Nhà nước cấp tập bán vốn doanh nghiệp cuối năm

Sau thương vụ bán vốn thành công hơn kỳ vọng tại Vinamilk, nhiều thương vụ thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có quy mô lớn khác đang được thực hiện rốt ráo.

Trong hơn một tháng còn lại của năm 2017, SCIC, đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp, dự kiến sẽ tiến hành chào bán cạnh tranh cổ phần tại năm doanh nghiệp, bao gồm nhựa Tiền Phong, nhựa Bình Minh, Domesco, FPT và Vinaconex.

Nhựa Tiền Phong và nhựa Bình Minh hiện là hai doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh ống nhựa vật liệu xây dựng tại Việt Nam. Trong khi Domesco là doanh nghiệp hàng đầu ngành dược còn FPT là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực công nghệ thông tin - viễn thông. Vinaconex được biết đến là nhà thầu xây lắp có quy mô lớn trong ngành xây dựng Việt Nam.

Các thương vụ trên nằm trong lộ trình thoái vốn doanh nghiệp nhà nước trong năm 2017. Từ nay đến năm 2020, SCICsẽ thoái vốn tại 11 doanh nghiệp có quy mô lớn. Sau khi bán vốn tại sáu doanh nghiệp trong năm 2017, dự kiến Nhà nước sẽ tiếp tục thoái vốn tại công ty hạ tầng và bất động sản Việt Nam (VIID), công ty cơ khí và khoáng sản Hà Giang (HGM), tổng công ty tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (VNR), công ty xuất nhập khẩu Sa Giang (SGC), tổng công ty Bảo Minh (BMI) trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2020.

Các thương vụ thoái vốn doanh nghiệp giúp Nhà nước thu về hàng nghìn tỉ đồng trong thời gian qua. Ông Nguyễn Anh Tuấn, trưởng ban đầu tư 3 thuộc SCIC, cho biết doanh thu bán vốn của SCIC tăng cao trong những năm gần đây. Năm 2016, SCIC đạt trên 16.000 tỉ đồng doanh thu bán vốn, chưa kể kết quả bán vốn tại Vinamilk.

Nhà nước đã thu về hơn 20.000 tỉ đồng từ hai đợt thoái vốn Vinamilk vào cuối năm 2016 và ngày 10.11.2017 mới đây. Sau các đợt thoái vốn, SCIC vẫn còn nắm giữ 36% cổ phần Vinamilk.

Trong khi đó, Bộ Công Thương mới đây cũng ra thông báo ngay cho biết đang gấp rút hoàn tất các công việc chuẩn bị cho kế hoạch chào bán cạnh tranh cổ phần Sabeco, doanh nghiệp dẫn đầu ngành bia Việt Nam. Nhà nước đang nắm giữ 89,59% vốn tại Sabeco và hiện chưa công bố quy mô thoái vốn tại doanh nghiệp này.

SCIC sẽ thoái toàn bộ vốn đang nắm giữ tại nhựa Bình Minh (29,51% cổ phần), nhựa Tiền Phong (37,1% cổ phần), Domesco (34,71% cổ phần) và FPT (5,96% cổ phần). Ngoài ra, đơn vị quản lý vốn nhà nước sẽ thoái 21,79% cổ phần Vinaconex để giảm sở hữu xuống 36%, tỉ lệ đủ quyền phủ quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền Đại hội đồng cổ đông.

Hiện chưa có thông tin về giá khởi điểm cũng như nhà đầu tư tham gia vào đợt chào bán cạnh tranh. Theo lộ trình thoái vốn được công bố, SCIC sẽ tổ chức chào bán cổ phần từng doanh nghiệp từ ngày 8-13.12.2017.

Ông Nguyễn Chí Thành, phó tổng giám đốc SCIC, kỳ vọng sẽ thu về khoảng 8.000 tỉ đồng từ các thương vụ thoái vốn này. Giá trị thị trường của các khoản đầu tư của SCIC tại năm doanh nghiệp nói trên ước tính đạt hơn 10.000 tỉ đồng tại ngày 17.11.2017.

Danh mục đầu tư của SCIC tới ngày 30.9.2017 có 133 khoản đầu tư, tổng vốn nhà nước tính theo giá trị thị trường đạt khoảng 5,4 tỉ đô la Mỹ tại thời điểm nói trên.

Nguồn Forbes: http://forbesvietnam.com.vn/tin-cap-nhat/nha-nuoc-cap-tap-ban-von-doanh-nghiep-cuoi-nam-1590.html