Nhà khoa học đam mê nông nghiệp công nghệ cao

Với mong muốn mang đến cho người Việt Nam một loại dược liệu quý hiếm với giá không quá đắt, sau nhiều năm nghiên cứu, nhà khoa học trẻ Nguyễn Thị Hồng ở huyện Thanh Oai (Hà Nội) đã nuôi trồng thành công đông trùng hạ thảo. Đến nay, mô hình nuôi trồng đông trùng hạ thảo của chị Hồng đã phát triển và nhân rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Với mong muốn mang đến cho người Việt Nam một loại dược liệu quý hiếm với giá không quá đắt, sau nhiều năm nghiên cứu, nhà khoa học trẻ Nguyễn Thị Hồng ở huyện Thanh Oai (Hà Nội) đã nuôi trồng thành công đông trùng hạ thảo. Đến nay, mô hình nuôi trồng đông trùng hạ thảo của chị Hồng đã phát triển và nhân rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Năm 2003, sau khi tốt nghiệp Khoa Công nghệ sinh học, Trường đại học Khoa học Tự nhiên, trong một lần đọc được bài báo nước ngoài nói về đông trùng hạ thảo, chị cảm thấy rất thú vị. Đây là một loại nấm dược liệu rất quý hiếm, mà một số nước như Mỹ, Nhật Bản đã nuôi trồng thành công. Với mong muốn sẽ chủ động nuôi trồng được loại dược liệu quý hiếm tại Việt Nam, chị đã bắt tay vào nghiên cứu.

Sau nhiều năm tự nghiên cứu nhưng không thành công, đến năm 2009, nhà khoa học Nguyễn Thị Hồng quyết định sang Trung Quốc, Nhật Bản để học hỏi và mua giống đông trùng hạ thảo. Tuy nhiên, sau nhiều lần thử nghiệm vẫn thất bại. Chị vẫn quyết tâm theo đuổi. Tháng 5-2010, sản phẩm đông trùng hạ thảo (Cordyceps militaris) do chị nghiên cứu đã thành công. Tháng 10-2011, chị tiếp tục nghiên cứu thành công sinh khối đông trùng hạ thảo Cordyceps sinensis (xuất xứ Tây Tạng, Trung Quốc) trên cơ chất tổng hợp (tinh bột). Cùng năm đó, sau khi nhận được đề tài khoa học của chị Hồng và nhận thấy đây là một ngành nông nghiệp công nghệ cao đầy tiềm năng trong tương lai tại nước ta, Sở Khoa học và Công nghệ TP Hà Nội đã quyết định cấp kinh phí giúp nhà khoa học trẻ xây dựng phát triển đề tài để phục vụ Tổ quốc.

Tháng 9-2012, toàn bộ quy trình công nghệ nuôi trồng đông trùng hạ thảo tại công ty của chị Hồng đã hoàn thiện và đi vào hoạt động. Cơ sở sản xuất đầu tiên của chị được xây dựng tại xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai với diện tích 200 m2. Đến năm 2013, công ty đã tự chủ được nguồn giống. Đầu năm 2014, chị Hồng đưa mô hình sản xuất đại trà vào Đà Lạt (Lâm Đồng) với diện tích hơn 5.000 m2. Nhờ sự hướng dẫn của chị và các giáo sư đầu ngành về sinh học, các kỹ sư tại hai cơ sở của công ty đã tự chủ được trong sản xuất. Sản phẩm làm ra được đưa đi kiểm nghiệm ở Viện Thực phẩm chức năng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam hoặc Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đều đạt chất lượng cao. Hiện tại, ngoài các sản phẩm đông trùng hạ thảo tươi, khô, bột sinh khối, công ty còn cung cấp giống đông trùng hạ thảo cho các cơ quan, đơn vị và người dân muốn nuôi trồng.

Năm 2015, tiếp đà thành công, công ty của chị Hồng vinh dự nhận được đề tài cấp quốc gia của Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ “Đổi mới công nghệ sản xuất đông trùng hạ thảo (Cordyceps militaris) và phát triển công nghệ sản xuất một số sản phẩm chức năng từ Cordyceps militaris”. Đây là tiền đề vững chắc giúp công ty tự tin và đầu tư mạnh mẽ để phát triển đông trùng hạ thảo tại Việt Nam. Chị Hồng cho biết, nhiều mặt hàng của công ty làm ra không đủ cung cấp cho thị trường, bởi so với đông trùng hạ thảo Tây Tạng, hàm lượng các dược chất quý hiếm có trong sản phẩm của công ty không thua kém nhưng giá bán chỉ bằng 10%, từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng/kg tùy sản phẩm. Trung bình mỗi tháng, sản lượng đông trùng hạ thảo tươi của công ty đạt từ ba đến bốn tấn. Sản phẩm còn được xuất khẩu sang Nhật Bản, Xin-ga-po, Đức… Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, công ty đang nghiên cứu sản xuất các sản phẩm chế biến từ đông trùng hạ thảo như: Nước uống, viên uống, cao, trà, cháo… Dự kiến năm 2018, các sản phẩm này sẽ ra mắt thị trường.

ĐỨC MINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/35105902-nha-khoa-hoc-dam-me-nong-nghiep-cong-nghe-cao.html