Nhà sàn Mường mẹ

Bấy lâu tôi cứ nghĩ vùng Mường nào cũng giống nhau, nhà sàn chỉ còn là thứ để trưng bày ở trung tâm văn hóa làng xã, hoặc chỉ còn thưa thớt hiếm hoi ở những nơi hút hẻo vùng cao xa. Vậy mà cách đây đôi tháng, tôi theo một người bạn về thăm nhà của bạn ở tận bản Ung - Mường Yến thuộc xã Thạch Lập, huyện Ngọc Lặc, tôi đã có biết bao nhiêu là bất ngờ.

Nhà sàn bản Son (xã Lũng Cao, huyện Bá Thước). Ảnh: Khôi Nguyên

Đi khỏi khu công sở xã một đoạn, bắt đầu đường rẽ vào bản, tôi ngỡ ngàng, như choáng ngợp, thích thú đến nỗi chân không bước nổi. Trước mặt tôi, sau lưng tôi, xung quanh tôi là một bản Mường cơ man những nhà sàn lớn nhỏ, nhà sàn cổ, nhà sàn mới, cả những căn sàn nhà chòi nương. Là những thứ đã trở thành xa xỉ, trở thành nỗi tiếc nhớ, trở thành ước muốn cứ đau đáu trong tôi từ rất lâu rồi. Từ khi người bản tôi đem bán đi ngôi nhà sàn cuối cùng mà xây lên những ngôi nhà ngói xanh, ngói đỏ như người Kinh.

Bản tôi thuộc Mường Tạ, cách xa Mường Yến nhưng lại rất gần phố huyện. Cái vị thế được coi là may mắn, được gọi là sung sướng so với các bản làng khác ở vùng cao xa hơn ấy, lại làm nên bao nhiêu tiếc nhớ, buồn bã, mất mát trong lòng những người đã sinh ra, lớn lên bằng dòng máu văn hóa Mường tinh túy, phong phú và đẹp đẽ bao đời. Gần phố, gần chợ thì lẽ tất nhiên là thuận tiện hơn về mặt giao thương, từ đó đời sống kinh tế và văn hóa cũng thuận tiện và phát triển hơn. Thế nhưng, vùng Mường nào càng đổi mới nhanh, sự phát triển càng bắt nhanh với hiện đại thì văn hóa Mường càng bị mai một, pha tạp, thậm chí mất đi nhanh hơn. Đơn cử như chuyện về nhà ở, giờ bản tôi không còn một bóng nhà sàn truyền thống nào cả. Bởi thế nên nhiều khi vẫn ở đất Mường cha ông bao đời đấy, mà lòng người bản tôi cứ đau đáu một nỗi nhớ Mường như đã lạc đi xa chốn nào lạ lẫm rồi. Vì thế khi gặp được một bản Mường còn nguyên vẹn những ngôi nhà sàn ở đó, tôi vừa thích thú vừa vô cùng xúc động.

Mỗi khi nhìn thấy nhà sàn tôi lại thắt lòng nhớ bà nội. Người đến lúc hấp hối vẫn đòi cha dắt bà lên chín bậc thang gỗ, đòi ngồi cửa voóng hát xường, đòi ngả lưng trên bả đìn sàn mà nhìn khói bếp loang lên mái cọ, đòi tắm nước máng khạ chảy ở ngoài sàn chồ, đòi đánh chiêng năm cồng bảy treo trên moóng tông... Sau lần đó nội nhắm mắt về trời. Suốt những năm tháng cuối đời, bà nội tôi sống trong nỗi khắc khoải nhớ về ngôi nhà sàn cũ của mình, thứ nỗi nhớ như biết lây lan, làm tôi cũng nghẹn ngào, tha thiết. Tôi nhớ bà hay ngồi phơi mình dưới bóng cây lai già ngoài ngõ, phất phơ tóc gió, gió bàng bạc từng sợi lấp lánh nắng trưa. Miếng trầu trệu trạo trong miệng chừng ưu tư, có lúc trồi ra bên khóe môi nhăn nheo, đỏ loe trễ nải. Tay lần lần vào khoảng trống như thói quen tìm một khe sàn để nhả bã trầu. Rồi thẫn thờ. Nội quên rồi, khe sàn không còn nữa, ngôi nhà sàn không còn nữa. Nội cũng quên mất ngày cha gọi người xuôi lên dỡ từng cây cột, cây kèo mà mang đi. Đôi mắt nội đục mờ xa xăm, hấp háy những nỗi niềm vời vợi, ngập đầy thương nhớ.

