'Nhà hát ngoài trời'

'Sân khấu ngoài trời' thì nghe còn quen. Nhưng 'nhà hát ngoài trời' thì hơi lạ tai. Bởi khi nói đến 'nhà hát', chúng ta sẽ hình dung ra một không gian khép kín, sang trọng… như kiểu Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát TP. Hồ Chí Minh...

Tuy nhiên, ở tỉnh Gia Lai-Kon Tum đã từng có một nhà hát ngoài trời tồn tại và hoạt động náo nhiệt trong nửa cuối thập niên 80 của thế kỷ XX. Đó là Nhà hát Nhân dân tỉnh Gia Lai-Kon Tum.

Trên thực tế, nhà hát ngoài trời chỉ là cách gọi (khi nhìn vào kiến trúc) của người dân về một thiết chế văn hóa có tên là Nhà hát Nhân dân tỉnh Gia Lai-Kon Tum, tọa lạc ở phía Tây đường Trần Hưng Đạo, tại vị trí vốn là sân chùa Hộ Quốc (hiện là phía trước nhà trưng bày cổ vật của Bảo tàng tỉnh). Công trình được khánh thành vào ngày 20-9-1985, nhân dịp chào mừng kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập ngành Văn hóa-Thông tin. Thực ra, nơi đây đã trở thành sân khấu ngoài trời từ những năm sau giải phóng.

Cuối năm 1985, tôi về nhận công tác tại Phòng Bảo tồn-bảo tàng (Ty Văn hóa-Thông tin). Ngày đầu tiên đến làm việc, tôi được thông báo: Tối đó, Tổ Công đoàn Bảo tồn-bảo tàng được phân công giữ xe ở cổng nhà hát. Xẩm tối, vừa kéo đèn, giăng dây xong, chưa kịp xoay xở, tôi đã thấy người, xe đạp ùn ùn tiến vào bãi mà cuống cả tay chân. Các anh chị đã quen việc luôn miệng nhắc cái đứa lơ ngơ như tôi phải cẩn thận, kẻo lộn số là mất xe. Sau này, tôi mới biết, hồi ấy, cán bộ, nhân viên Ty Văn hóa-Thông tin được phân công giữ xe, bán vé (việc dành cho nữ), gác cổng (thường là nam giới)… cho nhà hát. Nhận thêm việc, mọi người ai nấy đều vui như Tết, bởi đó là quyền lợi, là việc làm hiếm hoi để chúng tôi có thêm thu nhập ngoài đồng lương ít ỏi lúc bấy giờ. Nhưng, công việc cũng không hề nhàn nhã, nhất là chẳng may bị mất xe hay đánh rơi tập vé xem biểu diễn (quy ra tiền bằng nhiều tháng lương) là coi như... xong!

Nhà hát Nhân dân tỉnh Gia Lai-Kon Tum khác với các nhà hát khác ở chỗ nó chỉ có phần sân khấu (quay lưng ra đường Trần Hưng Đạo, hướng mặt về phía Tây) là có mái che. Còn khu vực dành cho khán giả (theo hướng ngược lại) là những bậc được xây bằng gạch, phủ xi măng, cao dần về phía sau. Xung quanh nhà hát có tường bao, cũng được xây bằng gạch. Nhà hát có sức chứa khoảng 800-1.000 chỗ. Chỉ đơn giản thế, nhưng nhà hát ra đời đánh dấu một bước tiến quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Pleiku.

Nhờ có công trình này mà tỉnh có địa điểm để đón các đoàn văn hóa-nghệ thuật của Trung ương và các tỉnh bạn đến biểu diễn phục vụ người dân. Cũng qua sân khấu này, người dân biết đến rất nhiều ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên nổi tiếng lúc ấy như: Thanh Hoa, Thu Hiền, Ái Vân, Chí Trung, Lê Khanh… Vì là sân khấu ngoài trời nên hoạt động chủ yếu vào những tháng mùa khô. Về biểu diễn tại đây, các đoàn nghệ thuật được phục vụ ăn ở tại chỗ có thu phí.

Những lúc không có đoàn ngoài tỉnh, nhà hát là “đại bản doanh” của Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Hoa Pơ Lang, mà tiền thân là Đoàn xiếc tập thể tỉnh Gia Lai-Kon Tum, được UBND tỉnh thành lập năm 1979, theo đề nghị của Ty Văn hóa-Thông tin và Ban Cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh. Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Hoa Pơ Lang do ông Mạc Như Long làm Trưởng đoàn hồi ấy khá nổi tiếng với nhiều vở cải lương “tự biên tự diễn” như: Hoa thiên lý, Người mang tên hoa hướng dương, Bão lũ, Thạch Sanh Lý Thông, Tình sử A Năng… cùng nhiều chương trình xiếc-ảo thuật và ca múa nhạc khá phong phú, hấp dẫn. Đây cũng là nơi biểu diễn thường xuyên của Đoàn Nghệ thuật Đam San.

Từ khi ra đời cho đến khi chia tách tỉnh (năm 1991), lúc nào nhà hát “đỏ đèn” là nườm nượp khán giả. Muốn có chỗ ngồi tốt, mọi người phải đi sớm, rồi chen lấn mua vé để vào sân “xí chỗ”. Hai phòng vé ở hai bên cánh gà nhà hát, cứ mở cửa ra là có hàng chục cánh tay chen nhau đưa tiền vào qua ô cửa. Người bán vé (thường 1 cửa 2 người) có khi phải nắm chặt tay người mua để không đưa vé, thối tiền nhầm.

Trong sân, đến giờ biểu diễn, chỉ 100 chỗ dành cho đại biểu và những bậc ngồi gần sân khấu là tạm ổn, để có thể thưởng thức nghệ thuật đúng nghĩa. Còn phía sau thì người đứng, người ngồi, kẻ chen, người lấn. Nhất là từ lúc “tháo khoán” (khi buổi biểu diễn diễn ra được khoảng 1/2 chương trình, bảo vệ sẽ mở cửa), những người không có tiền mua vé hoặc không mua được vé chờ sẵn ở bên ngoài tràn vào trong sân. Thế mà, mỗi khi có đoàn hoặc ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng về, số vé nhà hát bán ra luôn đạt con số từ 700 trở lên. Nhưng đến cuối buổi diễn, số người trong sân có lẽ phải lên đến 1.500-2.000 người.

Tọa lạc trên đường Trần Hưng Đạo, con đường đẹp nhất của phố thị Pleiku lúc ấy, Nhà hát Nhân dân tỉnh Gia Lai-Kon Tum, Rạp chiếu bóng Hoa Lư… là những địa điểm làm phong phú thêm đời sống tinh thần, nơi khắc ghi những kỷ niệm khó phai về những ngày đầu tỉnh Gia Lai-Kon Tum cùng đất nước bước vào thời kỳ đổi mới với bao vất vả, gian khó.

NGUYỄN THỊ KIM VÂN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/nha-hat-ngoai-troi-post262013.html