Nhà mới đón Xuân mới

Chương trình xóa nhà ở tạm, nhà dột nát của tỉnh Quảng Ninh trong năm vừa qua đã giúp các gia đình khó khăn thêm động lực để 'an cư', cùng nỗ lực cho một năm mới no ấm hơn.

Tết nơi thôn bản ở huyện vùng cao biên giới Bình Liêu (Quảng Ninh) không chỉ thắm sắc hoa đào, hoa mận mà còn tươi màu sơn của những ngôi nhà mới, rộn rã niềm vui sum vầy. Chương trình xóa nhà ở tạm, nhà dột nát của tỉnh Quảng Ninh trong năm vừa qua đã giúp các gia đình khó khăn thêm động lực để “an cư”, cùng nỗ lực cho một năm mới no ấm hơn.

Vẫn tất bật như mọi năm, nào sửa soạn dán giấy đỏ lên ban thờ và cửa nhà theo truyền thống của người Tày, nào sắm sửa gạo, thịt gói bánh chưng,... nhưng năm nay, không khí trong gia đình ông Hoàng Ngọc Bảo (thôn Pắc Pò, xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu, Quảng Ninh) rộn ràng hơn hẳn.

Đã gần 20 năm cùng con cháu đón Tết trong ngôi nhà cũ xây bằng gạch nâu, đây là mùa xuân đầu tiên người cựu binh ở tuổi “thất thập” có căn nhà khang trang hơn 70m2 “to đẹp nhất thôn”, đủ cả phòng khách, phòng ngủ, bếp và công trình phụ.

Với sự hỗ trợ từ "Chương trình xóa nhà ở tạm, nhà dột nát" của tỉnh, ông Vy Đạt Phú (khu Nà Kẻ, thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu, Quảng Ninh) xây ngôi nhà mới khang trang ngay cạnh ngôi nhà cũ thường xuyên dột nát

Ông Bảo xúc động kể: “Tháng 5 âm lịch khởi công, tháng 10 âm lịch hoàn thành lên ở nhà mới. Nhà tôi được sự giúp đỡ tận tình của chính quyền địa phương, được tổ HĐND tỉnh hỗ trợ nên có thêm kinh phí phần nào xây được nhà mới này”.

Gia đình ông Hoàng Ngọc Bảo cùng 19 hộ gia đình tại huyện Bình Liêu năm nay đều chung niềm vui đón Tết trong những ngôi nhà mới. Đây là những hộ có hoàn cảnh khó khăn, người cao tuổi, người khuyết tật, người neo đơn, đối tượng chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội thiếu hụt về nhà ở.

Từ tháng 6/2023, tỉnh Quảng Ninh đã phát động chương trình xóa hơn 440 nhà ở tạm, nhà dột nát trên địa bàn, “nâng cao chất lượng đời sống nhân dân”, góp phần hoàn thiện tiêu chí nhà ở dân cư trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là ở những xã miền núi, hải đảo còn nhiều khó khăn.

Rất nhanh chóng, những cuộc phát động đã trở thành một phong trào rộng khắp. Với sự vào cuộc đồng loạt của cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các cấp, mỗi người dân, mỗi đơn vị, nhà hảo tâm đều cùng chung tay đóng góp.

20 hộ dân tại Bình Liêu được hỗ trợ kinh phí và sự quan tâm, đôn đốc để hoàn thành nhà mới đảm bảo chất lượng.

Đặc biệt, với những hộ khó khăn tại vùng đồng bào DTTS, vùng cao biên giới như Bình Liêu, động lực không chỉ nằm ở giá trị vật chất 80 triệu đồng/nhà xây mới và 40 triệu đồng/nhà cải tạo sửa chữa, mà còn là sự giúp đỡ, động viên từ ngày khởi công tới ngày khánh thành.

