Nhà hát Thủ Thiêm: Đề nghị có giải thích phù hợp

ĐBQH Hồ Thanh Bình đề nghị TP.HCM nghiên cứu lại, có giải thích phù hợp với người dân về công trình Nhà hát giao hưởng ở khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Trước động thái mới của TP.HCM đối với việc xây dựng Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, ĐBQH Hồ Thanh Bình (đoàn ĐBQH tỉnh An Giang), Ủy viên Ủy ban Văm hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tỏ ra thận trọng.

Theo ông Bình, việc xây nhà hát ở Thủ Thiêm - một công trình văn hóa mang tính biểu tượng, điểm nhấn về kiến trúc, nghệ thuật của TP.HCM thực ra không phải là chuyện lớn cũng không có tác động xấu, chỉ có điều thông tin về việc xây dựng nhà hát này được đưa ra trong một hoàn cảnh tế nhị, khi người dân Thủ Thiêm đã và đang trải qua những khó khăn, vất vả, xáo trộn trong cuộc sống và cần phải sớm giải quyết quyền lợi cho người dân.

Nhà hát TP.HCM do kiến trúc sư người Pháp Eugên Ferret thiết kế cách đây 120 năm. Ảnh: NLĐ

Nhà hát TP.HCM do kiến trúc sư người Pháp Eugên Ferret thiết kế cách đây 120 năm. Ảnh: NLĐ

Bởi vậy, bây giờ, khi UBND TP.HCM có chỉ đạo mới liên quan đến việc tổ chức thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công trình Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch ở Thủ Thiêm, vị ĐBQH cho rằng, hãy cứ để cho TP thực hiện, khi việc xây dựng vẫn được tiến hành trong hoàn cảnh trên, có ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân thì lúc đó có ý kiến chưa muộn.

Về câu hỏi được đặt ra nhiều nhất trong thời gian qua: TP.HCM có cần nhà hát giao hưởng Thủ Thiêm không? Nhà hát ấy phục vụ ai?, vị ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, chỉ có TP.HCM mới biết rõ được nhu cầu đó, thông qua việc điều tra, khảo sát, lấy ý kiến người dân.

Đại biểu Hồ Thanh Bình đánh giá, lập luận của TP.HCM khi lý giải chủ trương xây dựng Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch khá chặt chẽ, họ nói về tính cấp bách, cần thiết phải làm công trình này, cũng như ý nghĩa của nó.

Trong văn bản Đoàn ĐBQH TP.HCM gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã nêu rõ về thực trạng của các nhà hát hiện tại của TP, mức độ sử dụng...; chi phí xây dựng nhà hát với việc đầu tư cho y tế, giáo dục của TP và khẳng định mục tiêu phục vụ nhu cầu văn hóa và chính trị của hơn 10 triệu người TP, 33 triệu người dân phía Nam và bạn bè quốc tế đến giao lưu, tham quan và du lịch tại TP HCM của nhà hát này.

Tiếp đó, Sở Kế hoạch và Đầu TP.HCM, trong văn bản trả lời ý kiến cử tri, cũng khẳng định việc xây dựng nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch là hết sức cần thiết và cấp bách.

Đây sẽ là một công trình văn hóa mang tính biểu tượng, điểm nhấn về kiến trúc, nghệ thuật của TP.HCM, đáp ứng và nâng cao trình độ thưởng thức văn hóa, nghệ thuật cho hơn 10 triệu dân và hàng triệu du khách viếng thăm mỗi năm, góp phần nâng cao trình độ thưởng thức văn hóa của người dân…

Về một số ý kiến cho rằng, việc xây dựng nhà hát giao hưởng có thể là một sự lãng phí lớn, đại biểu Hồ Thanh Bình lưu ý, cần có sự khảo sát mới có thể đánh giá được. Chẳng hạn, thông tin về hoạt động của nhiều nhà hát trên thế giới cũng như tại Việt Nam: một tháng hoạt động bao nhiêu lần, biểu diễn bao nhiêu chương trình nghệ thuật đỉnh cao, doanh thu thế nào...

Từ đây, đại biểu Hồ Thanh Bình nhận xét, để đi đến quyết định xây dựng Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch, TP.HCM phải căn cứ vào hoạt động, nhu cầu của địa phương, tình hình kinh tế- xã hội, tài chính của địa phương...

Điều ông muốn góp ý với TP.HCM, đó là: thời điểm này xây dựng Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch liệu có thích hợp hay không? Có ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bà con Thủ Thiêm hay không? đồng thời TP cần giải trình, trả lời câu hỏi: dự kiến nhà hát hoạt động như thế nào?

"Hiện nay đặt vấn đề xây nhà hát có lãng phí hay không, hiệu quả đến đâu... thì có phần khó cho TP.HCM nhưng TP có thể trả lời được, vì đây là công trình phục vụ cho nhiều mục đích.

Khi làm đề án này, TP.HCM đã tiến hành khảo sát, lấy ý kiến người dân các tầng lớp khác nhau hay chưa?

Một công trình khi xây dựng nên phải đảm bảo tính hiệu quả, có ý nghĩa và có tính nhân văn.

Khi các vấn đề ở Thủ Thiêm vẫn chưa được giải quyết rốt ráo thì đề nghị TP.HCM nghiên cứu lại, có giải thích phù hợp với người dân về dự án này để lòng dân đồng thuận", đại biểu Hồ Thanh Bình nói.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/nha-hat-thu-thiem-de-nghi-co-giai-thich-phu-hop-3397642/