Từ khi đẻ đất đẻ Mường, với người Mường tôi, ngôi nhà sàn không chỉ là nơi con người dựng lên để trú ngụ nắng mưa, sinh hoạt, ngủ nghỉ, đó còn là nơi mang ý nghĩa tâm linh đối với mỗi con người sinh ra và lớn lên ở đó. Nhà sàn của người Mường là nơi diễn nhiều sự kiện quan trọng của đời người, vì vậy nó không những có ý nghĩa với mỗi người mà còn có ý nghĩa với cả cộng đồng. Việc dựng nhà sàn của người Mường là một quá trình đúc rút kinh nghiệm trong thời gian dài cư trú. Điều đó thể hiện rõ trong sử thi “Đẻ đất đẻ nước” vĩ đại của dân tộc Mường. Sử Thi viết rằng: Xưa, người Mường sinh ra chưa có nhà để ở mà phải cư trú trong các hang đá, hốc cây. Họ phải đối mặt với nhiều thiên tai, hiểm họa. Một hôm, ông Lang Mường là Lang Cun Cần bắt được một con rùa đen, đang định đem ra làm thịt thì con rùa lên tiếng van xin ông Lang tha thiết, và hứa nếu tha nó sẽ dạy cho người Mường cách làm nhà để ở. Lang Cun Cần bằng lòng, rùa bảo hãy nhìn vào thân hình tôi mà hình dung cách dựng nhà:

“Bốn chân tôi làm nên cột cái

Nhìn sườn dài sườn cụt mà xếp làm rui

Nhìn qua đuôi làm chái

Nhìn lại mặt mà làm cửa thang cửa sổ

Nhìn vào xương sống làm đòn nóc

dài dài

Muốn làm mái thì trông vào mai

Vào rừng mà lấy tranh lấy nứa làm vách

Lấy chạc vớt mà buộc kèo”...

Từ đó người Mường biết làm cái nhà để ở, để yêu quý, gắn bó, để trở về sau những bươn bả núi nương nhọc nhằn. Từ đó người Mường có nhà sàn để tiếp bạn xa, khách gần đến thăm chơi kết giao cho gắn bó. Có gian buồng để đón người con gái Mường lạ về làm dâu, làm con cho thêm đông vui cửa nhà. Có gian bếp để đón tiếng đứa trẻ con cất tiếng khóc chào đời, có chín bậc cầu thang mà nghe trẻ nít nô nức nói cười nhịp bước lên xuống, có cửa voóng để ngồi ngóng bóng người thương yêu lẫn khuất đâu đó phía thung xa núi rộng. Từ đó, người Mường biết sống an cư và dần no ấm, đẹp giàu. Qua bao đời nối tiếp nhau, cùng nhiều phong tục, tập quán sinh hoạt ở ngôi nhà sàn của mình, người Mường đã làm nên một nền văn hóa khá đồ sộ và đáng tự hào như hôm nay.

