Nhà sưu tập Thiều Quang với niềm đam mê một thế kỷ tranh Việt

Bài viết này được dành tặng cho Thiều Quang vào đúng ngày sinh nhật anh như một lời hứa thầm lặng với ai đó của riêng tôi...

Khi tôi viết những dòng chữ này về chính anh - nhà sưu tập THIỀU QUANG - một trong số rất ít nhà sưu tập tranh tầm cỡ tên tuổi, thuộc diện “vua biết mặt, chúa biết tên” ở nước ta hiện nay, người đang nắm trong tay bộ sưu tập tranh lên tới cả ngàn bức có giá trị, tôi biết anh cũng vừa bước qua tuổi tròn 60 vào ngày hôm nay!!!.

Hơn chục năm qua, gắn bó bền bỉ, âm thầm lặng lẽ, lúc bay sang xứ người xa lắc, khi lại lặn lội ra bắc vào nam, vợ chồng anh chị Thiều Quang - Minh Nguyệt như một đôi sam sam luôn quấn quýt bên nhau, đã chẳng quản ngại, trải qua chặng đường dài hàng chục vạn dặm, chia sẻ và trao đổi với các nhà sưu tập tranh, họa sĩ, sàn đấu giá giao dịch trong và ngoài nước, để mang được về vô số tác phẩm tiêu biểu cho nền mỹ thuật Việt nam trải dài suốt một thế kỷ qua.

Quãng gần hai chục năm trước, các bậc tiền bối của giới sưu tập tranh Hà thành ”hào hoa phong nhã” lừng danh một thời như ông Đức Minh, cụ Tô Ninh, ông Bổng, ông Bá Đạm hay cả bác Mạnh Phúc... dường như đã “rửa tay gác kiếm“, nhường lại “sới tranh pháo “cho các đàn em. Họ là những người trẻ tuổi hơn, có thể ít sự hiểu biết thấu đáo kiến thức về mỹ thuật, kể cả ít niềm đam mê chơi tranh thực sự, nhưng “bạo tay, lắm tiền“ dám thực hiện nhiều cuộc mua bán, “thu gom” tranh không chỉ quanh quẩn hai thành phố lớn Hà nội hay Sài gòn. Thậm chí nhiều “phi vụ“ đã trao tay cả trăm bức tranh đẹp, quý hiếm một thời vang bóng, gần như “độc nhất vô nhị” trong bộ sưu tập tranh của nhà tư sản Đức Minh ”chẳt chiu “ một đời mới có tranh các danh họa Việt nam như: Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Sáng... Sự thất tán đáng tiếc “chia năm xẻ bảy” bộ sưu tập tranh đồ sộ của nhà sưu tập tranh Việt đầu tiên theo đúng nghĩa là ông Đức Minh, sau khi ông qua đời đã bắt đầu manh nha cho sự hình thành một thị trường trao đổi mua bán, giao dịch sôi động ở Việt Nam cùng với sự xuất hiện của nhà sưu tập cũng là một nhà buôn tranh và cổ vật nổi tiếng Hà Thúc Cần - vốn là một Việt kiều ở Singapor về, khuấy động một giai đoạn khá dài khắp Bắc Trung Nam. Cho tới giờ, vẫn chẳng ít người trong làng tranh pháo ở Hà nội và Sài gòn, vẫn không giấu nổi sự luyến tiếc thời buôn bán trao tay tranh, nhặt nhạnh từng bức ký họa hay sơn dầu của Phái, sơn mài của Sáng hay của Nguyễn Tiến Chung, lúc ấy bất quá dăm bảy ngàn đôla một món đã nghĩ là to tát! Ai dè, có bác cất kho để tận bây giờ, mỗi bức tranh của danh họa đều “quát thiên hạ“ cả bạc tỷ chưa buồn cho động tới! Thế mới là chuyện sưu tập tranh pháo, có bao giờ đâu ai học hết chữ ngờ! Đến thế hệ thứ ba các nhà sưu tập tranh Việt, lại chứng kiến sự xuất hiện những gương mặt mới, trẻ trung,năng động với niềm đam mê thực sự với tranh Việt một cách bài bản như Trần Hậu Tuấn,Bùi Quốc Chí, Nguyễn Thiều Quang...

