Nhà khoa học nữ Việt Nam có công trình được đăng trên tạp chí Nature

TS Nguyễn Thị Ánh Dương đã triển khai nghiên cứu và thu thập số liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu về tuyến trùng ở Việt Nam trong hơn 10 năm, đã cộng tác với 70 nhà khoa học hàng đầu về lĩnh vực tuyến trùng học ở 57 phòng thí nghiệm trên toàn thế giới để cùng nghiên cứu và xuất bản công trình này.

TS Nguyễn Thị Ánh Dương tại một buổi hội thảo - Ảnh: Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam

TS Nguyễn Thị Ánh Dương tại một buổi hội thảo - Ảnh: Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam

Theo thông tin từ Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, TS Nguyễn Thị Ánh Dương (Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) và các nhà khoa học quốc tế vừa công bố bài báo trên tạp chí Nature – tạp chí khoa học uy tín nhất trên thế giới (vào tháng 7.2019).

TS Nguyễn Thị Ánh Dương sinh năm 1983 tại Hà Nội, tốt nghiệp thủ khoa chuyên ngành tài nguyên - môi trường năm 2006 (Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia TP.HCM). Sau nhiều năm làm nghiên cứu sinh tại nước ngoài, tháng 5.2017, TS Nguyễn Thị Ánh Dương trở về Việt Nam và tiếp tục công tác tại Phòng Tuyến trùng, Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam cho tới nay.

Trong hơn 10 năm, TS Nguyễn Thị Ánh Dương đã triển khai nghiên cứu và thu thập số liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu về tuyến trùng ở Việt Nam, đã cộng tác với 70 nhà khoa học hàng đầu về lĩnh vực tuyến trùng học ở 57 phòng thí nghiệm trên toàn thế giới để cùng nghiên cứu và xuất bản công trình này.

Trong nghiên cứu nói trên, 6.759 mẫu đất trên khắp thế giới đại diện cho 73 vùng tiểu khí hậu đã được thu thập và phân tích để xác định tính đa dạng và chức năng của nhóm sinh vật nhỏ bé. Nghiên cứu chỉ ra rằng số lượng tuyến trùng sống tự do trong đất lớn hơn rất nhiều so với những nghiên cứu trước đây.

Thông tin từ Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ cho biết, nghiên cứu cũng cung cấp những bằng chứng cho thấy phần lớn tuyến trùng tập trung tại những nơi có vĩ độ cao: 38,7% tồn tại trong các khu rừng phương bắc và lãnh nguyên trên khắp Bắc Mỹ, Scandinavia và Nga, 24,5% ở vùng ôn đới, chỉ có 20,5% ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Đây có thể coi là bộ dữ liệu khoa học đồ sộ nhất từ trước tới nay.

Kết quả nghiên cứu về nhóm tuyến trùng sống tự do trong đất đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng cở sở khoa học để phát triển thế giới bền vững. Đặc biệt những ứng dụng của nhóm sinh vật này được đưa ra để dự đoán biến đổi khí hậu toàn cầu.

Thu Anh

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-68/nha-khoa-hoc-nu-viet-nam-co-cong-trinh-duoc-dang-tren-tap-chi-nature-120674.html