Nhà lưu niệm các nghệ sĩ: Chỉ là nỗ lực của các cá nhân

Mới đây, câu chuyện ngôi mộ của nhà văn Vũ Trọng Phụng bị di dời và nhà lưu niệm có nguy cơ bị thay tên đổi chủ lại một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về câu chuyện bảo tồn và gìn giữ nhà lưu niệm của các nghệ sĩ. Đó là những di sản cần được bảo vệ và gìn giữ bởi nhà nước chứ không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của từng gia đình.

Cần trân trọng các "báu vật" văn hóa

Nhà lưu niệm Vũ Trọng Phụng khánh thành ngày 13-10-1995. Đây cũng là dịp tên ông được đặt cho một con đường tại Hà Nội - theo quyết định tại kỳ họp lần thứ 4 của HĐND TP Hà Nội khóa XI.

Từ đó, nó trở thành một địa chỉ văn hóa, điểm tham quan của bất kỳ ai yêu văn hóa nước nhà muốn tìm hiểu thêm về "ông vua phóng sự đất Bắc" nửa đầu thế kỷ XX. Tại đó còn lưu giữ nhiều kỷ vật của ông.

Trong khuôn viên nhà lưu niệm có ngôi mộ của Vũ Trọng Phụng nằm dưới gốc cây muỗm rợp mát, lúc bấy giờ, con gái nhà văn cho biết, bạn đọc Thư viện Hà Nội vì ái mộ ông đã góp tiền dựng bia mộ ông cho khang trang hơn. Nay ngôi mộ đã di dời ra nghĩa trang Quán Dền và ngôi nhà do cháu ngoại của nhà văn cùng gia đình sinh sống.

Phần mộ của nhà văn Vũ Trọng Phụng di dời ra nghĩa trang Quán Dền.

Phần mộ của nhà văn Vũ Trọng Phụng di dời ra nghĩa trang Quán Dền.

Bên ngoài cổng ngôi nhà gắn biển tên một công ty và cửa đóng then cài. Dù không thay tên đổi chủ và mọi kỷ vật của nhà văn, theo khẳng định của cháu ngoại vẫn giữ nguyên trong khu tưởng niệm, nhưng ngôi nhà cửa đóng then cài cả ngày sẽ trở thành một khu lưu niệm “chết” và bạn đọc yêu mến nhà văn Vũ Trọng Phụng khó có cơ hội tham quan, tìm hiểu.

Chúng ta đang đánh mất cơ hội

Không chỉ nhà lưu niệm của nhà văn Vũ Trọng Phụng mà còn nhiều nhà lưu niệm của các nghệ sĩ hiện nay có tồn tại, có hoạt động hay không đều phụ thuộc vào nỗ lực của từng gia đình, các thế hệ hậu duệ của các nghệ sĩ. Còn nhớ, khi nhà văn Kim Lân mất và ngôi nhà ở phố Hạ Hồi, nơi ông sinh sống đã bị bán đi khiến nhiều người nuối tiếc.

Vì ngôi nhà đó gắn với nhiều kỷ niệm văn nghệ của nhà văn Kim Lân và bạn bè cùng thời với ông. Sau nhiều năm trăn trở, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, con gái nhà văn Kim Lân đã mua ngôi nhà mới ở Trần Khát Chân và làm nhà lưu niệm cho nhà văn Kim Lân ở đó.

Nhưng, ngôi nhà chỉ có đồ vật mà thiếu đi phần hồn của một khu lưu niệm. Sau những nỗ lực và theo di nguyện của nhà văn Kim Lân khi ông còn sống, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền và các con đã đưa cụ Kim Lân về quê, xây dựng một ngôi nhà lưu niệm ngay tại làng của nhà văn Kim Lân. Và bây giờ, không gian đó trở thành một địa chỉ văn hóa của làng khi mọi người đến thăm.

Nhà lưu niệm nhà văn Kim Lân ở làng Phù Lưu - Từ Sơn - Bắc Ninh.

Tuy nhiên, khu lưu niệm của nhà văn Kim Lân cũng chưa được đầu tư phong phú và nhiều tính kết nối như khu lưu niệm của nhà văn Nam Cao. Để khu lưu niệm không chỉ là không gian chết mang tính thờ tự, khu lưu niệm của nhà văn Nam Cao còn có "Vườn hiện thực Nam Cao". Ngoài ra, một mô hình du lịch kết hợp với văn học đầu tiên tại Việt Nam được triển khai, đó là tour du lịch "Làng Vũ Đại ngày ấy".

Ý tưởng độc đáo này do Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch đề xuất. Sau lần thử nghiệm đầu tiên tại xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam đã được du khách đón nhận tích cực. Họ không chỉ háo hức trải nghiệm không gian quá khứ với các nhân vật Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến mà còn rất thú vị khi được khám phá, thưởng thức các đặc sản ẩm thực của làng Vũ Đại như cá kho, chuối ngự…

Tuy nhiên, không phải nhà văn, nghệ sĩ lớn nào cũng được quan tâm như vậy. Mới đây, câu chuyện về di sản tranh và ngôi nhà lưu niệm của họa sĩ Trần Văn Cẩn đang được mọi người quan tâm.

Theo họa sĩ Trần Huy Oánh, điều quý giá là toàn bộ di sản tranh của một trong “tứ trụ” của hội họa Việt Nam đều được giữ trọn vẹn trong nước. Đây là điều đáng quý trong bối cảnh “chảy máu tranh” của Việt Nam.

