Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam

Đồng chí Hoàng Đình Giong-người chiến sĩ cộng sản kiên trung, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương cội nguồn cách mạng Cao Bằng.

Cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú, sôi nổi, tấm gương hy sinh anh dũng cùng những cống hiến xuất sắc của đồng chí là niềm tự hào và động lực tinh thần to lớn cổ vũ các thế hệ người Việt Nam yêu nước nói chung, đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng nói riêng trên các chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đồng chí Hoàng Đình Giong sinh ngày 1-6-1904 tại làng Thôm Hoáng, xã Hạ Hoàng (nay thuộc phường Đề Thám, TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) trong một dòng họ giàu truyền thống khoa bảng và yêu nước. Từ khi còn nhỏ, Hoàng Đình Giong đã tỏ rõ là học sinh thông minh, học giỏi, sớm bộc lộ tư tưởng yêu nước, lòng căm thù giặc sâu sắc. Những năm 1923-1924, đồng chí tham gia nhiều hoạt động bí mật tuyên truyền tư tưởng yêu nước trong học sinh các trường tiểu học ở thị xã Cao Bằng, các huyện Hòa An và Hà Quảng. Cuối năm 1925, đầu năm 1926, đồng chí học ở Trường Bách Nghệ (Hà Nội), tích cực tham gia phong trào bãi khóa của học sinh Hà Nội, tham gia tổ chức lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh. Sau một thời gian hoạt động ở Hà Nội, đồng chí trở về Cao Bằng vận động một số thanh niên và học sinh ở châu Hòa An, thị xã Cao Bằng vào hội thanh niên yêu nước, sau đó phát triển tổ chức hội sang địa bàn Hà Quảng, Quảng Uyên và các châu khác trong tỉnh.

Mùa thu năm 1927, đồng chí ra nước ngoài hoạt động, năm 1928 được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Từ những tài liệu tuyên truyền của tổ chức hội, đặc biệt, từ khi được tham dự các lớp huấn luyện của tổ chức hội tại Long Châu (Trung Quốc), đã dẫn dắt, nâng tầm nhận thức của Hoàng Đình Giong, từ một thanh niên giàu lòng yêu nước trở thành người cộng sản. Tháng 12-1929, Hoàng Đình Giong được kết nạp vào Đông Dương cộng sản Đảng và được bầu làm Bí thư Chi bộ Hải ngoại ở Long Châu, Trung Quốc, trở thành người học trò tin cậy của Nguyễn Ái Quốc.

Là Bí thư chi bộ, đồng chí Hoàng Đình Giong được Đảng trực tiếp giao nhiệm vụ chỉ đạo việc tổ chức, gây dựng, phát triển phong trào cách mạng ở Cao Bằng và Lạng Sơn. Đồng chí trực tiếp chỉ đạo thành lập chi bộ đảng cộng sản đầu tiên của tỉnh Cao Bằng ngày 1-4-1930, tại Nặm Lìn, xã Hoàng Tung, châu Hòa An. Chi bộ Nặm Lìn ra đời đảm nhiệm chức năng như tỉnh ủy lâm thời, lãnh đạo phong trào cách mạng toàn tỉnh Cao Bằng. Đồng thời với việc xây dựng tổ chức đảng, đồng chí coi trọng chỉ đạo thành lập các tổ chức quần chúng cách mạng ở Cao Bằng, như: Công hội đỏ, Cộng sản đoàn, Nông hội đỏ; trực tiếp chỉ đạo Đảng bộ Cao Bằng xuất bản Báo Cờ đỏ để tuyên truyền cách mạng, giác ngộ quần chúng.

Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Hoàng Đình Giong, Cao Bằng trở thành một trong những cơ sở cách mạng vững chắc để chắp nối liên lạc giữa ban chỉ huy ở ngoài của Đảng với bộ phận lãnh đạo Trung ương đang hoạt động trong nước và với các cơ sở đảng trong phạm vi toàn quốc, nhất là trong quá trình tái lập hệ thống tổ chức đảng và phong trào cách mạng sau thời kỳ bị địch khủng bố trắng 1931-1932. Phong trào cách mạng Cao Bằng phát triển ngày càng mạnh mẽ, hội tụ đủ các điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để ngày 28-1-1941, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Cao Bằng vinh dự được đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Pác Bó-Cao Bằng trở thành căn cứ địa, là đại bản doanh của Chiến khu Việt Bắc, là “chiếc nôi” của cách mạng cả nước. Từ đây, Mặt trận Việt Minh được thành lập, cũng từ đây Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời.