Nhớ lại những ngày “cứ mưa là dột” ở ngôi nhà cũ, ông Vy Đạt Phú (khu Nà Kẻ, thị trấn Bình Liêu) bồi hồi kể: “Ở được hơn 30 năm nhưng giờ nhà cũ mối mọt xuống cấp rồi. Nếu không có hỗ trợ chắc cũng còn lâu lắm. Đây là động lực để mình vay vốn mà làm nhà. Lúc đầu, tôi chỉ định làm nhà cấp 4 lợp ngói, nhưng được động viên, được hỗ trợ thì phải cố gắng, nhờ anh em giúp là nhiều”.

Linh hoạt trong huy động các nguồn lực xã hội, Ban Chỉ đạo chương trình, nhất là ở cơ sở đã tiếp thêm động lực để nhiều gia đình vận động thêm nguồn trợ giúp từ người thân, xây dựng được những căn nhà mới có giá trị cao gấp nhiều lần kinh phí hỗ trợ ban đầu.

Đến tháng 10 vừa qua, tất cả các gia đình đều đã khánh thành và chuyển vào ngôi nhà mới.

Cấp huyện, cấp xã đôn đốc, giám sát từng công trình, đoàn thể huy động các lực lượng tranh thủ thứ Bảy, Chủ nhật hỗ trợ ngày công, cùng bà con làng xóm xắn tay giúp đỡ các gia đình neo người, thiếu thốn… Kết quả, toàn huyện Bình Liêu đã hoàn thành 18 căn nhà mới, 2 căn nhà cải tạo, sửa chữa, đảm bảo chất lượng, kỹ thuật. Ngày về nhà mới, nhiều đơn vị, nhà hảo tâm lại tặng thêm tivi, cái quạt, cái bếp... bà con thôn bản tấp nập đến chung vui, ai ai cũng mừng cho gia chủ.

Ông Chu Tiến Sàu, Trưởng Ban công tác mặt trận khu Nà Kẻ, thị trấn Bình Liêu chia sẻ: “Năm rồi cả thị trấn xây 5 nhà, nhân dân trong khu đều ủng hộ, cả tinh thần lẫn vật chất, nhà khó khăn cũng ủng hộ. Đó là phong trào từ trước đến nay. Bà con rất nhiệt tình đoàn kết, cần công thì bà con cũng tham gia để giúp nhau vượt qua khó khăn”.

Xóa nhà tạm, mong muốn “xóa luôn cả cái nghèo”, những cán bộ thôn bản như ông Sàu trăn trở, vẫn còn những gia đình khó khăn, có hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chí mới của tỉnh, vẫn còn những căn nhà “mái chưa đủ chắc, tường chưa đủ cứng”.

Ông Hoàng Xuân Tân, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ huyện Bình Liêu cho biết, từ kết quả của các phong trào đại đoàn kết năm 2023, đơn vị sẽ là đầu mối tiếp tục rà soát, kịp thời hỗ trợ cho các hộ dân trên địa bàn.

Tết này đối với nhiều gia đình thêm niềm vui, thêm động lực để tiếp tục phát triển kinh tế và xây dựng đời sống ấm no.

Ông Hoàng Xuân Tân cho biết: “Năm 2024, chúng tôi sẽ tiếp tục có chương trình hỗ trợ cho những hộ gia đình hiện có nhà ở còn khó khăn, chưa đảm bảo tiêu chí bền chắc, tiếp tục xây dựng và sửa chữa nhà ở, đảm bảo tất cả đều có nhà ở bền chắc, giúp cho đồng bào các dân tộc yên tâm trong cuộc sống”.

Khởi đầu “an cư” sẽ là nền tảng để các hộ gia đình còn khó khăn ở Bình Liêu tích cực lao động sản xuất, có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống, từ đó phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN. Năm mới đón Xuân, thóc sẽ đầy bồ, hồi quế sẽ đầy sân, ấm no và đủ đầy.

Trường Giang/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nha-moi-don-xuan-moi-post1076577.vov