Nhà khoa học nữ duy nhất nhận giải thưởng Kovalevskaia 2018 là ai?

Là cá nhân duy nhất nhận giải thưởng Kovalevskaia năm 2018, GS.TS.Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã có rất nhiều thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc, đóng góp cho quá trình phát triển tam nông.

Là cá nhân trẻ tuổi nhất từng được nhận Giải thưởng Kovalevskaia, GS.TS.Nguyễn Thị Lan (sinh năm 1974) - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc. Là nhà khoa học nữ trong lĩnh vực thú y, GS.TS. Nguyễn Thị Lan được vinh danh nhờ thành tích nghiên cứu khoa học công nghệ nổi bật.

Bà chủ trì và tham gia 22 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp từ cấp Nhà nước đến cấp Bộ. Bà cũng có 105 bài báo khoa học trong và ngoài nước, trong đó 29 bài báo đăng trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục ISI.

GS.TS.Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam giới thiệu với Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường những sản phẩm do cán bộ, sinh viên học viện nghiên cứu, lai tạo. Ảnh: TTXVN.

Nữ giáo sư sinh năm 1974 được biết đến là nữ giáo sư trẻ nhất ngành thú y; giáo sư danh dự Đại học Yamaguchi của Nhật, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh lý Thú y Châu Á.

Nhiều sản phẩm khoa học công nghệ của GS.TS. Nguyễn Thị Lan được công nhận và chuyển giao thành công như Kit chuẩn đoán nhanh hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản hay bệnh tai xanh ở lợn, vắc xin phòng bệnh Care (bệnh sài sốt) ở chó, chế phẩm vi sinh vật sử dụng trong chăn nuôi. Bà cũng là đồng tác giả của 2 quy trình quan trọng là Quy trình chẩn đoán bệnh viêm gan ruột truyền nhiễm ở gà và Quy trình phòng, điều trị bệnh viêm gan ruột truyền nhiễm ở gà.

Trong công tác đào tạo, GS.TS.Nguyễn Thị Lan đã hướng dẫn tốt nghiệp cho hàng trăm sinh viên đại học, 35 học viên cao học đã bảo vệ thành công luận văn thạc sỹ, đã hướng dẫn 5 nghiên cứu sinh. Khai thác tối đa công nghệ thông tin và phương tiện hiện đại để phục vụ cho giảng dạy, mỗi bài giảng của GS.TS. Nguyễn Thị Lan đều sống động, hấp dẫn người học vì không chỉ có lý thuyết suông mà luôn có hơi thở của thực tiễn sản xuất và xã hội, được truyền tải qua phương pháp sư phạm thích hợp”.

GS.TS. Nguyễn Thị Lan nhận giải thưởng Kovalevskaia năm 2018. Ảnh: I.T

Trong thời gian tới, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh là nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm.

Ở Việt Nam, theo quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ phát triển tỷ lệ nhân lực qua đào tạo khối ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng từ mức 15,5% năm 2010 lên khoảng 50% vào năm 2020. Tuy nhiên, công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đang gặp nhiều thách thức.

Đó là cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn còn bất hợp lý; quy mô đào tạo chưa ổn định, chưa cân đối trong cơ cấu ngành đào tạo; việc xây dựng cơ chế tự chủ, xã hội hóa cho đào tạo gặp khó khăn, trở ngại do mức học phí thấp, điều kiện tài chính của người học gặp nhiều khó khăn; lao động được đào tạo không về nông thôn do thu nhập, lương thấp, điều kiện làm việc còn hạn chế....

Chính vì thế, trên cương vị Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ tam nông là nỗi trăn trở của GS.TS Nguyễn Thị Lan. Theo bà Lan, để phát triển nông nghiệp hiện đại và nông thôn văn minh cần có sự hội tụ của nhiều yếu tố, trong đó, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là vấn đề tiên quyết ở tất cả các nước.

Sinh viên tốt nghiệp đại học ngày nay không những phải có kiến thức và trình độ chuyên môn giỏi mà còn phải có những kỹ năng để không bị thay thế bởi robot và trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là kỹ năng sáng tạo, hợp tác, kỹ năng tư duy phản biện...

Được biết, những năm qua, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã hợp tác với trên 200 doanh nghiệp và hầu hết các tỉnh, thành phố nhằm tạo điều kiện thực tập thực tế cho sinh viên. Việc này sẽ tạo thêm cơ hội cho người học thực hành nghề nghiệp, cọ sát với thực tế, tiếp cận được các hệ thống máy móc hiện đại, quy trình sản xuất tiên tiến nhất hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên có thể kết hợp được lý thuyết với thực tiễn sản xuất.

Học viện đã xây dựng được các hợp tác chặt chẽ với các đối tác Nhật Bản, Israel, Hàn Quốc… trong đào tạo ngắn hạn cho sinh viên và các thành phần trong chuỗi sản xuất nông nghiệp tại nước ngoài. Trong những năm gần đây mỗi năm 400-500 sinh viên của Học viện được cử đi đào tạo và rèn nghề tại Nhật Bản, Israel…

Được biết, Giải thưởng Kovalevskaia là giải thưởng cấp quốc gia có uy tín dành cho các nhà khoa học nữ, được triển khai tại Việt Nam từ năm 1985. Trải qua 34 năm, giải thưởng đã được trao cho 18 tập thể, 47 cá nhân nhà khoa học nữ xuất sắc trên các lĩnh vực: Toán, Lý, Hóa, Nông nghiệp, Y học, Công nghệ thông tin.

Giải thưởng Kovalevskaia năm 2018 được trao cho tập thể Bộ môn Công nghệ môi trường, Khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên và cá nhân GS.TS. Nguyễn Thị Lan – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Khánh Nguyên

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/nha-khoa-hoc-nu-duy-nhat-nhan-giai-thuong-kovalevskaia-2018-la-ai-961050.html