Có lẽ, không nên so sánh nhà sưu tập Thiều Quang với bậc đàn anh như nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn đã “lăn lóc“ vào giới tranh pháo gần ba chục năm trước, từ “vốn liếng” đầu tiên với những bức tranh phố Phái bé tý xíu. Rồi anh Tuấn được nhờ cụ Phái ”thương quý“ như con cháu trong gia đình, dẫn dắt lân la qua mua tranh của các họa sĩ đàn anh Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm... để anh dần dần từng bước trở thành một gương mặt lớn về sưu tập tranh pháo một cách bài bản, lớp lang, tự mình nghiên cứu và xuất bản sách giới thiệu hầu hết các gương mặt họa sĩ Việt nam tiêu biểu có tranh trong bộ sưu tập của riêng anh. Mùa hè vừa qua, tôi tình cờ được ghé thăm Phòng trưng bày tranh của nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn như một trải nghiệm thú vị về không gian tranh Việt nơi này.

Tôi cũng nghĩ rằng nhà sưu tập tranh Bùi Quốc Chí - người con út của nhà sưu tập Đức Minh hiện đang sinh sống tại Sài gòn có mở Phòng tranh riêng - thực sự may mắn còn giữ được một phần di sản tranh quý hiếm của cha anh để lại. Nó chính là niềm say mê và động lực thôi thúc anh dấn thân vào con đường trở thành nhà sưu tập tranh Việt như là lẽ sống tất yếu của một chàng trai muốn nối chí tiền nhân. Hy vọng rằng sẽ có dịp được chiêm ngưỡng phòng tranh của gia đình anh.

