Nhà lãnh đạo của những điều đầu tiên

Nhìn lại cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, nhiều nhà nghiên cứu đã nhận thấy một điều đặc biệt là nhà lãnh đạo lỗi lạc này đã là chủ nhân của khá nhiều những điều đầu tiên, những sự khởi đầu.

Người Việt đầu tiên tham gia bảo vệ Cách mạng Tháng Mười

Chủ tịch Tôn Đức Thắng sinh ngày 20/8/1888 trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Mỹ Hòa Hưng, tỉnh Long Xuyên: Luôn mong muốn con mình trở thành một viên chức nên từ nhỏ chàng trai Tôn Đức Thắng được cha mẹ cho học chữ Nho, chữ quốc ngữ và chữ Pháp. Thông minh, được học hành đến nơi đến chốn, giàu chí khí và nhiệt huyết, không như các bạn đồng trang lứa an phận với cuộc sống làm ruộng nơi quê nhà, năm 1906-1907, ở tuổi chớm đôi mươi, chàng trai họ Tôn đã nhất mực từ chối làm chân hầu việc cho các chức sắc ở làng, quyết chí lên Sài Gòn lập thân.

Lớn lên trong bối cảnh thực dân Pháp đã mở rộng cuộc xâm lược ra toàn cõi Việt Nam và cũng là thời điểm mà phong trào yêu nước của nhân dân phát triển mạnh mẽ ở khắp 3 kỳ, nhằm chống lại cuộc xâm lược của thực dân Pháp, chàng trai Long Xuyên đã sớm hiểu rằng “phận làm trai” trong thời loạn ngoài chuyện kiếm sống còn là việc phải làm được điều gì đó “thực sự có lý tưởng”. Có lẽ vì vậy, Tôn Đức Thắng đã không chọn con đường tiến thân nào khác, mà quyết tâm biến mình thành người thợ, nguyện mãi mãi gắn bó cuộc đời với sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân - giai cấp cần lao đang sùng sục tinh thần phản kháng, chiến đấu.

Trẻ trung, đầy nhiệt huyết, người công nhân trẻ Tôn Đức Thắng sôi nổi tham gia phong trào đấu tranh của công nhân. Hàng loạt các sự kiện gây khó chịu cho nhà cầm quyền Pháp liên tiếp nổ ra thời bấy giờ như sự ra đời của Hội Ái hữu, Hội Cứu tế, Hội Dạy nghề; cuộc đình công của công nhân xưởng Ba Son, bãi khóa của Trường Bách nghệ đều mang dấu ấn của người thanh niên yêu nước Tôn Đức Thắng.

Hồ Chủ tịch và Phó Chủ tịch Tôn Đức Thắng tiếp Tổng thống Xê-cu Tu-rê, Tổng thống nước Cộng hòa Ghi-nê sang thăm nước ta .

Cũng bởi những

“dấu ấn”

này, người công nhân trẻ Tôn Đức Thắng bị thực dân Pháp lùng bắt và phải tìm cách trốn sang Pháp. Sau này, trong những dòng tự truyện, Chủ tịch Tôn Đức Thắng từng nhớ lại:

“Tôi nhớ ngày tôi rời đất nước thân yêu, cuộc bãi khóa, đình công của học sinh bách công Sài Gòn và thợ thuyền Ba Son (xưởng sửa tàu thủy Sài Gòn) thắng lợi, cũng là lúc tôi phải cải trang, đổi tên tuổi, xuống tàu Pháp để trốn truy nã. Từ đó, bắt đầu cuộc đời trên mặt biển”

.

Năm 1916, Tôn Đức Thắng bị động viên vào lực lượng hải quân Pháp, làm thợ máy trên chiến hạm France. Sống và làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, nhưng Tôn Đức Thắng vẫn tích cực tham gia cuộc vận động chính trị trong hàng ngũ thủy thủ Pháp. Năm 1919, hải quân Pháp mở cuộc tiến công vào nước Nga Xô Viết, Tôn Đức Thắng đã cùng anh em binh lính Pháp và thuộc địa làm cuộc phản chiến, không thi hành mệnh lệnh tiến công nước Nga. Chính Tôn Đức Thắng là người đã kéo lá cờ đỏ trên chiến hạm của Pháp tại Biển Đen - một hành động vô cùng dũng cảm - với sự kiện này, Tôn Đức Thắng trở thành người Việt Nam đầu tiên tham gia bảo vệ Cách mạng Tháng Mười, trở thành chiến sĩ cách mạng dân tộc và chiến sĩ cách mạng thế giới.

Sự kiện lịch sử được Bác Tôn hồi tưởng lại: “Trời đã tối, tàu sắp qua Đác-đa-nen. Không khí trên tàu càng sôi sục. Một số anh em vận động thủy thủ họp mít tinh để đấu tranh với bọn chỉ huy. Anh em bảo tôi: “Trước khi mít tinh, mày ra kéo lá cờ đỏ nhé. Kéo để cho chiến hạm Hồng quân biết chúng ta là bạn, không phải là thù”. Tôi rất thích được tự tay mình làm việc đó. Lúc đó vào quãng gần sáng, chiến hạm đã lọt vào Hắc Hải. Tiếng kèn tập hợp vừa nổi lên (cũng là tiếng kèn tập hợp thường ngày của thủy quân, nhưng lần này không phải do lệnh chỉ huy) thì ngọn cờ đỏ cũng được kéo lên trên cột cờ đô đốc. “Các bạn Nga ơi! Tàu của chúng tôi còn xa bến các bạn, các bạn còn chưa thấy ngọn cờ đỏ này. Nhưng với ngọn cờ này, giữa Hắc Hải, chúng tôi chào các bạn. Tôi mong ước với lá cờ đỏ này, chiến hạm sẽ chạy vào hải cảng các bạn, và tôi sẽ lên bộ để may ra được tham gia cách mạng và được học hỏi để về nước làm cách mạng”.