Họa sĩ Trần Văn Cẩn mất, ông di chúc toàn bộ di sản tranh cho người vợ là nhà điêu khắc Trần Thị Hồng. Mấy năm trước, bà Hồng trăn trở xây nhà lưu niệm cho họa sĩ, nhưng cho đến khi bà mất năm ngoái, ngôi nhà vẫn chưa hoàn thành và những dự định với di sản tranh của họa sĩ Trần Văn Cẩn vẫn còn dang dở. Bà chưa viết lại di chúc và ủy quyền cho bất kỳ ai.

Hiện nay, di sản tranh của họa sĩ Trần Văn Cẩn đang nằm trong tay một nhà sưu tập (sau khi người nhà bà Hồng bán đi) và nhiều người lo ngại, không biết trong tương lai chúng ta có còn được thưởng thức tranh của ông ngay tại quê nhà như di nguyện của ông khi còn sống. Và cũng không biết đến khi nào, chúng ta mới có một ngôi nhà lưu niệm của người họa sĩ tài danh này.

Cho đến hiện nay, tất cả những câu chuyện về nhà lưu niệm của các danh họa, các nhà văn, những người có đóng góp lớp trong đời sống văn hóa, văn nghệ của nước ta đều ở trong tình trạng thả nổi như vậy. Nó không hẳn phụ thuộc vào tầm vóc tài năng của từng nhà văn, nghệ sĩ mà phụ thuộc vào tấm lòng, tài chính của gia đình con cháu.

Các hiện vật trưng bày trong nhà lưu niệm nhà văn Kim Lân.

Nhưng nghĩ cho cùng, sự đóng góp của các nhà văn hàng tầm cỡ như Vũ Trọng Phụng, họa sĩ Trần Văn Cẩn và nhiều nghệ sĩ lớn khác, nhà lưu niệm của họ nếu có càng làm cho Hà Nội thêm sáng giá.

Nó cũng chính là những di sản đô thị, góp phần làm giàu có về văn hóa cho một vùng đất ngàn năm văn hiến. Và đó, nếu xây dựng và làm tốt sẽ trở thành những địa chỉ văn hóa thu hút khách phương xa, thậm chí là khách quốc tế mỗi khi đến Việt Nam.

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Huy, khi ông thành lập Trung tâm Di sản của các nhà khoa học lưu giữ lại những tài liệu, kỷ vật của các nhà khoa học vì không phải gia đình nào cũng có khả năng và biết giá trị của những kỷ vật, tài liệu để lưu giữ.

Chính ông chứng kiến, nhiều tư liệu, kỷ vật của các nhà khoa học đã đi ra đồng nát. Đó chính là sự đứt gãy về văn hóa, nếu chúng ta không biết trân quý những giá trị của quá khứ.

Và rõ ràng, sự đứt gãy đó đang hiện hữu trong đời sống khi chúng ta không biết trân quý những giá trị của quá khứ. Bản thân những nhà lưu niệm như nhà lưu niệm nhà văn Vũ Trọng Phụng, nhà văn Nguyễn Tuân, nhà văn Nam Cao, họa sĩ Bùi Xuân Phái… chưa được xếp hạng di tích, cũng không được coi là di sản.

Nó chỉ là nỗ lực của từng gia đình. Nếu gia đình làm tốt thì có thể như họa sĩ Bùi Xuân Phái, còn có một giải thưởng “Bùi Xuân Phái - vì tình yêu Hà Nội” lưu danh cho đời. Còn không, mọi kỷ vật, tranh, sách, di cảo, những thứ thuộc về di sản của họ sẽ trôi nổi. Lo lắng của công chúng yêu hội họa về di sản tranh và nhà lưu niệm của họa sĩ Trần Văn Cẩn không chỉ là nỗi lo cá biệt nữa.

Nhiều người đi sang nước Nga chỉ muốn đến xem nơi Lev Tonstoi đã sống như thế nào, hay họ vượt qua một hành trình dài để đến vùng đất Arles- miền Nam nước Pháp để thăm nơi họa sĩ Van Gogh sống những năm cuối đời…

Những ngôi nhà, kỷ vật của các nhà văn, họa sĩ lớn đã trở thành di sản của nhân loại và được gìn giữ cẩn thận. Còn ở ta, việc ứng xử với những giá trị tinh thần đó còn thờ ơ, nếu không là vô trách nhiệm.

Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cho rằng: “Các nhà lưu niệm của các nhà văn, họa sĩ lớn cần được ứng xử như một di sản, nên cho nó vào danh sách di sản để có kế hoạch bảo vệ và gìn giữ. Nếu cứ đà này, chúng ta chẳng còn gì để lại cho con cháu, Và những ngôi nhà, những khu tưởng niệm, kỷ vật của họ làm nên phần hồn cốt của một đô thị, một đất nước.

Vì thế, rất cần một cơ chế bảo vệ và bảo tồn để những di sản đó có thể còn mãi với thời gian, và các thế hệ có cơ hội tiếp cận. Việt Nam chúng ta có quá nhiều câu chuyện để kể, nhưng chúng ta không biết cách khai thác nó để làm du lịch. Đó là một hạn chế”.

Phương Thúy

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/nha-luu-niem-cac-nghe-si-chi-la-no-luc-cua-cac-ca-nhan-569897/