Tôi gặp gỡ nhà sưu tập tranh Thiều Quang lần đầu tiên ở Sài gòn do nhà văn Châu La Việt giới thiệu tại một quán ăn Lotus xứ Bắc bình dân, giản dị của vợ chồng bác ”Lân điện ảnh” mà ai ở Hà nội vào đều hay ghé vô, bởi các món “tương cà canh cua, thịt chua mắm tép“ quen miệng ở đây! Lúc ấy, tôi đang phải điều trị bệnh K phổi, tóc rụng lơ phơ, truyền hóa hàng chục bận cả ở ta lẫn bay sang Sing khá tốn kém! Ông anh Châu La Việt nom thấy, biết là thằng em vất vả chuyện tiền bạc chi phí chữa bệnh đã “lục tốn“ cỡ dăm tỷ, nhân chuyện bác ấy viết cuốn sách “Giai điệu mùa đông “ bán lấy tiền nhuận bút cho tôi cả! Anh xăm xăm bảo: “Để anh giới thiệu em thằng Thiều Quang sưu tập tranh, bảo nó mua bộ tranh ngựa Lê Trí Dũng của em, cho mày có tiền chữa bệnh!“. Nguyên do cũng chỉ là từ một nghĩa cử ân tình của nhà văn Châu La Việt, đã gắn kết tôi lần đầu tiên diện kiến và làm quen với Thiều Quang. Thú thật lúc ấy, tôi chưa có bất cứ một thông tin gì về Thiều Quang, ngoài chuyện biết tiếng anh là con trai trưởng của nhà văn Xuân Thiều - người nổi tiếng với các tiểu thuyết và truyện ngắn mà tôi từng đọc ông, lúc còn là sinh viên Tổng hợp Văn. Cuộc gặp gỡ thật chóng vánh và chân thành đầy cởi mở, tôi biết Quang rất quý và tin vào lời giới thiệu của ông anh Châu La Việt - người cầm chịch luôn “thao thao bất tuyệt“ suốt cả cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi trưa tháng Tư năm ngoái - khi anh ký tặng bộ sách của cụ Xuân Thiều cha anh cho tôi ngay trong buổi đầu quen biết! Cho tới lúc ấy, tôi seach tìm kiếm tên anh trên mạng chỉ ra thông tin cho biết, Thiều Quang vốn là một kiến trúc sư, kỹ sư mỏ địa chất được đào tạo ở Đôn-nhét bên Ucraina, là một doanh nhân đang giữ chức vụ là Phó CTHĐ QT của Techcombank! Và quả nhiên, sau cuộc gặp gỡ đầu tiên tại Sài gòn ấy, Thiều Quang có cuộc hẹn bay ra Hà nội, dù rất bận rộn chuyện họp hành kinh doanh, điện thoại anh kêu liên hồi, Thiều Quang vẫn kịp chạy đến nhà tôi ở tận Ngọc khánh sát vách Đài truyền hình. Anh đứng ngắm nghía hồi lâu khắp tầng một, rồi thong dong lên các tầng ngó nghiêng từng bức tranh ngựa của họa sĩ Lê Trí Dũng đang treo, giăng kín cả năm tầng ngôi nhà tôi! Thiều Quang là một người sành sỏi về thẩm tranh, chỉ thoắt một cái thấy anh lấy điện thoại ra chụp đánh dấu hơn hai chục bức tranh sen, ngựa đẹp nhất mà tôi đã bỏ công sưu tập hàng năm, trong suốt một tư thế kỷ qua, chọn lọc thỉnh về từ nhà họa sĩ Lê Trí Dũng tới khoảng trăm bức!. Tôi luôn tự hào mình là người có nhiều tranh ngựa và sen nhất của họa sĩ Lê Trí Dũng lâu nay. Thi thoảng, hai anh em vẫn hay ngồi thưởng trà ở nhà họa sĩ lúc xem tranh, hay cafe ngoài phố trên gác xép nhỏ ở Lê Văn Hưu. Thậm chí, đạo diễn Nghiêm Nhan còn làm cả phim phóng sự tài liệu về thú chơi tranh con giáp của chúng tôi. Cho tới lúc Thiều Quang chọn lựa mua mấy chục bức tranh ngựa của Lê Trí Dũng trong bộ sưu tập của tôi, trả với giá tiền tỷ thì tôi mới tin rằng anh là một nhà “sưu tập tranh khủng“ như lời giới thiệu của ông anh Châu La Việt oang oang bảo tôi ngay cuộc gặp gỡ lần đầu tiên ấy! Và tôi rất ngạc nhiên, tại sao Thiều Quang lại có vẻ thích chơi tranh ngựa và “thỉnh” về nhiều vậy, hay chỉ “do quý và thương tôi“ nên muốn mua giúp đỡ mình có tiền chữa bệnh? Càng quen Thiều Quang qua thời gian dài sau này, tôi càng hiểu về tính cách khiêm nhường và sống ân tình với bạn bè chiến hữu. Đặc biệt, “chuyện hiếu đễ “ lo chu đáo cho anh chị em trong gia đình và cha mẹ, là điều không mấy ai không nể phục anh, sẵn sàng hỗ trợ xây dựng trường học, dựng tượng đồng nhà văn Xuân Thiều tại ngôi trường trên quê hương Hà Tĩnh mang tên cụ dịp khai năm học đầu tháng 9 mới đây! Lúc biết truyện ngắn ”Truyền thuyết quán Tiên “ của nhà văn Xuân Thiều được dàn dựng thành phim ảnh để công chiếu, Thiều Quang đã hết sức cảm động xin hỗ trợ cho đoàn làm phim một phần kinh phí thiếu hụt ngay lúc bắt đầu bấm máy!