Từ năm 1932 đến 1935, đồng chí Hoàng Đình Giong giữ vai trò "con thoi" hoạt động ở Cao Bằng, Hải Phòng, Quảng Ninh và ở nước ngoài, trực tiếp lãnh đạo, khôi phục tổ chức đảng ở các địa phương. Đồng chí đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc chắp nối các mối liên lạc với các cơ sở đảng ở Bắc Kỳ và việc khôi phục phong trào cách mạng sau thời kỳ bị địch khủng bố trắng. Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng, tại Đại hội Đảng lần thứ nhất (họp tại Ma Cao, Trung Quốc) tháng 3-1935, đồng chí là Trưởng đoàn đại biểu Xứ ủy Bắc kỳ tham dự đại hội và được bầu vào Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, trực tiếp phụ trách Xứ ủy Bắc Kỳ.

Năm 1936, đồng chí được phân công trở lại vùng Duyên hải (Hải Phòng, Quảng Ninh) để hoạt động nhằm củng cố đường dây liên lạc từ nước ngoài về nước chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng. Từ tháng 2-1936 đến tháng 10-1944, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam, cầm tù và chịu nhiều cực hình tra tấn tại các nhà tù ở Cao Bằng, Hỏa Lò (Hà Nội), Sơn La, Bắc Mê (Hà Giang) và bị đầy đi biệt xứ tận đảo Madagascar (châu Phi). Là người có kinh nghiệm đấu tranh trong nhà tù của đế quốc, đồng chí đã đề ra sách lược khôn khéo tranh thủ lực lượng đồng minh và cùng các bạn tù chính trị trở về Tổ quốc an toàn. Trở lại Cao Bằng, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng và là Trưởng ban khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Cao Bằng, đồng chí cùng Tỉnh ủy Cao Bằng lãnh đạo nhân dân nổi dậy khởi nghĩa, xóa bỏ chính quyền cũ, thành lập chính quyền nhân dân ở hầu hết các nơi trong tỉnh, đồng thời trấn áp bọn phản động và thổ phỉ; lãnh đạo lực lượng vũ trang (LLVT) phối hợp với sự nổi dậy của quần chúng đánh chiếm các nơi chiếm đóng của quân Nhật, đối phó với quân Tưởng, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, giành chính quyền cách mạng từ ngày 20 đến 22-8-1945.

Khi Nam Bộ bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, đồng chí được cử làm Chỉ huy trưởng Bộ đội Nam tiến vào Nam Bộ đánh thực dân Pháp với tên mới do Bác Hồ đặt cho là Võ Văn Đức, đồng thời Bác cũng căn dặn: "Chú cầm quân ra chiến trường văn võ đều cần, nhưng phải coi trọng cái đức của người cán bộ cách mạng". Trong thời gian đó, đồng chí được Đảng cử giữ nhiều chức vụ quan trọng: Chủ nhiệm Chính trị Bộ (Chính ủy) Quân giải phóng Nam Bộ, Khu bộ trưởng (Tư lệnh) đầu tiên Khu IX, Khu bộ trưởng (Tư lệnh) Khu VI. Đồng chí có nhiều đóng góp trong việc trực tiếp lãnh đạo khôi phục tổ chức đảng ở các địa phương; xây dựng và chỉ huy các đội quân Nam tiến; thống nhất và chỉ huy các LLVT ở Nam Bộ; tham gia chỉ huy tại Mặt trận Khu IX, Khu VI. Tại Chiến khu IX, đồng chí cùng với Liên tỉnh ủy và Bộ chỉ huy chiến khu đề ra những chủ trương đúng đắn phù hợp với đặc điểm tình hình địch-ta trên chiến trường, chỉ huy các mặt trận chiến đấu, tiêu diệt địch.

