Nhà sinh hoạt cộng đồng thiếu… cộng đồng!

Năm 2013, NSHCĐ tại P Hòa Xuân (Q. Cẩm Lệ) được xây dựng nhưng bị bỏ hoang vì thiết kế không phù hợp.

Năm 2013, NSHCĐ tại P Hòa Xuân (Q. Cẩm Lệ) được xây dựng nhưng bị bỏ hoang vì thiết kế không phù hợp.

- Nếu thiếu tính cộng đồng thì sao phát huy giá trị thiết chế văn hóa này hả NXD?

- Đó là thực tế đáng buồn của một số nhà sinh hoạt cộng đồng (NSHCĐ) trên địa bàn Đà Nẵng đó Tư chợ Hàn.

- NXD nói cụ thể hơn xem nào?

- Đơn cử như trên địa bàn P. Khuê Mỹ (Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), số lượng NSHCĐ được xây dựng khá nhiều và khang trang, nhưng phần lớn các thiết chế này chỉ để tổ dân phố, các tổ chức đoàn thể tại địa phương hội họp hằng tháng, quý; còn phần lớn thời gian thì cửa đóng then cài. Đó là chưa kể có một số NSHCĐ xây ra rồi bỏ không, quanh năm không có hoạt động gì, rất lãng phí.

- Có cách nào khắc phục thực trạng trên không?

- Mới đây, trong một cuộc họp do thành phố tổ chức, lãnh đạo Q. Ngũ Hành Sơn cũng đề xuất thành phố tạo cơ chế để sử dụng lưỡng dụng các NSHCĐ và các thiết chế văn hóa khác ở cơ sở. Theo đó, ngoài phục vụ cho hoạt động hội họp ở tổ dân phố (hàng tháng, hàng quý mới tổ chức 1 lần) thì nên có cơ chế để sử dụng lưỡng dụng địa điểm này nhằm phát huy tối đa công năng của NSHCĐ. Ví dụ, có thể cho thuê, cho mượn để mở các lớp dạy nghệ thuật, thể thao, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần thực thụ của nhân dân trên địa bàn. Nếu được, Q. Ngũ Hành Sơn sẽ thực hiện thí điểm.

- Vậy lãnh đạo thành phố nói gì?

- Liên quan đến vấn đề này, cũng tại cuộc họp nêu trên, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng đã đề nghị các địa phương có kế hoạch sử dụng NSHCĐ một cách hiệu quả nhất để trình lên cấp trên, giao thẩm quyền quyết định là Phó Chủ tịch UBND các quận, huyện phụ trách lĩnh vực này. Yêu cầu đặt ra là miễn sao phải công khai, minh bạch và khai thác như thế nào đó vừa hiệu quả, vừa đảm bảo được quyền lợi của người dân trong khu vực…

- Được như vậy thì tốt quá!

- NXD nhận thấy, việc phát huy tối đa công năng của NSHCĐ là cần thiết, tuy nhiên, làm thế nào để hài hòa, vừa có nguồn thu để duy tu, sửa chữa công trình, vừa đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa, tinh thần của cộng đồng dân cư là tốt nhất; tránh tình trạng công trình bị tư nhân hóa, bị “chiếm hữu” như đã xảy ra tại một số địa phương.

N.X.D

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/143_228488_nha-sinh-hoat-cong-dong-thieu-cong-dong-.aspx