Mãi sau này, lúc đã quen biết nhau, Thiều Quang cứ tỉm tủm cười, vừa rít xì gà vừa thủng thẳng kể chuyện về cha anh là nhà văn Xuân Thiều vốn tuổi Canh Ngọ (1930). ”Dạo cụ nhà em vẫn đang công tác ở Tạp chí Văn nghệ quân đội cùng các nhà văn đồng tuế như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Hồ Phương..., chẳng hiểu sao cả bốn cụ đều cùng nhau được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về sự nghiệp sáng tác Văn học nghệ thuật cả anh ạ! Dạo được phân nhà ở khu Lý Nam Đế, trong lúc các cụ khác còn thích được phân nhà chung cư hay trên tầng cho lắm phòng ít muỗi, riêng cụ Xuân Thiều lại được phân cái nhà mái ngói cấp bốn vốn là chuồng ngựa của thằng quan tư Pháp ngày xưa. Cụ cũng chẳng phàn nàn gì, mà cứ cười khà khà bảo cả nhà: ”Mình tuổi ngọ, ở chuồng ngựa là đúng cách rồi!”. Thế rồi thế gian ”biến cải.. vũng nên đồi“, theo nhà văn Châu La Việt sau này kể chuyện với tôi rằng, lúc vợ chồng Thiều Quang “làm ăn phát đạt” ở Nga về nước, cái nhà chuồng ngựa của gia đình đã được đập đi xây lại 5 tầng, bỗng chốc hóa thành mặt tiền phố Lý Nam Đế, giá trị tài sản bỗng tăng lên không lường, rõ là có mua tranh ngựa treo đầy nhà để phát đạt cũng đáng! Chia tay đàn ngựa quý trong bộ sưu tập của mình, tôi cũng tiếc lắm chứ. Nhưng, tôi cũng thầm cám ơn những con ngựa chiến mã tuyệt đẹp của họa sĩ Lê Trí Dũng, đã cứu mạng mình đang ở vào thời khắc khó khăn nhất, khi phải đi Sing dưỡng trọng bệnh K tốn kém khủng khiếp! Và mong cho những con chiến mã đang sải vó, tung bờm phi nước kiệu, hùng dũng kiêu sa kia, sẽ được chào đón bởi ông chủ sưu tập tranh mới Thiều Quang ở Phương Nam. Sau khi tôi kể lại ho cho họa sĩ Lê Trí Dũng chuyện mình đã nhường lại bộ sưu tập tranh ngựa quý của mình về tay nhà sưu tập Thiều Quang, anh nghe xong cũng có vẻ bần thần và cả chút tiếc nuối bởi biết, sẽ ít có dịp được nhìn ngắm lại đàn ngựa quý trong tranh, giờ đã xa rời về phương Nam!

