Nhà Quốc hội: Tầm vóc của một biểu tượng

Hôm nay, 6-10, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra ở Nhà Quốc hội mới giữa Ba Đình lịch sử. Đi vào vận hành thử trước khi Quốc hội "về nhà mới” ở Kỳ họp thứ 8 tới (dự kiến khai mạc ngày 20-10), Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình mới đã hiện rõ dáng vóc của một công trình kiến trúc đặc biệt, đạt tới tầm vóc uy nghi như một biểu tượng của cơ quan quyền lực tối cao.

Nhà Quốc hội mới

Tiếp nối ngàn năm lịch sử

Chạm tới bất kỳ một khoảng đất nào ở Hà Nội cũng là chạm tới truyền thống và lịch sử. Với trung tâm chính trị Ba Đình, lịch sử ở đó là tầng tầng lớp lớp. Bởi thế, Công trình Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình mới được chính thức khởi công xây dựng ngày 12/10/2009, nhưng khởi động Dự án phải tính từ khoảng đầu những năm 2000. Từ đó đến thời điểm khởi công là cả một quá trình kỳ công để tìm phương án kiến trúc, để giữ lại sợi dây nối hiện tại và quá khứ. Từ lúc rục rịch các cuộc thi tìm phương án kiến trúc đến hôm nay đã trải qua vài nhiệm kỳ công tác của lãnh đạo những cơ quan có trách nhiệm lo việc thực hiện công trình này. Thoạt tiên là một triển lãm gồm 25 phương án thiết kế Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình trưng bày tại Triển lãm Giảng Võ vào khoảng năm 2003. Rồi sau đó có rất nhiều lần nhiều thay đổi mà việc thay đổi căn bản nhất xuất hiện sau kết quả khai quật khảo cổ học ở 18 Hoàng Diệu. Từ một diện tích nhỏ ban đầu, việc khai quật 18 Hoàng Diệu đã chuyển thành quy mô lớn.

Nếu nói về tiến độ, việc phát lộ Hoàng thành Thăng Long có làm dự định khởi công Công trình lùi lại nhiều thời gian, có buộc phải thay đổi phương án kiến trúc, thì việc một Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình mới được xây lên bên cạnh một nền cũ đậm đặc bóng dáng của văn hóa, lịch sử, quyền lực các triều đại xưa đã làm công trình mang một ý nghĩa lớn hơn rất nhiều. Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình mới đã được xây dựng trong trục không gian quan trọng, đặc biệt. Trước mặt là nơi ghi dấu ấn lịch sử quan trọng nhất của thời đại ở thế kỷ 20 - Quảng trường Ba Đình là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố sự ra đời của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trong cuộc kiểm tra mới đây về tiến độ hoàn thiện Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình mới trước ngày công trình này được đưa vào vận hành thử, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã rất nhấn mạnh tới điều này: Nhà Quốc hội được xây dựng tại một vị trí độc đáo bên cạnh di tích Hoàng thành Thăng Long, nơi ghi dấu lịch sử các thời đại phong kiến của nước Việt, trên một nền móng đầy giá trị lịch sử, tâm linh.

Hội trường chính Nhà QH gồm 2 tầng với 600 chỗ ngồi

được thiết kế hình vòng cung

Tầm vóc mới

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, kể từ nước Việt Nam thống nhất, đây là lần đầu tiên có một công trình trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước có quy mô lớn, yêu cầu công nghệ cao và kỹ thuật hiện đại, thi công phức tạp như công trình Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình mới. Nơi đây với ý nghĩa chính là nơi diễn ra các kỳ họp Quốc hội, họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng cũng sẽ còn là nơi tổ chức các lễ kỷ niệm, các cuộc mít tinh lớn vào những ngày trọng đại của đất nước và là nơi đón tiếp khách quốc tế cấp cao của Đảng, Nhà nước.

