Nhà máy lọc dầu lớn thứ hai của Mỹ xin phép nhập khẩu dầu của Venezuela

Valero Energy Corp, nhà máy lọc dầu lớn thứ hai của Mỹ, đang xin cấp phép từ Washington cho việc nhập khẩu dầu thô từ Venezuela, với hy vọng sẽ được cấp phép như trường hợp của Chevron Corp vào tháng 11 năm ngoái, sau lệnh cấm kéo dài 4 năm.

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã nới lỏng một số biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với quốc gia thành viên OPEC này, nhằm khuyến khích Caracas đối thoại chính trị với phe đối lập. Các công ty năng lượng của Mỹ, châu Âu và châu Á đã gây áp lực, nhưng phía Washington vẫn cố gắng không thực hiện các bước quan trọng mới vào lúc này.

Dầu của Venezuela bắt đầu chảy trở lại Mỹ vào tháng 1 năm nay, nhờ vào giấy phép mà Bộ Tài chính cấp cho Chevron, cho phép tập đoàn này tăng sản lượng trong nước cũng như xuất khẩu dầu. Các nhà máy lọc dầu như Valero và Phillips 66 đã mua hàng hóa từ Chevron, theo dữ liệu từ Hải quan Hoa Kỳ và các công ty vận chuyển.

Tổng thống Colombia, Gustavo Petro, trong tuần này đã thông báo rằng, Mỹ đã đồng ý tham gia một hội nghị quốc tế về nền dân chủ Venezuela sẽ được tổ chức tại Bogota.

Miễn trừ cho Chevron

Valero đang yêu cầu Bộ Tài chính Mỹ miễn trừ trừng phạt như từng làm đối với Chevron, điều này sẽ cho phép họ mua dầu thô trực tiếp từ công ty dầu mỏ nhà nước PDVSA của Venezuela, một trong những nguồn tin tại Washington cho biết.

Các chi tiết khác về yêu cầu của Valero hiện không được tiết lộ. Nguồn tin cho biết thêm, dường như không có quyết định nào sắp được đưa ra, cho thấy Mỹ, hiện tại, không muốn bị coi là tiếp tục nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Venezuela, cho đến khi Tổng thống Nicolas Maduro có động thái nhượng bộ về mặt chính trị đối với phe đối lập Venezuela.

Trước khi các lệnh trừng phạt dầu mỏ được áp dụng đối với PDVSA vào năm 2019, Valero từng là một trong ba tập đoàn lớn của Mỹ, nhận dầu thô từ quốc gia Nam Mỹ này thông qua các hợp đồng cung cấp vô thời hạn.

Valero và PDVSA đã từ chối đưa ra bình luận. Không rõ Valero đã dựa trên cơ sở nào để xin cấp phép cho việc nhập khẩu. Bộ Tài chính Mỹ cũng từ chối bình luận về vấn đề này.

Mỹ đã cấm tất cả các khoản thanh toán bằng tiền mặt cho chính quyền Venezuela như một phần của việc nới lỏng lệnh trừng phạt. Giấy phép của Chevron và phê chuẩn cho các công ty châu Âu Eni và Repsol - chỉ cho phép hoán đổi dầu hoặc nợ.

Không có giấy phép mới

Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ đã đề cập đến việc cấp phép cho Chevron hồi tháng 11 năm ngoái: “Mỹ đã đồng ý giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt để hỗ trợ các nỗ lực khôi phục nền dân chủ và cải thiện đời sống người dân Venezuela”.

Phát ngôn viên nói thêm: “Chúng tôi không có giấy phép mới để công bố hoặc dự kiến đề ra giấy phép mới”.

Theo các mốc thời gian của PDVSA và dữ liệu từ Refinitiv Eikon, việc Chevron nối lại nhập khẩu dầu thô của Venezuela đã không dẫn đến sự gia tăng xuất khẩu chung của nước này trong năm nay. Công ty dầu mỏ lớn thứ hai của Mỹ đã nhập khẩu khoảng 86.000 thùng dầu Venezuela mỗi ngày trong tháng 2/2023.

Vào tháng 1/2023, ông chủ mới của PDVSA, Pedro Tellechea, đã đình chỉ hầu hết các hợp đồng cung cấp dầu để xem xét các khoản thanh toán cho các đợt giao hàng trước đây. Việc đình chỉ gần đây đã dẫn đến việc xuất khẩu của Venezuela gần như bị đình trệ, hiện chỉ còn bốn khách hàng - Chevron, Iran, Cuba và Hangzhou Energy.

Cuộc điều tra về các khoản thanh toán đã khiến bộ trưởng dầu mỏ Tareck El Aissami từ chức và nhiều quan chức cấp cao của PDVSA bị bắt giữ.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nha-may-loc-dau-lon-thu-hai-cua-my-xin-phep-nhap-khau-dau-cua-venezuela-681797.html