'Nhà Kim Dung học Việt Nam' Vũ Đức Sao Biển

Người ta gọi ông là 'Nhà Kim Dung học VN' bởi ngoài âm nhạc thì hơn nửa cuộc đời nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển dành thời gian nghiên cứu tác phẩm Kim Dung.

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đến Quảng Đông, Trung Quốc năm 2011 - Ảnh: NVCC

Ngày nhà văn Kim Dung rời cõi tạm, lẽ ra ông là người viết và nói về Kim Dung nhiều nhất nhưng lại... im lặng do bị mất tiếng nên không thể nghe điện thoại, không thể nói chuyện cùng ai. Ngày người viết được trò chuyện cùng ông là lúc “Nhà Kim Dung học VN” đã khỏe để có thể “kể chuyện bằng tay” qua máy tính.

“Tôi nhờ Báo Thanh Niên lên tiếng giúp vì ngay thời điểm nhà văn Kim Dung qua đời, có bốn tờ báo và sáu đài truyền hình muốn phỏng vấn, nhờ tôi viết bài nhưng tôi đều xin lỗi. Tất cả những cuộc điện thoại gọi đến tôi đều không trả lời được và chỉ biết tắt máy, nhắn tin lại. Một vài người không hiểu rõ ngọn nguồn đâm ra không vừa ý. Tôi muốn xin lỗi tất cả vì căn bệnh đang gặp nên không thể nói chuyện”, nhạc sĩ viết.

Một số bìa sách quý của Kim Dung do NXB Tam Liên thư điếm in: Lộc đỉnh ký, Tiếu ngạo giang hồ, Thư kiếm ân cừu lục

Vì sao được gọi “nhà Kim Dung học VN” ?

Về nguyên nhân mất tiếng, ban đầu nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển vẫn nghĩ đơn giản do thời tiết. Tuy nhiên, đến tháng 10, bác sĩ tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) cho làm tất cả xét nghiệm, khám kỹ tai mũi họng, nội thần kinh, chụp MRI não bộ mới tìm ra nguyên nhân ông bị nhồi máu não, dẫn đến liệt dây thanh trái. Ông cho biết các thầy thuốc ở bệnh viện rất tử tế, ân cần và cho ông được miễn phí mọi khoản.

Dù mất giọng nói nhưng ông vẫn làm việc và viết được 3 quyển sách về âm nhạc, 8 bài báo xuân cho các báo dịp tết sắp đến.

Nói về lý do được gọi là “Nhà Kim Dung học VN”, nhạc sĩ nhớ lại: “Đó là cách gọi từ năm 1998, sau khi NXB Trẻ in bộ Kim Dung giữa đời tôi, công trình tôi nghiên cứu về tác phẩm Kim Dung. Họ gọi như vậy có lẽ bởi tôi dành quá nhiều thời gian nghiên cứu sâu, kỹ và có phương pháp. Trước tôi, Sài Gòn đã có các ông Đỗ Long Vân, Võ Long Tê, Nguyễn Mộng Giác viết một vài tác phẩm nghiên cứu về Kim Dung. Sau khi bộ sách in ra, nhiều trường đại học có mời tôi đến thuyết trình về tác phẩm Kim Dung, bắt đầu thời điểm đó”.

Từ thập niên 1960, ông đã “chớm yêu” tác phẩm Kim Dung. Ông kể: “Năm 1963, khi học đệ tam (lớp 10) tình cờ đọc được bản dịch Tuyết sơn phi hồ do nhà văn Tam Khôi dịch tôi đâm ra thích đọc Kim Dung từ đó. Năm 1965, đậu tú tài 1 xong, tôi dạy kèm để có tiền thuê sách nên đọc khá đầy đủ các bản dịch của Hàn Giang Nhạn về Kim Dung. Năm 1970, tôi tốt nghiệp đại học rồi về Bạc Liêu. Tôi mua đủ các bộ sách của Kim Dung do Hàn Giang Nhạn dịch, đọc thật kỹ và có ý định làm luận án cao học với đề tài Tư trưởng triết học Đông phương qua tác phẩm Kim Dung. Sách do hai nhà sách Thời Đại và Tân Thế Kỷ in, song có một số sai sót đáng tiếc. Ngày đó tôi phải căng đầu ra mà chỉnh sửa. Tôi viết bản thảo luận án khoảng được 500 trang giấy thì ngày 30.4.1975 đến. Bản thảo bị thất lạc, số sách cũ cũng không còn. Sau năm 1975, tác phẩm Kim Dung không được phổ biến ở Sài Gòn. Tôi phải đợi đến năm 1993 mới viết bài đầu tiên trên Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay. Sau bài ấy tôi thấy dư luận, bạn đọc khen ngợi nên an tâm viết tiếp. Năm 1988, nhà thơ Phạm Sĩ Sáu của NXB Trẻ nói muốn in hết các tác phẩm tôi viết về Kim Dung. Nhờ đó mà Kiều Phong - Khát vọng của tự do, Thiên hạ đệ nhất mỹ nhân, Thanh kiếm và cây đàn, Từ AQ đến Vi Tiểu Bảo, Nhân vật Kim Dung nhìn qua lăng kính pháp luật… được in ra. Từ năm 1999, sau khi tác phẩm Kim Dung được tái bản toàn bộ tại Trung Quốc, tôi lại được mời đi nói chuyện về Kim Dung rất nhiều nơi tại VN. NXB Trẻ đã biên tập lại 5 tập sách cũ của tôi rồi tái bản thành bộ Kim Dung toàn tập (2 lần). Các nhân vật của Kim Dung tôi đều thích cả vì mỗi người một tính cách, phản ánh cả mặt tốt và xấu của con người”.

Tâm đắc với “triết lý Kim Dung”

Được xem là “Nhà Kim Dung học VN” nhưng nhiều người thắc mắc tại sao ông chưa sang Trung Quốc diện kiến Kim Dung. Nhạc sĩ cho biết: “Lúc đó tôi rất muốn đi Trung Quốc tìm lại một số địa danh mà Kim Dung đã đề cập trong sách như Nhạn Môn quan, chùa Thiếu Lâm, thành Côn Minh, thành Lạc Dương... Thế nhưng các vé mời đã được anh em nào đó “đi giùm” rồi. Hoàn cảnh tôi lại không có điều kiện tiền bạc nên đành chịu. Sau này khi có chút điều kiện lại không có thời gian, rồi về hưu. Năm 2011 tôi có đến Quảng Đông (Trung Quốc) đi tìm lại trấn Phật Sơn nơi Hồ Phỉ (Phi hồ ngoại truyện) giải oan cho gia đình họ Chung”.

Không chỉ dành cả thanh xuân nghiên cứu về Kim Dung, nhạc sĩ là người luôn nhắc về các triết lý để đưa vào cuộc sống đời thường. Hỏi ông trong vô vàn triết lý của Kim Dung, những điều nào ông tâm đắc nhất? “Đó là: đối phó với chân tiểu nhân còn dễ hơn đối phó với ngụy quân tử; ngàn dặm làm quan chỉ vì tiền; đồng tiền mà đến tay rồi không thất thoát một tí thì không đúng đạo lý; chết làm quỷ sứ cũng phong lưu; thương đâm trước mặt dễ tránh, tên bắn sau lưng khó phòng; kiếm báu trao liệt sĩ; phấn hồng tặng giai nhân; học thuộc ba trăm bài thơ Đường của người khác mà không viết được một bài thơ riêng cho mình thì cũng không phải là nhà thơ…”, ông đúc kết.

Dạ Ly

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/nha-kim-dung-hoc-viet-nam-vu-duc-sao-bien-1019889.html