Nhưng cũng chính bởi hành động “đột phá” này, người thợ máy Việt Nam bị “chính quyền mẫu quốc” trục xuất khỏi nước Pháp.

Người sáng lập Công hội đỏ Sài Gòn

Năm 1920, Tôn Đức Thắng dời Pháp về Sài Gòn, làm thợ sửa chữa xe hơi. Chịu ảnh hưởng Cách mạng Tháng Mười Nga và học tập kinh nghiệm của công nhân Pháp, Tôn Đức Thắng đã liên hệ với công nhân một số nhà máy ở Sài Gòn, vận động thành lập Công hội. Cuối năm 1920, Công hội đã được lập ra ởSài Gòn. Đây là tổ chức Công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam. Ban Chấp hành Công hội gồm 5 người do Tôn Đức Thắng làm Hội trưởng. Đến đầu năm 1925, Công hội đã có trên 300 hội viên ởnhiều nhà máy như Ba Son, FACI, Nhà đòn Chợ Quán, Hãng rượu Bình Tây, v.v...

Công hội do Tôn Đức Thắng làm Hội trưởng đã lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh. Tiêu biểu nhất là cuộc bãi công của công nhân Ba Son (tháng 8/1925), cuộc đấu tranh có tiếng vang trong nước và quốc tế, thể hiện rõ tinh thần quốc tế vô sản của công nhân Việt Nam. Sau cuộc đấu tranh này, đầu năm 1927, những học trò của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đi tìm lực lượng để gây dựng cơ sở ở Nam kỳ đã gặp được Tôn Đức Thắng. Ngay lập tức, Tôn Đức Thắng được những người cộng sản chọn làm hạt giống đỏ để gieo mầm tư tưởng cho giai cấp công nhân. Khi Kỳ bộ Nam kỳ được thành lập, Tôn Đức Thắng được cử làm ủy viên Ban Chấp hành Kỳ bộ và trực tiếp làm Bí thư Thành bộ Sài Gòn. Đến những năm 1928-1929, phong trào công nhân ở Nam kỳ từ đấu tranh cho các mục tiêu kinh tế đến các mục tiêu chính trị đã dần trở thành một lực lượng chính trị độc lập trong phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta.

Bác Tôn Đức Thắng vui mừng trở về thăm lại miền Nam sau ngày đất nước thống nhất.

Tuy nhiên, nhận thấy sự lớn mạnh của phong trào công nhân gây nguy hại đến sự thống trị của mình, tháng 7/1929, nhà cầm quyền đã vây ráp và bắt giam Tôn Đức Thắng vào khám lớn Sài Gòn. Sau đó, thực dân Pháp kết án

“kẻ cầm đầu”

20 năm khổ sai và đày ra Côn Đảo.

Nhưng với bản lĩnh, nhiệt huyết cách mạng, dù ngay tại “địa ngục trần gian”, Tôn Đức Thắng và những người cùng chí hướng vẫn bền bỉ tiếp tục hoạt động cách mạng. Tại đây, cùng các chiến sĩ cộng sản, Tôn Đức Thắng đã tham gia thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên và là một trong những chi ủy viên đầu tiên. Gần 17 năm trong ngục tù Côn Đảo là 17 năm chiến đấu ngoan cường của người chiến sĩ cách mạng Tôn Đức Thắng.

Ngày 23/9/1945, khi tiếng súng kháng chiến vang lên ở Nam bộ, Tôn Đức Thắng từ Côn Đảo trở về và được bầu vào Xứ ủy Nam Kỳ, phụ trách Ủy ban kháng chiến, chỉ huy các lực lượng vũ trang Nam Bộ. Ngày 6/1/1946, ông được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa I. Tháng 2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đón ông ra Hà Nội. Từ đó ông luôn sát cánh bên Hồ Chủ tịch cùng chăm lo việc nước. Sau Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông là người được nhân dân cả nước trìu mến gọi là Bác. Bác Tôn và Bác Hồ là hình ảnh tiêu biểu cho đoàn kết Bắc - Nam, hình ảnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Với uy tín lớn lao trong Đảng, trong nhân dân và phẩm chất cách mạng, đạo đức trong sáng, Bác Tôn đã giữ nhiều trọng trách: đã từng làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Tổng Thanh tra Chính phủ, trong Ban Thường trực Quốc hội, Chủ tịch Mặt trận liên hiệp quốc dân Việt Nam, Chủ tịch UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước...

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Quốc hội khóa III, kỳ họp đặc biệt vào tháng 9/1969 đã nhất trí bầuTôn Đức Thắng làm Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, Quốc hội khóa VI, kỳ họp thứ nhất tháng 6/1976 đã quyết định đổi tên nước thành nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nhất trí bầu Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch nước. Người đã đảm nhiệm chức vụ này cho đến khi qua đời (1980).

Chủ tịch Tôn Đức Thắng còn là Trưởng ban đầu tiên của Ban Thi đua ái quốc Trung ương; Chủ tịch đầu tiên của Mặt trận Liên Việt và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chủ tịch đầu tiên của Hội Hữu nghị Việt – Xô; người Việt Nam đầu tiên đươc trao tặng Giải thưởng Hòa bình quốc tế và Huân chương Lênin; người Việt Nam đầu tiên được tặng Huân chương Sao vàng, Huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/thoi-su/trong-nuoc/nha-lanh-dao-cua-nhung-dieu-dau-tien-42153