Nhà nhập khẩu 'đè' giá, gạo Việt Nam phải tính đường dài

Chuyển động mới trên thị trường lúa gạo đầu tháng 7 cho thấy những bất lợi.

Ảnh minh họa.

Đang thu hoạch rộ vụ Hè Thu, Philippines “bỏ” thương vụ 300 ngàn tấn gạo G2G, vẫn còn bán lúa tươi tại ruộng

Vẫn có nhu cầu đặc biệt là các thương nhân Philippines nhưng họ cố tình “đè” giá

Phải tăng cơ cấu gạo cấp phẩm cao, thị trường EU với EVFTA đã gần kề

Đầu tháng này, trong khi khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch rộ vụ lúa Hè Thu 2020, thời tiết lại mưa bão làm cho chất lượng lúa kém nên giá lúa trên thị trường đang bị giảm.

Mới đây Philippines tuyên bố không theo đuổi thương vụ 300 ngàn tấn gạo G2G, mà họ mở thầu hôm 8/6, trong đó Việt Nam thắng thầu 60 ngàn tấn, khiến cho giá lúa gạo trên thị trường càng thêm chao đảo.

Gạo Việt Nam đang “bị” trả giá dưới giá thành

Theo AgroMonitor cập nhật tình hình thị trường ngày 1/7/2020, gạo về lai rai nhưng các kho mua chậm, ít người mua do giá gạo có xu hướng giảm, giao dịch trầm lắng.

Hiện các khách hàng là thương nhân Philippines đang tìm mua gạo OM 5451 loại 5% tấm Hè Thu nhưng trả giá thấp nên các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chưa thể chốt giao dịch. Trong khi đó, khách Campuchia và 1 số đơn vị hỏi mua tấm thơm Đông Xuân 2020, nguồn ít, giá cao.

Thương lái mua lúa tươi Hè Thu đang dè chừng do lo ngại giá gạo sụt giảm thêm nữa, còn bà con nông dân thì đang cầm giữ giá, không chịu bán thấp hơn, lúa các loại vững giá. Hiện nay nguồn lúa từ Campuchia về lai rai, lượng ít, mua bán chậm nên nhiều thương lái đã ngưng làm lúa Campchia do không có lời. Giá lúa ổn định.

“Khách thương nhân Philippines hỏi mua gạo OM 5451 5% tấm Hè Thu nhưng trả giá thấp. Các doanh nghiệp xuất khẩu chào giá dao động ở mức 420 USD/tấn, hàng container nhưng một số khách thương nhân Philippines chỉ trả ở mức 410-412 USD/tấn. Một số khách còn lại thì trả ở mức 405 USD/tấn, hàng tàu. Thời gian giao hàng khoảng 15 ngày nữa nhưng các doanh nghiệp chưa chấp nhận bán giá đó do lo sợ rủi ro, chê giá trả thấp, khó giao dịch”, đại diện AgroMonitor cho biết.

Một thương nhân xuất khẩu gạo ở TP.HCM cho biết, thị trường gạo vẫn có nhu cầu đặc biệt là các thương nhân Philippines nhưng đang cố tình “đè” giá gạo Việt Nam thấp so với giá vốn, đến khi thấy không thể “đè” được nữa mới chịu đẩy giá mua lên.

Cụ thể, đối với gạo OM 5451 loại 5% tấm khi ra hàng giá vốn tệ lắm cũng khoản 430 USD/tấn hàng container nhưng khách trả chỉ 405 USD/tấn nên không giao được. Vì vậy, đa phần các công ty lớn như: Quốc tế Gia, Intimex, Kigimex, Thuận Minh và Hiếu Nhân… chỉ đang tập trung giao hàng cho các hợp đồng cũ đã ký trước đây.

Tính đường dài: Đẩy mạnh trồng lúa chất lượng

Theo chuyên gia phân tích thị trường, có hai nguyên nhân khiến giá lúa gạo trên thị trường sụt giảm.

Một là đến từ việc Philiipines ngừng theo đuổi 300.000 tấn gạo hợp đồng G2G, nhưng chỉ mang yếu tố tinh thần, vì hiện nay so mặt bằng giá gạo xuất khẩu thì giá gạo của Ấn Độ cạnh tranh hơn giá của Việt Nam.

Hai là người mua biết Việt Nam sắp thu hoạch lúa rộ lúa Hè Thu nên chưa vội mua và đang động thái của thị trường, vì họ phải tính toán đến lợi ích kinh doanh của đơn vị.

Một khi nguồn cung trên thị trường nhiều thì giá sẽ giảm là điều tất yếu, nhưng có một điều khó cho nông dân là khi bà con còn bán lúa tươi tại ruộng nên giá “cở” nào cũng bán mà không thể chờ. Vấn đề này đã diễn ra suốt thời gian qua và khó lòng thay đổi.

Có một nghịch lý là khu vực đồng bằng sông Cửu Long đất đai rất màu mỡ nhưng người nông dân nơi đây vẫn khó làm giàu từ miếng vườn, thửa ruộng. Nguyên nhân sâu xa là do họ không được tích tụ đất đai nên có nhiều người không yên tâm đầu tư sản xuất quy mô lớn.

Tuy nhiên so với 5 năm về trước, xét về cơ cấu gạo xuất khẩu đã có sự cải thiện đáng kể. Nếu trước đây xuất khẩu gạo cấp thấp chiếm từ 40% đến 50%, thì 2 năm trở lại đây cơ cấu xuất khẩu gạo cấp phẩm cao hơn và gạo thơm nhẹ đã tăng lên rõ rệt và chi phối nhiều đến mặt bằng giá gạo xuất khẩu.

“Chúng ta loại trừ yếu tố thị trường lên xuống thì giá gạo xuất khẩu nhận được do chuyển đổi giống đã cao hơn rất nhiều. Nhân dịp Philippines hủy gói thầu 300.000 tấn gạo G2G chuyển sang tư nhân nhập khẩu, Việt Nam cần phải thúc đẩy vấn đề này và cả thị trường EU khi mà vào ngày 01/8 Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Hai yếu tố này sẽ thúc đẩy xuất khẩu gạo của Việt Nam đi vào lĩnh vực gạo chất lượng cao và giá cao, chỉ có như vậy xuất khẩu gạo Việt Nam mới có thể phát triển bền vững và người nông dân trồng lúa mới có thể làm giàu lên từ miếng ruộng của họ”, vị chuyên gia chia sẻ nhận định với BizLIVE.

Bên cạnh khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu trồng lúa sang trồng lúa chất lượng cao, công tác xúc tiến thương mại đối với ngành lúa gạo của hai đầu mối, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, cần chú trọng đến các giống lúa đang xuất khẩu tốt, có giá bán cao trên thị trường có như vậy mới ngành lúa gạo mới phát triển bền vững được.

QUANG TRÍ

Nguồn BizLIVE: https://bizlive.vn//thoi-su/nha-nhap-khau-de-gia-gao-viet-nam-phai-tinh-duong-dai-3547651.html