Nhà Quốc hội - Công trình kiến trúc độc đáo

Hiện đại, uy nghi, Nhà Quốc hội không chỉ là công trình có kiến trúc độc đáo vì đã kết hợp được hơi thở kiến trúc đương đại mà còn pha lẫn bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam, biểu tượng của cơ quan quyền lực Nhà nước tối cao.

Nằm trên đường Độc Lập, Tòa nhà Quốc hội (Hội trường Ba Đình cũ) là trụ sở làm việc của Quốc hội. Tòa nhà được xây dựng trên nền tòa nhà Quốc hội cũ, nằm cạnh Quảng trường Ba Đình, khu di tích Hoàng thành Thăng Long và có cửa chính nhìn sang phía Lăng Bác.

Nếu xét về giá trị tài chính, Tòa nhà Quốc hội chỉ dừng ở mức “khiêm tốn”, nhưng ở ý nghĩa chính trị, công trình được coi như biểu tượng cho sự tập trung ý chí, nguyện vọng của nhân dân; là biểu tượng của cơ quan quyền lực Nhà nước tối cao.

Bắt đầu từ tháng 4/2007, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XI, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phương án quy hoạch, xây dựng nhà Quốc hội. Đây là quyết định có tính lịch sử bởi, để lựa chọn đưa ra phương án nào cho công trình nhà Quốc hội cũng đều rất khó khăn và phải qua nhiều phiên bàn thảo, hội họp, thậm chí phải triển khai cả việc phát phiếu tới từng đại biểu lấy ý kiến, cuối cùng việc biểu quyết mới được tiến hành.

Sau 5 năm thi công từ 2009 - 2014, Tòa nhà Quốc hội chính thức hoàn thiện với chiều cao 39m với lối kiến trúc hình vuông, gồm 5 tầng nổi và 2 tầng hầm. Tổng diện tích tòa nhà là 60.000 m2, với hơn 80 phòng họp lớn nhỏ và các phòng chức năng khác. Trong đó, phòng họp chính của Quốc hội nằm ở trung tâm tòa nhà, hình dáng cơ bản là hình tròn, gồm hai tầng (tầng một 575 ghế ngồi của đại biểu, tầng hai phía sau có 390 ghế ngồi cho khách và đại biểu dự thính)…

Nói về ý tưởng thực hiện dự án khi bắt tay vào xây dựng, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (nay là Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng chuyên ngành – Bộ Xây dựng) chia sẻ, khi xây dựng công trình đòi hỏi một giải pháp kiến trúc vượt lên các yêu cầu về chức năng, vừa phải hài hòa với quy hoạch đô thị nhưng vẫn mang biểu tượng của sức mạnh, quyền lực. Biểu tượng này không thể hiện qua sắc màu hình thức, mà qua hình tượng mang đậm chất truyền thống văn hóa Việt. Đó là hình tròn tượng trưng cho Mặt trời (người cha) và hình vuông tượng trưng cho Trái đất (người mẹ).

Tọa lạc giữa trung tâm chính trị – lịch sử – văn hóa của Thủ đô và cả nước, Tòa nhà Quốc hội không phải là quần thể kiến trúc khép kín, mà là một không gian mở và còn lưu dấu vết của các thời đại. Mặc dù công trình kiến trúc xung quanh không cùng phong cách, song hòa đồng với nhau thành một thể thống nhất nằm giữa những rặng cây và thảm cỏ. Chẳng mấy nơi có một trung tâm quốc gia thể hiện hồn dân tộc như thế.

Tòa nhà Quốc hội (mới) biểu tượng cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Ảnh: Minh Phương

Tòa nhà Quốc hội (mới) biểu tượng cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Ảnh: Minh Phương

Có thể khẳng định, Nhà Quốc hội là một tác phẩm kiến trúc đồ sộ không chỉ có ý nghĩa về mặt chính trị mà còn có ý nghĩa to lớn về mặt tư tưởng, văn hóa, trở thành biểu tượng của nhân cả nước. Bởi thế, khi xây dựng Tòa nhà Quốc hội mới, chúng ta đã tạo ra một không gian nghị trường dân chủ, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng giải thích một cách giản dị, dân chủ nghĩa là “dân là chủ và dân làm chủ”. Nhận được sự ủy quyền của nhân dân, Quốc hội là nơi quyết định những vấn đề quan trọng với nhân dân và đất nước.

Vì vậy, nhân dân phải được chứng kiến, được biết Quốc hội quyết như thế nào, ai tham gia, theo quy trình, thủ tục nào, những vấn đề đang vướng mắc; hoặc lý do đưa tới việc tại sao lại quyết theo cách này mà không phải theo cách khác… Từ những điều đó, Tòa nhà Quốc hội đã tạo nên một không gian làm việc công khai, minh bạch, mang đến cảm giác gần gũi với nhân dân.

Đặc biệt, thật ý nghĩa khi hoàn thiện, hai từ “Diên Hồng” và “Tân Trào” được đặt tên cho các phòng họp trong Nhà Quốc hội. Tên Diên Hồng được đặt tên cho phòng họp chính; còn Tân Trào được đặt tên cho phòng họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Có thể thấy, chỉ với 2 cái tên “Diên Hồng” và “Tân Trào” đã tạo nên sự liên kết giữa hiện đại với quá khứ, với những ngày xa xưa hào hùng của lịch sử dân tộc. Hai phòng họp ấy như có “linh hồn”, khiến bất kỳ ai khi bước vào đây đều ý thức được trọng trách của mình, với nhân dân và với vận mệnh dân tộc.

Đề cập đến nét đẹp kiến trúc của công trình Nhà Quốc hội, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính chia sẻ, cái đẹp, cái quý được thể hiện qua sự chừng mực, giản dị, và sự chối bỏ mọi biểu hiện phù phiếm của công trình này. Thực vậy, nghĩ về Nhà Quốc hội, ta mường tượng nó phải đường bệ, quyền uy ra mặt với những hàng cột lực lưỡng đặt trên thềm cao. Song, kiến trúc Nhà Quốc hội hôm nay vẫn đủ trang nghiêm, đủ uy quyền, nhưng vẫn bộc lộ tính dân chủ, mở lòng ra với quốc dân đồng bào và trời đất, nó sáng và trong với hình hài mới lạ, hiện đại...

Đứng trước Tòa nhà Quốc hội, nhìn ngắm từng dòng xe tấp nập ngược xuôi, hay hình ảnh các cụ ông, cụ bà vui đùa bên những đám trẻ… tất cả như một bức tranh sinh động về một Việt Nam thanh bình, đổi mới sau những năm tháng gian khổ của chiến tranh. Và đâu đó, chúng ta dễ dàng cảm nhận được Tòa nhà Quốc hội đang hòa mình với không gian xung quanh và không gian của đất nước, không gian của cả chiều dài lịch sử.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nha-quoc-hoi-cong-trinh-kien-truc-doc-dao-102396.html