Nhà ngoại giao nữ - Duyên nghề và chuyện nghiệp

Làm bất cứ công việc gì cũng cần sự say mê, đặc biệt đối với các nhà ngoại giao nữ, niềm đam mê và sự tận tụy là yếu tố không thể thiếu.

Thông điệp đó một lần nữa được chia sẻ tại Tọa đàm “Những tà áo dài trong chặng đường 75 năm Ngoại giao Việt Nam - Ký ức và hy vọng” trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 90 năm ngày Phụ nữ Việt Nam do Ban Nữ công - Công đoàn Bộ Ngoại giao tổ chức ngày 19/10 vừa qua.

Diễn giả tại Tọa đàm gồm các nhà ngoại giao nữ kỳ cựu và cả cán bộ trẻ mới vào nghề. (Ảnh: Tuấn Anh)

Diễn giả tại Tọa đàm gồm các nhà ngoại giao nữ kỳ cựu và cả cán bộ trẻ mới vào nghề. (Ảnh: Tuấn Anh)

Diễn giả của Tọa đàm là các nữ Đại sứ Nguyễn Thị Hồi, Nguyễn Nguyệt Nga, Luận Thùy Dương, các nữ lãnh đạo Vụ gồm Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí Lê Thị Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế Trần Bảo Ngọc và chuyên viên Bùi Bích Thảo - Văn phòng Bộ Ngoại giao.

Nói như Vụ trưởng Vụ Hợp tác kinh tế đa phương Nguyễn Minh Hằng - Trưởng Ban Nữ công, người điều hành Tọa đàm, đây là cuộc giao lưu “vô cùng đặc biệt” giữa các thế hệ nhà ngoại giao nữ Việt Nam, từ cán bộ nữ mới “chân ướt chân ráo” vào nghề đến những nhà ngoại giao nữ kỳ cựu với hàng chục năm “lăn lộn” trên các mặt trận ngoại giao…

Những nẻo đường đến MOFA

Khi nhắc đến cán bộ Bộ Ngoại giao, như cách gọi quen thuộc là “dân MOFA”, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến ba chữ “con nhà nòi”. Giống như ca sĩ “chất” cứ phải “sinh ra trong gia đình có truyền thống âm nhạc”…

Đại sứ Nguyễn Thị Hồi quen thuộc với nụ cười tươi và mái tóc cắt ngắn. (Ảnh: Tuấn Anh)

Thực tế không hẳn như vậy. Bà Nguyễn Thị Hồi, từng đảm nhiệm hai nhiệm kỳ đại sứ tại Áo và Canada là một minh chứng của “dân ngoại đạo”. Nhà ngoại giao quê Hải Phòng tự nhận là “nghề chọn người” khi bà không phải sinh ra trong một gia đình có truyền thống ngoại giao.

Tốt nghiệp trung học phổ thông năm 1967, nữ sinh Nguyễn Thị Hồi trúng tuyển vào khoa tiếng Anh của Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Hết năm thứ nhất, bà và một số bạn cùng lớp được chọn sang Cuba theo học tiếp Cử nhân chuyên ngành tiếng Anh quân sự để phục vụ cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.

Bà biết đến Bộ Ngoại giao đơn giản là thông qua Đại sứ quán. “Ấn tượng của tôi về ngành ngoại giao là lúc nào cũng rất nghiêm túc, trịnh trọng, trong khi tính cách của tôi lại hơi phóng khoáng, nên chưa từng nghĩ mình sẽ phù hợp với ngành này”, bà chia sẻ.

Ấy vậy mà, sau khi hoàn thành chương trình học tại Cuba và về nước vào năm 1970, thời điểm nhân lực có trình độ về tiếng Anh còn rất khan hiếm, bà được tuyển về phòng Phiên dịch, Bộ Ngoại giao.

Và như một lẽ tự nhiên, người phụ nữ thường quen thuộc với mái tóc cắt ngắn đã gắn bó với ngành ngoại giao từ đó…

Câu chuyện “vào Bộ” của Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí Lê Thị Thu Hằng cũng có sự “tình cờ” như vậy. Bà Hằng không có lợi thế “con nhà ngoại giao”, bố mẹ đều là dân xây dựng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói tiếng Anh “như gió” lại vốn là dân học tiếng Nga, chuyên Hà Nội - Amsterdam “đời đầu” và tốt nghiệp khoa phiên dịch tiếng Nga của trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội năm 1994.

Ký ức về những ngày đầu bén duyên với Bộ Ngoại giao vẫn còn vẹn nguyên trong Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. (Ảnh: Tuấn Anh)

Bà Hằng nhớ như in thời điểm “bơ vơ” sau khi ra trường, tình cờ đọc được thông báo tuyển dụng của Bộ Ngoại giao trên báo Hà Nội Mới.

Quyết định thi vào Bộ Ngoại giao cũng bắt nguồn từ ý nghĩ là “thử sức”, xem mình có vượt qua được không, nhất là khi đọ sức cùng các “đối thủ” chuyên Anh, chuyên Pháp.

Và rồi, qua vòng sơ tuyển đến thi viết, thi vấn đáp…

“Tôi trào nước mắt khi thấy tên mình trong danh sách trúng tuyển”, bà Hằng bồi hồi kể lại.

Với bà Hằng, “duyên” với “gia đình” MOFA bắt đầu từ đó, theo bà suốt những năm tháng công tác tại đơn vị trong nước (Vụ Thông tin Báo chí, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài) hay nước ngoài (Đại sứ quán Việt Nam tại Nga và Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland)...