Ông Nguyễn Tiến Thành- Giám đốc Ban Quản lý dự án Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình gắn bó với công trình này từ những ngày đầu còn phôi thai - nhớ lại đầu những năm 2000, khi ông là cán bộ phụ trách kỹ thuật của Dự án, đã phải trải qua rất nhiều lần trưng bày các phương án kiến trúc lấy ý kiến nhân dân. Thậm chí phải trải qua nhiều lần thi phương án kiến trúc khác nhau, do có những thay đổi lớn về quy hoạch diện tích xây dựng, do phải đảm bảo việc bảo tồn Hoàng thành Thăng Long. Cuối cùng phương án kiến trúc của Nhà Quốc hội hiện nay thực hiện trên cơ sở thiết kế của Liên danh tư vấn thiết kế của Công hòa liên bang Đức có điều chỉnh, bổ sung theo góp ý của các chuyên gia Việt Nam. Còn nếu chỉ tính riêng thời gian khởi công công trình từ năm 2009 tới nay thì suốt 5 năm qua là quãng thời gian chạy đua với thời gian, trong một áp lực rất nặng nề về trách nhiệm của một công trình có ý nghĩa chính trị lớn, không được phép để xảy ra sự cố. Riêng việc thi công ở khu vực Ba Đình cũng là cả một vấn đề, không được phép để có bụi bậm, tiếng ồn ảnh hưởng tới không gian xung quanh, bên cạnh là một di tích khảo cổ học không được làm ảnh hưởng tới. 5 năm qua, việc thi công được thực hiện cả ngày lẫn đêm (chỉ có thể đưa vật liệu vào công trình lúc ban đêm), 3 ca liên tục không ngừng nghỉ. Những ngày vừa qua, để kịp tiến độ cho khai mạc kỳ họp Quốc hội vào ngày 20-10 tới, trên công trình luôn có khoảng hơn 2000 công nhân làm việc ngày đêm.

Cho đến thời điểm này, công trình đã hoàn thành cơ bản các hạng mục chính như phòng họp chính của Quốc hội, phòng họp Thường vụ Quốc hội, phòng họp báo... Hạng mục đường hầm từ Nhà Quốc hội sang khuôn viên trụ sở Bộ Ngoại giao và việc cải tạo đường Bắc Sơn, đường Độc Lập cũng đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Thành, do thời gian thi công hoàn thiện công trình gấp rút, nên công trình chỉ tập trung hoàn thiện các khu chức năng phục vụ trực tiếp kỳ họp Quốc hội, các hạng mục phụ và nhiều chi tiết trang trí sẽ được tiếp tục hoàn thiện đến cuối năm.

Trên nền cũ của Hội trường Ba Đình (cũ) do các kiến trúc sư Liên Xô (cũ) và KTS Nguyễn Cao Luyện thực hiện, bây giờ đã hiện lên một Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình mới nằm trên đường Độc Lập giữa Trung tâm chính trị Ba Đình thấm đẫm chiều sâu văn hóa và lịch sử. Công trình được thiết kế hình vuông cao 39 m mang đường nét khỏe khoắn, vẻ uy nghiêm của cơ quan quyền lực tối cao lại vẫn mang đậm nét văn hóa và lịch sử dân tộc. Từ nơi này Quốc hội sẽ quyết định những vấn đề quan trọng nhất của đất nước, phấn đấu cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh và hạnh phúc của nhân dân.

Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình mới nằm trên đường Độc Lập (quận Ba Đình) được thiết kế hình vuông. Công trình cao 39m gồm 5 tầng nổi, 2 tầng hầm, tổng diện tích sàn trên 60.000 m2. Từ sảnh chính vào tòa nhà, hai bên là hai hệ thống thang cuốn chạy từ tầng 1 đến tầng 3 với sảnh giữa rộng và thoáng, không gian mở.

Hội trường phòng họp chính của tòa nhà có mái vòm màu xanh, gồm 2 tầng, sử dụng toàn bộ hệ bàn nâng, ghế ngồi làm việc của đại biểu hình vòng cung với xương bàn được gia công trong nước, ghế đặt sản xuất tại Tây Ban Nha. Trung tâm của vòm trần trong phòng này sẽ có một đèn chùm pha lê lớn trọng lượng 5 tấn chuẩn bị được lắp đặt trong ít ngày tới.

Phòng họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với hệ thống 6 màn hình xung quanh giúp các đại biểu dễ dàng quan sát diễn biến phiên họp.

Phòng họp báo với 100 chỗ ngồi nằm ngay bên trái tầng hầm thứ 2 của tòa nhà.

Tòa nhà có khu vực đỗ ôtô ngầm quy mô 3 tầng hầm với sức chứa hơn 500 chiếc, diện tích trên 17.000 m2. Đường hầm nối Nhà Quốc hội và Bộ Ngoại giao dài 60m, có 2 phần đường dành cho người đi bộ và ôtô riêng biệt.

Công trình được đánh giá là quy mô, phức tạp nhất từ trước đến nay được các nhà thầu Việt Nam xây dựng. Tổng số hơn 80 phòng họp lớn nhỏ, đường dây điện dài 1.000 km. Nhiều trang thiết bị hiện đại, được nhập khẩu từ nước ngoài, hệ thống điện được vận hành tương đương một nhà máy.

CẨM THÚY

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=90955&menu=1367&style=1