Nhà máy đường An Khê chủ động phòng ngừa tai nạn lao động

Việc đánh giá nguy cơ tai nạn lao động (TNLĐ) không chỉ giúp doanh nghiệp nhận diện, chủ động đề ra giải pháp phòng ngừa hiệu quả mà còn để người lao động (NLĐ) tự giác tuân thủ quy trình, quy định lao động an toàn.

Những năm qua, Nhà máy Đường An Khê đã chú trọng đầu tư bổ sung nhiều hạng mục, trang-thiết bị, dây chuyền sản xuất, nâng công suất ép đạt 18.000 tấn mía/ngày. Từ năm 2020 đến nay, Nhà máy đã phát triển vùng nguyên liệu mía từ 17.500 ha lên gần 30.000 ha trên địa bàn 4 huyện, thị xã phía Đông tỉnh.

Để đảm bảo an toàn trong sản xuất cho hơn 1.000 cán bộ, công nhân, NLĐ, hàng năm, ngoài huấn luyện chương trình an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), từng tổ, đội sản xuất của Nhà máy còn được huấn luyện về cứu hộ và sơ cấp cứu, thao tác sản xuất an toàn, phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ cứu nạn cũng như đầu tư, cấp đầy đủ phương tiện, thiết bị bảo hộ lao động.

Công nhân Nhà máy Đường An Khê vận hành hệ thống nồi hơi. Ảnh: Đ.Y

Ông Nguyễn Đình Hà-Chủ tịch Công đoàn cơ sở Nhà máy Đường An Khê-cho hay: Nhà máy luôn chú trọng phát huy sáng kiến, sáng tạo, cải tiến kỹ thuật để cải thiện điều kiện lao động và ngăn ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp. Qua đó, nhiều sáng kiến có giá trị của NLĐ được đơn vị áp dụng trong các lĩnh vực như cơ khí, vận hành nồi hơi, vệ sinh môi trường, thoát nước, điện chiếu sáng...

Bên cạnh tổ chức khám sức khỏe định kỳ, Nhà máy còn phối hợp tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho từng vị trí công việc đặc thù. Đồng thời, đơn vị chủ động điều tiết nhân sự cho từng vị trí công việc phù hợp với sức khỏe của NLĐ.

Là người gắn bó với Nhà máy từ ngày đầu thành lập, ông Võ Văn Trưởng-Công nhân vận hành hệ thống dây chuyền sản xuất-cho hay: “16 năm làm việc ở bộ phận này, tôi thường xuyên chú ý và phát hiện nhiều lỗi, khiếm khuyết của hệ thống trong quá trình vận hành. Với những lỗi nhỏ trong khả năng tôi tự mình sửa chữa. Một số lỗi nặng thì tôi báo với người quản lý dừng thiết bị tạm thời để kiểm tra. Được lãnh đạo Nhà máy quan tâm kịp thời nên tất cả những khiếm khuyết của thiết bị đều được khắc phục ngay nên chưa xảy ra những sự cố đáng tiếc nào về người và thiết bị”.

Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển điện Sê San 3A cũng là một trong những đơn vị luôn chú trọng huấn luyện, tuyên truyền về công tác ATVSLĐ. Các yếu tố nguy cơ gây hại đến sức khỏe, tính mạng của NLĐ trong quá trình sản xuất, kinh doanh đều được đơn vị nhận diện và có biện pháp phòng tránh kịp thời, hiệu quả.

Ông Đinh Văn Nhẫn-Giám đốc Công ty-cho biết: Trong quá trình lao động, sản xuất, chẳng hạn như để tránh nhiễm điện từ trường, NLĐ phải tuân thủ các quy định về cài đặt công tơ và không làm việc thường xuyên, liên tục trong môi trường tiếp xúc điện từ trường; để ứng phó nguy cơ bị ngã, NLĐ phải đeo dây an toàn, sử dụng xe gàu; để tránh bị điện giật, phóng điện thì thực hiện đủ, đúng biện pháp an toàn điện...

Đặc biệt, thời gian gần đây, Công ty còn áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý an toàn, bảo đảm kiểm tra, kiểm soát hiệu quả. Đồng thời, triển khai nhiều giải pháp, áp dụng những cải tiến hợp lý hóa hệ thống dây chuyền sản xuất, góp phần cải thiện môi trường lao động, đảm bảo an toàn trong sản xuất.

Công nhân Khu Công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku) được tuyên truyền về phòng ngừa vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Ảnh: Đinh Yến

Năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 49 vụ TNLĐ, làm 20 người chết, 33 người bị thương; tăng 28 vụ so với năm 2022. Ông Trần Thanh Hải-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho hay: Nguyên nhân phổ biến dẫn đến các vụ TNLĐ là do NLĐ không được huấn luyện, hoặc huấn luyện không đầy đủ các kiến thức, kỹ năng ATVSLĐ.

Cùng với đó, công tác huấn luyện ATVSLĐ ở nhiều đơn vị mới chỉ cung cấp các lý thuyết, chưa chú trọng vào huấn luyện thực hành, các kỹ năng tự đánh giá rủi ro, kỹ năng làm việc an toàn cho NLĐ.

Để tháo gỡ những tồn tại, hạn chế trên, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh và các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp kiểm soát, ngăn ngừa tiến tới hạn chế TNLĐ, bệnh nghề nghiệp.

Liên quan vấn đề này, bà Rơ Lan Nga-Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh-cho hay: Triển khai Tháng ATVSLĐ năm nay với chủ đề “Tăng cường đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”, chúng tôi phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội có văn bản đề nghị các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh quan tâm xây dựng kế hoạch và đầu tư kinh phí cho công tác ATVSLĐ, tổ chức huấn luyện, thực hiện các chế độ bảo hộ lao động. Yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp, nhà máy quan tâm quản lý, kiểm định quy trình các loại máy móc, thiết bị, vật tư, các hóa chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ.

Còn Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Trần Thanh Hải thông tin thêm: “Để làm tốt công tác quản lý về ATVSLĐ, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp tổ chức các lớp huấn luyện cho người sử dụng lao động, người làm công tác ATVSLĐ.

Đồng thời, Sở phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ, đặc biệt chú trọng kiểm tra tại các cơ sở có ngành nghề nguy cơ cao dễ xảy ra TNLĐ. Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý và kiến nghị các doanh nghiệp về giải pháp khắc phục tồn tại”.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/nha-may-duong-an-khe-chu-dong-phong-ngua-tai-nan-lao-dong-post276705.html