Những năm trước, vì yêu vì nhớ mà tôi đi tìm, đi nhiều nơi, qua nhiều Mường lớn nhỏ, lòng hoang mang khi thấy đâu đâu người ta cũng dỡ nhà sàn bán để xây nhà đất. Thiếu bóng nhà sàn, linh hồn của Mường cứ như yếu ớt, mong manh và nhạt nhòa đi, không còn đủ sức gợi để người ta hình dung về một cộng đồng, một dân tộc với một nền văn hóa khác biệt, lớn đẹp như đã từng có. Vậy mà đến Thạch Lập bữa đó, niềm tin như được thắp lại trong tôi. Những ngôi sàn xinh xắn nằm dưới những bóng cây, tán cọ già trông yên ả như thể cổ tích. Thật xúc động khi đứng trước một nơi còn giữ được nét nguyên sơ của bản Mường từ những ngôi nhà sàn như thế. Tôi nhờ bạn dẫn đi vài nhà thăm chơi. Trong bản còn nhiều ngôi nhà sàn cổ, làm bằng gỗ với kiến trúc nguyên bản, nhưng cũng có khá nhiều ngôi nhà được tu sửa hoặc làm mới bằng bê tông, gạch đá với sự sáng tạo thêm, tạo nên những kiểu đẹp khá mới mẻ và lạ mắt. Dù các ngôi nhà lớn bé khác nhau, nhưng tất cả vẫn giữ được hồn cốt của Mường ở đó. Đặc biệt, có những ngôi nhà to đẹp, cổ kính tạo cho khách đến mà mường tượng ra nhà một vị quan lang Mường nào đó, ví như ngôi nhà của chú Phạm Văn Chiến. Các cột trụ chính đều làm bằng gỗ lim đen bóng và to phải cỡ hai người ôm mới hết, toàn bộ gỗ kèo cột, kang, vách cũng đều làm bằng các loại gỗ quý, chạm trổ cầu kỳ. Chú Chiến bảo, có nhiều lái buôn hỏi mua, gạ bán với giá đắt đủ để làm một cái nhà xây đẹp như dưới phố chợ, nhưng chú không bán, vì chú muốn giữ lại cho con cháu mình như một thứ hồi môn thiêng liêng, hơn thế muốn giữ ngôi nhà như giữ một phần linh hồn cho bản Mường mình.

Cạnh đó có nhà chú Phạm Tiền cũng là một ngôi nhà đã được làm từ những thập niên tám mươi. Tuy không phải là nhà lớn và được làm từ nhiều gỗ to, nhưng kiến trúc cổ nguyên bản lại có nhiều hoa văn tinh xảo, tạo cho ngôi nhà một sự sang trọng và quý phái rất Mường. Ấn tượng nhất của ngôi nhà này là mấy cây gỗ kang và cột ở gian chính đều làm từ cây ngù hương, chỉ cần chạm tay vào hoặc những hôm đổi tiết chúng cũng tỏa ra một mùi thơm mê dụ của đại ngàn.

Tôi mải miết theo những con dốc lên những bậc thang, mê đi trong những ngôi sàn như còn bắt gặp đâu đó bóng dáng tuổi thơ tôi bên ông bà nội. Gặp anh Phạm Văn Lý, cán bộ xã Thạch Lập ở một con dốc nhỏ giữa bản, tôi còn kịp níu lại hỏi han nhiều chuyện về nhà sàn. Anh Lý nói, xã anh là xã còn nhiều bản có nhà sàn nhất huyện. Nếu đi ngược lên những vùng xa hơn như bản Trốc, bản Coăn, Bốc Bát... thì còn gặp những bản làng đầy ắp bóng nhà sàn như thế. Anh Lý còn bảo tôi, tại em chưa đi hết chưa biết đấy thôi, các Mường trong huyện mình không những còn nhiều nơi vẫn giữ được nhà sàn, mà hai ba năm gần đây phong trào làm nhà sàn kiểu mới từ bê tông, gạch đá rầm rộ lắm. Những ngôi nhà vừa giữ được dáng dấp đất Mường, vừa phù hợp đời sống mới cho bà con, đang là một xu thế trong xây dựng nhà cửa của người Mường đấy.

Tôi bỗng rạo rực vui, nhen nhén hy vọng một ngày nào đó trở về bản mình, những mái nhà sàn lại sừng sững mọc dưới bóng núi, bóng đồi mà chở che đời người, mà giữ lấy hồn Mường tươi đẹp mãi.

Tú Anh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/portal/pages/y8w3b8/new-article.aspx