Tự học quyết liệt và say mê tận cùng

Dù xuất thân “con nhà nòi” hay “dân ngoại đạo”, điều thú vị là sau khi vào Bộ Ngoại giao, tinh thần ham học hỏi, niềm đam mê và tận tụy với nghề trở thành điểm chung của những nhà ngoại giao nữ.

Vốn sinh ra trong một gia đình ngoại giao, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga - Phó Chủ tịch Nhóm Tầm nhìn APEC, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Việt Nam về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương có sự khởi đầu thuận lợi khi bắt nhịp vào nghề. Tuy nhiên, quá trình gắn bó với ngành Ngoại giao của bà cũng chính là quá trình không ngừng học hỏi và tích lũy.

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga luôn tâm niệm ngoại giao là nghề quan hệ giữa con người với con người, từ trái tim đến trái tim. (Ảnh: Tuấn Anh)

Bà nói, phụ nữ làm ngoại giao, dù trên cương vị nào, kể cả trong vai trò phu nhân khi chồng công tác tại cơ quan đại diện ở nước ngoài, đều phải thể hiện nhân cách, phong thái của nhà ngoại giao chuyên nghiệp.

“Muốn vậy thì phải học”, từ những việc nhỏ như cách ăn mặc, đi đứng đến những việc phức tạp hơn như nghệ thuật đàm phán…

“Những cán bộ ngoại giao phải luôn mang tinh thần tự học quyết liệt để có kiến thức tổng thể, họ không chỉ có tầm nhìn quốc gia, lợi ích dân tộc, mà phải có tầm nhìn khu vực, toàn cầu”, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga chia sẻ.

Nữ Vụ trưởng đầu tiên về kinh tế ở Bộ Ngoại giao cũng nhấn mạnh những phẩm chất cần thiết của nhà ngoại giao nữ như sự tự tin, chủ động trong công việc, coi trọng khả năng kết nối, tạo ra mạng lưới của mình, đặc biệt là chị em...

Đối với bà Trần Bảo Ngọc cũng như bà Lê Thị Thu Hằng, niềm say mê với nghề chính là yếu tố quyết định trong việc dệt nên những thành công không chỉ trong hoạt động ngoại giao.

Nói như nữ lãnh đạo Vụ Tổng hợp kinh tế, đam mê là khởi nguồn của sự sáng tạo. Mà công việc cũng như cuộc sống, nếu không có sự sáng tạo thì thật là nhàm chán.

Còn theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, “để hoàn thành nhiệm vụ thì không khó. Nhưng để hoàn thành tốt nhiệm vụ thì cần sự say mê”.

Chính sự say mê đến “lao tâm khổ tứ” mới giúp bà gặt hái không ít thành công trên bất kỳ vị trí công tác nào. Với khối lượng công việc lớn, nhưng lúc nào, nữ thủ lĩnh của Vụ Thông tin Báo chí cũng toát lên nguồn năng lượng tích cực và truyền cảm hứng.

Khi “làm việc trên đôi guốc khó hơn trên đôi giày”

Trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng vào sân chơi toàn cầu, áp lực đối với các nhà ngoại giao nữ cũng ngày càng nhiều hơn.

Thách thức không chỉ đến từ thực tế “làm việc trên đôi guốc khó hơn trên đôi giày” như chia sẻ của Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga.

Thách thức còn đến từ những trở ngại liên quan tới vấn đề thể chế và chính sách, định kiến tự nhiên trong xã hội, cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình...

Trước câu hỏi về bài toán cân bằng “muôn thủa” của các cán bộ nữ, Đại sứ Luận Thùy Dương “bật mí” về sự dung hòa giữa bộn bề công việc và hạnh phúc gia đình.

Đối phó với những sự vất vả rất “động” của nghề ngoại giao như đi sớm về khuya, công tác triền miên, đàm phán căng thẳng…, bà đặt ra một quy tắc “tĩnh” của chính mình, đó là gia đình.

Và bí quyết của bà là “đặt chồng và các con hiểu rằng ‘tự tất cả mọi thứ’, luôn sẵn sàng chia sẻ với tôi trong các tình huống”.

Bà Đại sứ - Tiến sĩ tự nhận mình “may mắn” khi cả hai nhiệm kỳ ở nước ngoài – Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ và Đại sứ Việt Nam tại Myanmar đều có sự đồng hành của ông xã – điều không hề dễ dàng đối với nhiều nhà ngoại giao nữ.

Những chia sẻ từ các diễn giả tại Tọa đàm giúp phần nào hiểu rõ hơn phần nào chuyện nghề, chuyện nghiệp của nhà ngoại giao nữ. (Ảnh: Tuấn Anh)

Đi sâu hơn vào lời giải bài toán đó, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga nhấn mạnh sự cần thiết phải đặt ra các mục tiêu, sắp xếp thời gian, lập kế hoạch và “phải răm rắp thực hiện”.

Bà lấy thí dụ, đối với nhà ngoại giao nữ, các mảng quan trọng như công việc, gia đình và sức khỏe cho bản thân phải luôn luôn đồng hành với nhau. Có những thời điểm ưu tiên hàng đầu cho công việc thì cũng có những thời điểm gia đình là số 1 và sức khỏe cho bản thân luôn phải được quan tâm.

“Tất nhiên, nhiều lúc vẫn là câu chuyện phải hy sinh cái này để tập trung vào cái kia. Nhưng trên hết, đó là niềm tự hào về sự đóng góp của những tà áo dài vào công tác đối ngoại chung của cả nước, vì lợi ích dân tộc”, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga nhấn mạnh.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nha-ngoai-giao-nu-duyen-nghe-va-chuyen-nghiep-127080.html