Nhà Lớn Long Sơn - Kỳ 6: Lễ hội ở Nhà Lớn

Hàng năm, vào dịp lễ hội Trùng Cửu (9/9 âm lịch) và ngày mất của ông Trần (19/2 âm lịch), người dân khắp nơi lại đến thắp hương, dâng lễ tưởng nhớ đến Ông.

Người dân Long Sơn chuẩn bị làm bánh ít đãi du khách thập phương tham quan Nhà Lớn.

Người dân Long Sơn chuẩn bị làm bánh ít đãi du khách thập phương tham quan Nhà Lớn.

Cứ mỗi năm đến ngày 19/2 âm lịch, Nhà Lớn Long Sơn lại tổ chức lễ vía để tưởng nhớ người đã khai mở ra mảnh đất này. Qua thời gian, lễ Vía Ông đã mở rộng về quy mô tổ chức và đã trở thành lễ hội văn hóa thường niên, thu hút đông đảo nhân dân các tỉnh, thành trong cả nước tham gia, đặc biệt là các tỉnh miền Tây Nam bộ.

Dì Bùi Thị Phú – hậu duệ đời thứ tư của Ông Trần cho biết, lễ Vía Ông kéo dài trong 2 ngày 19 và 20/2 âm lịch hàng năm, thu hút hàng vạn người từ các miền quê từ An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, TP. Hồ Chí Minh, Bến Tre... về đây hành hương, cúng lễ... Ngày 19 gọi là ngày lễ tiên thường, tổ chức hai lần vào buổi sáng (lúc 10 giờ) và buổi chiều (lúc 16 giờ). Nhà Lớn làm cỗ màn để đãi mọi người từ thập phương về hành lễ. Những người trong họ tộc, những người tin theo Ông Trần và từ phương xa hành hương tới cũng có những lễ vật như bánh kẹo, trái cây, tôm, cá... bày thành mâm cúng trong Nhà Lớn vào ngày này. Ngày 20, gọi là chính lễ, tổ chức trọng thể một lần vào buổi trưa (lúc 11 giờ). Mâm cỗ cúng lễ chỉ làm đồ chay. Trong hai ngày lễ này tất cả các bàn thờ trong Nhà Lớn đều thắp đèn, nhang suốt ngày đêm. Những nhóm người hành lễ nối tiếp nhau hầu như không dứt. Nghi thức hành lễ, cúng lạy cũng thực hiện như trong các buổi lễ thường nhật. “Để chuẩn bị thật tốt cho ngày lễ này, mọi việc đã được chuẩn bị chu đáo từ trước đó rất lâu. Có khoảng hơn 1.000 người tham gia phục vụ tại Nhà Lớn trong các ngày lễ để đãi khách thập phương. Trong số các lễ vật dâng kỉnh trong lễ Vía Ông, bánh quy là món mang nhiều ý nghĩa nhất. Bánh quy tượng trưng cho sự quy tụ, sự đoàn kết gắn bó mà Ông Trần đã dạy cho con cháu lúc sinh thời. Lễ Vía Ông còn là dịp để cộng đồng cư dân Long Sơn thêm gắn kết; nối hiện tại với quá khứ, nhắc nhở con cháu về ông bà, tổ tiên”, dì Phú nói thêm.

Con cháu Ông Trần lau dọn nhà cửa sạch sẽ để chuẩn bị đón khách thập phương về Nhà Lớn. Ảnh: SONG THẢO

Trong khi đó, lễ Trùng Cửu (ngày 9/9 âm lịch) ngoài ý nghĩa tưởng nhớ Ông Trần còn là dịp để cầu cho đất nước thanh bình, nhân dân no ấm, an cư lạc nghiệp, không bệnh không tật, tránh được mọi tai họa... Trong những ngày diễn ra lễ hội, các dãy nhà cổ trong khuôn viên Nhà Lớn được trang trí 500 câu liễn đỏ là những lời răn dạy làm người, châm ngôn về cuộc sống. Cũng như lễ Vía Ông, lễ Trùng Cửu thu hút hàng vạn người từ khắp các miền quê Nam bộ về đây hành lễ, cầu mong những điều an lành, tốt đẹp. Nghi thức và cúng lễ trong ngày tiên thường và chính lễ của lễ Trùng Cửu cũng trọng thể, trang nghiêm và qua các bước giống cách thức hành lễ Vía Ông.

Theo lời dì Ba Kiềm thì vào các dịp lễ, Nhà Lớn chuẩn bị hơn 2 tấn nếp để nấu xôi, chè kỉnh Ông và đãi khách thập phương. Số nếp này là của bá tánh khắp nơi gửi về. Để phục vụ du khách ăn, nghỉ, trước đó cả tháng, những người làm việc trong nhà lớn Long Sơn chuẩn bị các nguyên liệu làm bánh, đồ ăn chay, quét tước, dọn dẹp sạch sẽ cả 6 dãy phố. Còn mọi sinh hoạt của Nhà Lớn Long Sơn đều do những người thuộc dòng tộc Ông Trần và 10 vị kỳ lão điều khiển. Các vị kỳ lão này được tuyển lựa từ những người tin theo Ông Trần, là những người lớn tuổi, giàu kinh nghiệm (thường trên 60 tuổi), hiền đức, có uy tín, hiểu biết nhiều, nhiệt tình với công việc của Nhà Lớn... Số lượng các vị kỳ lão được ấn định là 10 người, chỉ được bổ sung hay thay thế khi có người quá già yếu, không còn đảm đương được công việc, hoặc qua đời. Nhiệm vụ chính của 10 vị kỳ lão là điều khiển mọi công việc trong Nhà Lớn, từ việc tu sửa, mua sắm, sắp xếp các nơi thờ cúng, đến phân công người vào phiên, hầu phiên... Cụ Vũ Văn Giót, 82 tuổi, hương chức Nhà Lớn cho biết thêm: “Những vị kỳ lão trong Nhà Lớn là những người rất được nhân dân kính trọng, mến yêu. Họ đoàn kết, bình đẳng, cùng nhau bàn bạc và tổ chức, thực hiện tốt các công việc của Nhà Lớn”.

Theo những người làm việc lâu năm ở Nhà Lớn, sinh thời, Ông Trần sống giản dị, khiêm nhường, truyền dạy cho con cháu những điều tốt đẹp về nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, sống đoàn kết, vì cộng đồng. Tinh thần cộng đồng đó được con cháu đời sau tiếp nối, gìn giữ.

Bài, ảnh: SONG THẢO

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/201911/nha-lon-long-son-ky-6-le-hoi-o-nha-lon-880680/