM khóa IX xem xét từ trước. Đến tháng 10/2018, HĐND TP HCM mới tiến hành họp bất thường để chính thức lấy ý kiến các đại biểu HĐND xem xét về chủ trương này dựa trên Tờ trình của UBND TP và từ cơ sở một số tờ trình về triển khai cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM theo Nghị quyết 54 của Quốc hội. Kết quả HĐND TP đã đồng ý cho xây công trình tầm cỡ này từ ngân sách thành phố.

Cho đến nay, TP HCM đang có 3 công trình nhà hát từ thời Pháp, gồm Nhà hát Opera (Nhà hát TP), nhà hát Phiharmonie (nay là Kho bạc TP) và Nhạc viện TP. Tuy nhiên, thực chất chỉ có Nhà hát TP HCM hiện là nơi hoạt động đúng theo chức năng công trình. Một số nhà hát khác được xây dựng từ sau năm 1975 (Hòa Bình, Bến Thành…) đang xuống cấp nặng và không đủ năng lực tổ chức các buổi biểu diễn vũ kịch trong nước cũng như các đoàn nghệ thuật lớn của nước ngoài đến biểu diễn. Với quy mô dân số trên 10 triệu dân, trong khi tồn tại thực tế nhà hát chưa đáp ứng về chất lượng và số lượng, khiến chính quyền TP HCM rốt ráo trong chủ trương xây dựng một Nhà hát Giao hưởng hiện đại, tầm cỡ quốc tế, xứng tầm với một đô thị trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội lớn nhất đất nước, qua đó góp phần khẳng định vị thế của TP HCM.

Sau khi xây dựng Tờ trình, UBND TP báo cáo HĐND về nguồn ngân sách đầu tư Nhà hát lấy từ nguồn thu bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn (Q.1) có thể khả dĩ đáp ứng yêu cầu. Nhà hát, sau khi được HĐND TP đồng ý thông qua, được dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2018-2022, với chủ đầu tư là Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình (Sở VHTTDL).

Về dư luận đối với chủ trương này, giới nghệ sĩ và người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật nói chung là những người ủng hộ đầu tiên. Theo nhạc trưởng Trần Vương Thạch- Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP HCM, trên bình diện văn hóa thì đây là một việc hoàn toàn đúng đắn, quá bức thiết vì hiện thành phố chưa có một nhà hát đàng hoàng nào cả. Người dân không có nơi nào để thưởng thức những chương trình nghệ thuật chất lượng cao. Một số đại biểu HĐND TP khi đăng đàn cũng bày tỏ chia sẻ về thực trạng các nghệ sĩ thành phố đang hàng ngày phải biểu diễn trên những sân khấu chật hẹp, không đủ điều kiện, do đó cần thiết phải đầu tư xứng đáng hơn cho hoạt động văn hóa - nghệ thuật, những người lao động nghệ thuật.

Khi thông qua Tờ trình, HĐND TP cũng nhấn mạnh nhu cầu cần thiết phải xây Nhà hát tầm cỡ quốc tế. Nhưng yêu cầu công trình phải thiết kế đạt chuẩn quốc tế, xứng tầm là nơi hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của người dân, là địa điểm độc đáo để thu hút khách du lịch quốc tế khi đến TP HCM. Ngoài ra, các đại biểu HĐND cũng đề nghị UBND TP trong quá trình đấu thầu dự án, cần chọn nhà thầu có năng lực, tránh lãng phí trong quá trình xây dựng.

Thế nhưng, việc lo lắng về nguy cơ gây lãng phí đối với một thiết chế văn hóa trị giá hơn 1.500 tỷ đồng là có thật, trong bối cảnh xây Nhà hát đang là trào lưu thịnh hành ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, thực tế rất rõ là khi xây dựng xong các công trình này, nhiều địa phương hết sức bối rối trong việc vận hành đúng công năng của công trình. Từ năm 2015, báo Đại Đoàn Kết phản ánh các công trình nhà hát tiền tỷ tại Vĩnh Phúc và Hà Nội vừa xây xong nhưng sớm xuống cấp, nhiều đơn vị nghệ thuật phải đi thuê mướn tạm bợ để có đất diễn. Có công trình nhà hát tại Đan Phượng (Hà Nội) được đầu tư hàng trăm tỷ đồng, xây xong nhưng bỏ hoang nhiều năm. Gần nhất vào tháng 5/2018, UBND TP Hà Nội cũng đã phải tạm dừng triển khai Dự án Nhà hát Hoa Sen có quy mô lớn nhất thủ đô, với 2.000 chỗ ngồi tại Khu đô thị mới Cầu Giấy để lấy thêm ý kiến các cơ quan chuyên môn và người dân thủ đô.

Vì vậy, những âu lo về việc xây nhà hát hơn 1.500 tỷ đồng tại TP HCM cũng là điều dễ hiểu. HĐND TP dù đồng ý chủ trương xây nhà hát, song một số vị đại biểu vẫn đề nghị cần làm rõ các mục tiêu của dự án khi triển khai. Các ý kiến này không hẳn thiên kiến, khi nhìn vào thực tế các nhà hát Hòa Bình và Nhà hát TP HCM hiện tại vẫn đáp ứng số chỗ ngồi tương đương nhà hát sắp xây ở Thủ Thiêm. Do vậy, các đại biểu cho rằng cần xem xét rằng hai nhà hát này đã được sử dụng hết chức năng chưa và nhà hát mới, nếu được xây phải có gì khác biệt gì so với hai công trình này.

Về phía người dân, dù chỉ được lấy ý kiến đại diện (thông qua đại biểu HĐND) nhưng để được dư luận đồng thuận hoàn toàn, cần phải công khai quá trình xây dựng một cách rõ ràng, tránh lãng phí tiền thuế của nhân dân. Một công trình có ý nghĩa dân sinh phục vụ đời sống tinh thần trị giá hơn 1.500 tỷ đồng chưa phải quá lớn so với các dự án hạ tầng giao thông hay công trình chống ngập nước trị giá từ hàng ngàn đến hàng chục ngàn tỷ đồng của thành phố mỗi năm. Thế nhưng, khi một công trình với mục tiêu thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa cho người dân, thì công trình đó phải thực sự xứng đáng với tầm vóc, ý nghĩa lâu dài. Để những người hàng ngày phải xếp hàng chờ lượt khám ở bệnh viện; xếp hàng nộp hồ sơ cho con vào trường công; hay lội bì bõm trên những tuyến đường còn “ngập kinh niên” chưa giải quyết xong không cảm thấy mủi lòng khi nghĩ về những công trình ngàn tỷ mọc lên nhưng không hoạt động đúng công năng, thì chính quyền TP HCM cần làm nhiều việc công khai minh bạch, thuyết phục rất nhiều việc kể từ khi bắt đầu quá trình thực hiện dự án.

Thành Luân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/nha-hat-ngan-ty-tintuc419475