Nhà mặt phố Hà Nội sẽ "mặc đồng phục" màu gì?

- “Đối với màu sắc sơn vôi các công trình trên tuyến phố chỉnh trang, các đơn vị chủ động quyết định theo nguyên tắc sử dụng các tông màu nhẹ nhàng như be vàng nhạt, xanh nhạt, hài hòa với môi trường thiên nhiên” – ý kiến cơ quan chức năng của Hà Nội khi thông báo việc sơn nhà mặt phố Thủ đô đón Đại lễ nghìn năm.

Những người có trách nhiệm với “Đề án Chỉnh trang các tuyến phố trên địa bàn Thành phố Hà Nội” nhấn mạnh: Không sử dụng màu chói lòa hoặc sẫm tối. Đồng thời, các công trình lớn có ý nghĩa lịch sử, ở vị trí trung tâm hoặc tại các tuyến phố quanh hồ Hoàn Kiếm trước khi sơn vôi “ngoại thất” cần tham khảo ý kiến tư vấn, hướng dẫn của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội. Được biết, từ đầu tháng 1/2010, sau khi “Đề án Chỉnh trang mặt nhà, mặt phố” được phê duyệt, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã chỉ đạo Sở QH-KT khẩn trương nghiên cứu, đề xuất về màu sơn tường, cửa các ngôi nhà, trụ sở cơ quan, đơn vị mặt phố tại các tuyến chính, trung tâm… đồng thời hướng dẫn UBND các quận thực hiện. Cùng thời gian này, song song với chiến dịch bóc, xóa quảng cáo rao vặt trên địa bàn Thủ đô, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chỉ đạo Sở Xây dựng và Ban Quản lý dự án chỉnh trang đô thị phối hợp các địa phương, đơn vị và gia đình tổ chức quét vôi, sơn cửa trụ sở cơ quan, trường học và nhà ở… “Về màu sơn theo quy định của Dự án và hướng dẫn của Sở QH-KT, trường hợp nếu chưa có chỉ dẫn về màu sơn tại khu vực thì tiến hành chỉnh trang sơn mới đảm bảo mỹ quan đô thị” – ông Thảo lưu ý. Tiền để làm việc này được Chủ tịch Thành phố quyết định lấy nguồn kinh phí thực hiện của Ban Quản lý dự án chỉnh trang đô thị và ngân sách Thành phố cấp cho các quận, huyện, thị xã; ngân sách quận, huyện, thị xã cấp cho xã, phường, thị trấn và nguồn kinh phí tự cân đối của các đơn vị. Các cơ quan, trụ sở làm việc của các đơn vị Trung ương hoặc đơn vị khác thì chỉnh trang bằng nguồn ngân sách của đơn vị đó. Tuy nhiên, ngay khi thông tin về việc nhất loạt nhà mặt đường tại 75 tuyến phố sẽ được sơn mới theo một Đề án có tổng tiền lên tới 50 tỷ đồng, nhiều độc giả của Bee đã phản hồi với phần lớn ý kiến cho rằng đây là một “cuộc đại lãng phí”. Độc giả Nguyên Phùng (Hà Nội) nhận xét: "Tiền đóng thuế của dân đây rồi, thật lãng phí, chẳng khác gì dạo chuẩn bị tổ chức SEA Games 22, cũng chi ra một đống tiền mà phố xá vẫn cứ lem nha lem nhem. Công nhân đến sơn, quét vôi cho các nhà dân mặt đường mà không chi thêm ít tiền "xã hội hóa" - bồi dưỡng thì trông tường nhà mình cứ như vừa được mấy ông xóa khoan cắt bê tông. Bao giờ thì lãnh đạo biết xót tiền thuế của dân nhỉ?". Bạn Lê Hường (Thanh Xuân, Hà Nội) khẳng định: "Đề án này không thực tế, 50 tỷ đồng bỏ ra cho việc quét vôi phố phường nhưng chỉ chỉnh trang được cái mặt. Còn thực chất bên trong chẳng thay đổi được gì, số tiền đó bỏ ra không đáng". Độc giả này hoài nghi: "Việc sơn sửa lại có thực sự làm cho phố phường đẹp hơn không, trong khi nhà cửa chưa được quy hoạch, việc sơn sửa lại chỉ làm nổi bật hơn sự lôm côm, không đồng nhất của những ngôi nhà mặt phố. Mà ở Việt Nam, những việc đã làm đồng loạt, ra quân đồng loạt kiểu này không mấy ai tin tưởng về chất lượng của chúng, chỉ là hình thức, lấy cái danh là chính, sau đấy mấy ngày, tất cả lại trở lại như cũ. Sự kiện chào mừng 1000 năm Thăng Long là khẳng định dấu mốc phát triển của một thủ đô có bề dày lịch sử, có truyền thống văn hóa, chẳng lẽ lại đem chi cả đống tiền vào một việc việc hời hợt như thế" Độc giả Nguyễn Văn Bảo (Rạch Giá, Kiên Giang) gay gắt: "Nhà nước ta đang kêu tiết kiệm, chống lãng phí vậy mà vị phó chủ tịch của một thành phố có bề dày "văn minh" như Hà Nội lại thực hiện một hành vi bằng cách ném 50 tỷ đồng vào một sự kiện "văn hóa" của thành phố gây nhiều lãng phí tiền của của người dân". Thú vị hơn, khi người dân Thủ đô hầu như còn chưa hay biết ý định chính quyền chủ trương sơn lại nhà mặt phố Hà Nội, từ tháng 12/2009, có thông tin một doanh nghiệp (Cty CP Tập đoàn ATA) đã trình UBND TP xin được tài trợ vật tư sơn nước và tham gia thực hiện chỉnh trang sơn vôi, sơn tường, sơn cửa quỹ nhà mặt phố trên các tuyến phố phục vụ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Ngay sau đó, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi đã giao ngay Sở Xây dựng phối hợp các ngành liên quan xem xét đề nghị của Cty CP Tập đoàn ATA kể trên. Việc các nhà mặt tiền Hà Nội được “tốt nước sơn” đón ngày lễ lớn nếu làm được đồng loạt rõ ràng sẽ “khoác chiếc áo mới” lên nhiều đường phố Thủ đô. Song, “áo mới” dù màu gì cũng chưa đủ làm nên sự văn minh, thanh lịch của thành phố và chưa hẳn phản ánh chất lượng cuộc sống thực của người dân đô thị, nhất là khi còn quá nhiều vấn đề “dân sinh bức xúc” cần tiền, vốn để giải quyết trong khi ngân sách nói chung chưa phải đã thừa… Quỳnh Mi

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/1983/201003/Nha-mat-pho-Ha-Noi-se-mac-dong-phuc-mau-gi-1746548/