Với tầm nhìn chiến lược, đồng chí đã có những quyết định sáng suốt, giải quyết những vấn đề lớn trên chiến trường, thể hiện vai trò của một Khu bộ trưởng trong việc xây dựng, phát triển lực lượng kháng chiến, xây dựng thống nhất LLVT Nam Bộ; xây dựng căn cứ địa U Minh; giải quyết vấn đề đoàn kết dân tộc giữa đồng bào Việt với đồng bào Khmer, đoàn kết tôn giáo; đoàn kết, phối kết hợp xây dựng lực lượng ở các nước Đông Nam Á để chiến đấu chống lại thực dân Pháp. Trong một thời gian ngắn dừng chân hoạt động ở địa bàn Khu VI, đồng chí đã có nhiều đóng góp trong việc chỉ đạo xây dựng củng cố Trung đoàn 81 (Ninh Thuận), Trung đoàn 82 (Bình Thuận), chỉ đạo huấn luyện tác chiến và bồi dưỡng chiến tranh du kích cho LLVT Khu VI, giúp Đảng bộ Ninh Thuận, Bình Thuận lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành chiến tranh du kích, vận động đồng bào các dân tộc tích cực tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Năm 1947, trong một trận chiến đấu ác liệt tại Chiến khu 7 (Ninh Thuận), đồng chí Hoàng Đình Giong đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và hy sinh anh dũng, giữa lúc nhiệt huyết cách mạng đang tràn đầy. Đồng chí hy sinh khi mới 43 tuổi đời, trong đó có hơn 20 năm liên tục hoạt động, cống hiến cho Đảng, cho cách mạng.

Ghi nhận những đóng góp và cống hiến của đồng chí Hoàng Đình Giong, năm 1998, đồng chí được Đảng và Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh; năm 2009 đồng chí được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; năm 2018 đồng chí được Đảng và Nhà nước công nhận là lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Những cống hiến lớn lao và sự hy sinh cao đẹp của đồng chí Hoàng Đình Giong cùng các chiến sĩ cộng sản và của nhiều thế hệ người dân Việt Nam yêu nước đã góp phần làm cho “cây cách mạng khai hoa, kết quả”, Tổ quốc thống nhất, non sông thu về một mối, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội… Trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang đó, cùng với quân dân cả nước, nhân dân các dân tộc Cao Bằng đã đóng góp sức người, sức của, góp công dốc sức chi viện cho tiền tuyến. Đã có hơn 80.000 người con ưu tú của quê hương Cao Bằng lên đường đi chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường, trong đó nhiều đồng chí trở thành cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, quân đội. Trong các cuộc kháng chiến, Cao Bằng có hơn 8.000 người con đã anh dũng hy sinh. Với những thành tích xuất sắc trong đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh...

Trong hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, kế thừa và phát huy truyền thống của các thế hệ cha anh đi trước, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng không ngừng phát huy truyền thống cách mạng, nâng cao bản lĩnh chính trị, kiên định đường lối đổi mới của Đảng; vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng. Trong giai đoạn từ 2011 đến nay, tỉnh đã đạt được những thành tựu vượt bậc về kinh tế-xã hội; chính trị luôn ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố vững chắc; công tác xây dựng Đảng được chú trọng. Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội hằng năm đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra, năm sau cao hơn năm trước. Đến nay đã có 7/18 chỉ tiêu đạt và vượt nghị quyết đại hội, có 5 chỉ tiêu đạt hơn 70% kế hoạch, dự báo sẽ đạt và vượt mục tiêu nghị quyết đại hội đề ra vào năm 2020.

Kỷ niệm 115 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Đình Giong, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng thấy rõ hơn quá trình hoạt động cách mạng và những cống hiến, đóng góp to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; qua đó nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, tinh thần cách mạng của người cộng sản; thường xuyên trau dồi đạo đức cách mạng; phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu, không ngừng học tập, đổi mới, sáng tạo, nâng cao trình độ mọi mặt. Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải luôn bám sát thực tiễn, sâu sát cơ sở; tăng cường tuyên truyền, giáo dục truyền thống, tình yêu quê hương, đất nước, giáo dục lý tưởng cách mạng trong các tầng lớp nhân dân, nhất là với thế hệ trẻ; khơi dậy niềm tự hào về quê hương, đất nước, niềm tin yêu của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Bác Hồ và công cuộc đổi mới, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

LẠI XUÂN MÔN

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su-nhan-vat/nha-lanh-dao-tien-boi-tieu-bieu-cua-dang-va-cach-mang-viet-nam-575478