Nhà lang Mường hồi sinh

Nhà lang Mường vừa hồi sinh sau vụ cháy do khách tham quan gây ra hồi 3 năm trước.

Học sinh đi thăm quan ngay từ khi nhà lang còn đang trong quá trình phục dựng - Ảnh: Vũ Hiếu

Ông Vũ Đức Hiếu, Giám đốc Bảo tàng không gian văn hóa Mường (Hòa Bình) đã không giấu nổi niềm vui khi thông báo việc phục dựng nhà lang hoàn thành. Hồi 2013, ngôi nhà được coi là nhà lang Mường cuối cùng này đã cháy do sự bất cẩn của khách thăm. Việc quyên góp, vận động cho phục dựng đã kéo dài suốt 2 năm qua với nhiều chương trình nghệ thuật như thời trang, triển lãm ảnh, triển lãm tranh và đấu giá các tác phẩm đó. Mới nhất, việc đấu giá tranh đã thu về 400 triệu đồng. “Nếu không có cộng đồng, tôi cũng sẽ vẫn phục dựng ngôi nhà bị cháy, nhưng chắc sẽ lâu hơn nhiều. Thậm chí còn không biết bao giờ phục dựng được”, ông Hiếu chia sẻ.

Ngôi nhà lang mới được phục dựng vẫn mang những phần khung với 8 cột cũ và quá giang bị cháy xém. Những yếu tố gốc này của ngôi nhà giúp nó vẫn mang phần hồn vía vật chất của ngôi nhà cũ. KTS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích cho biết đơn vị của ông đã dùng hóa chất chuyên dụng để ổn định những phần đã bị cháy. Việc bảo tồn tuân theo đúng nguyên tắc sao cho phần cũ của ngôi nhà được tận dụng tối đa. Những bộ phận thay mới được làm bằng gỗ chai, nghiến sưu tầm từ nhà sàn của người Mường ở khu vực Thu Cúc, Phú Thọ chuyển về. Một số phần khác do một chủ xưởng gỗ ở Phú Thọ cung cấp. Các bộ phận này được chỉnh sửa và lắp dựng dựa theo mẫu của nhà Lang cũ. Thi công công trình do đội thợ làm nhà người Mường ở Tân Sơn, Phú Thọ thực hiện.

“Rất may, cách đây 3 năm chúng tôi đã số hóa nhà lang Mường. Vì thế, với tư liệu 3D việc hình dung từng chi tiết của nhà lang trong quá khứ không khó. Không gian kiến trúc cũ đã được phục dựng”, ông Hiếu cho hay.

Chỉ có điều, các hiện vật trong nhà Lang hiện không còn phong phú như trước. Bộ súng săn quý đã bị cháy, giờ chỉ còn những hiện vật gắn lắp từ những mảnh vụn. Những bộ chiêng, gùi, chăn nệm, ấm chén, nồi đồng, bát đũa… đều đã được thay mới. “Tôi đã mất hơn mười năm để sưu tập 200 hiện vật của nhà lang cũ. Giờ lại phải thêm thời gian để làm lại”, ông Hiếu chia sẻ.

Ưu tiên khách nhí

Ông Hiếu cũng cho biết sau trận cháy nhà lang do khách đốt lửa, khi phục dựng, toàn bộ các nhà trong bảo tàng đều được lắp camera. Tuy nhiên, việc quan trọng nhất vẫn là nâng cao ý thức của du khách. “Khách lớn tuổi nhiều người rất kém ý thức. Có những người lớn tuổi, còn là giảng viên đại học, thế mà vào khu vườn có bộ sưu tập cây thuốc thản nhiên khen cây này quý lắm, rồi nhổ vài cây mang về”, ông Hiếu kể.

Chính vì thế, ông Hiếu đặc biệt chú trọng các nhóm khách “nhí” là các học sinh. Với những nhóm khách nhí như vậy, việc giáo dục ý thức sẽ hiệu quả hơn. Ông Hiếu nói: “Chúng tôi thường xuyên có những buổi thăm quan, đưa các cháu đi xem rồi dạy về văn hóa Mường. Âm nhạc của người Mường ra sao. Mo Mường là như thế nào. Việc giáo dục này khiến các cháu hiểu được giá trị văn hóa của người Mường và mong giữ văn hóa đó”.

Trên thực tế, ngay từ khi nhà lang còn trong quá trình phục dựng, đã có nhiều nhóm học sinh tới thăm. Bên cạnh khu nhà lang, những khu vui chơi với trò chơi dân gian cũng rộng rãi để phục vụ nhóm khách này. “Đấy là cách nhân rộng giá trị cộng đồng hiệu quả. Các cháu yêu thích thì cha mẹ cũng sẽ quan tâm theo”, GS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng di sản đánh giá.

Trinh Nguyễn - Trinh Nguyễn

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/nha-lang-muong-hoi-sinh-657262.html