Kể từ khi quen biết nhà sưu tập Thiều Quang, tôi may mắn được anh tin cậy, ngỏ lời nhờ giúp thay mặt anh ở Hà nội để gặp gỡ, trao đổi chuyện mua bán tranh pháo với các nhà sưu tập, họa sĩ có tác phẩm anh đang tìm kiếm hoặc muốn sở hữu. Thiều Quang tâm sự, anh bắt đầu nảy ra ý tưởng muốn xây dựng một bộ sưu tập tranh Việt đại diện cho cả một thế kỷ hình thành và phát triển ở Việt nam, khi anh bắt đầu trở thành một doanh nhân thành đạt, có khả năng kinh tế để thực hiện ước mơ của mình. Anh là người thích hội họa, có vẽ vời từ lúc nhỏ, không hiểu sao nhà văn Xuân Thiều cha anh lại xem tướng mạo và bấm tử vi mà phán cho ông con trai trưởng là người kỹ càng lí trí, giỏi tính toán, nên chắc sau này khó có thể thành họa sĩ! Vậy mà lúc đã bước qua tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh“, niềm đam mê hội họa bỗng trỗi dậy một cách mạnh mẽ đến lạ lùng, làm thay đổi cả đường đời vốn thênh thang, một chiều lo toan theo khuôn cách! Thật may mắn, chị Minh Nguyệt xinh đẹp vợ anh, ngoài việc chăm nom quán xuyến việc nhà “vượng phu ích tử “, lại đồng cảm với niềm đam mê cho một ngả rẽ mới mẻ với dự án đầy tâm huyết lớn lao của Thiều Quang chồng chị: Xây bảo tàng tranh tư nhân trưng bầy một thế kỷ tranh Việt! Vậy là trong lúc vẫn đang là một doanh nhân thành đạt, bận rộn tối ngày điều hành công việc kinh doanh, Thiều Quang bắt đầu từng bước dấn thân lọ mọ vào giới sưu tập tranh từ 10 năm nay, hơi muộn mằn so với những tên tuổi trước anh đã thành danh khá lâu! Một nhà sưu tập tranh có tiêu chí và con đường đi của riêng mình suốt 10 năm qua, giới buôn tranh và các họa sĩ từng gặp và tiếp xúc với Thiều Quang đều phải thừa nhận rằng, anh xem rất kỹ về chất lượng và nguồn gốc tranh, không bốc đồng và luôn mặc cả chắc chắn về giá, để không bao giờ ”bị hớ“, dù là kể cả khi vợ chồng anh đi đấu tranh ở nước ngoài! Lặng lẽ, âm thầm theo đuổi niềm đam mê sưu tầm tranh pháo, có thể nói cho đến nay, nhà sưu tập Thiều Quang với bộ sưu tập hơn một ngàn bức tranh, trong đó có rất nhiều tác phẩm quý hiếm “độc nhất, vô nhị“ ở xứ mình được sắp xếp rất bài bản, lớp lang, thống kê khá đầy đủ các tên tuổi họa sĩ trong suốt 100 năm qua ở thế kỷ 20 của Việt Nam. Vợ chồng nhà sưu tập Thiều Quang - Minh Nguyệt đã có hàng chục chuyến bay rong ruổi Á - Âu, ngược xuôi Nam - Bắc những năm qua để tìm kiếm, tham gia các phiên đấu tranh Việt tại Sotheby’s tại Hongkong hay Paris để trân trọng đưa về những tác phẩm là “ bảo bối mỹ thuật Việt “ trở về nước, để khỏi thất lạc qua biên giới! Tôi đã có nhiều dịp được nhà sưu tập Thiều Quang gặp gỡ trao đổi, cùng chia sẻ những ý tưởng thiết kế Bảo tàng Mỹ thuật, một thế kỷ hình thành và phát triển của tranh Việt. Anh mong ước được dựng lại diện mạo bằng bộ sưu tập tranh của mình, từ thuở những gương mặt hội họa bậc thầy người Pháp và người Việt sáng lập nên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương còn thuộc Pháp như Tacdieu, Nam Sơn, Imguinerty, Alec Ayme... đến lứa đào tạo đầu tiên gần một trăm hai mươi họa sĩ tài danh, với những tên tuối lớn được gọi là tứ trụ “ Trí - Vân- Lân - Cẩn”, cho tới thế hệ sau với bốn gương mặt nổi tiếng “Nghiêm - Liên - Sáng - Phái “ và những danh họa Nguyễn Tiến Chung, Lương Xuân Nhị, Văn Giáo.,Trịnh Hữu Ngọc... hoặc được đào tạo khóa kháng chiến như Trọng Kiệm- Lưu Công Nhân-Trần Lưu Hậu-Lê Huy Hòa -Mai Long, Hồ Hữu Thủ.. Lứa họa sĩ đương đại trong bộ sưu tập của Thiều Quang cũng thấy tác phẩm của Văn Chiến, Lê Trí Dũng, Xuân Chiểu, Trần Châu,Thành Chương, Đặng Tiến, Đặng Xuân Hòa, Phạm Luận, Mai Xuân Oanh... hay cả những họa sĩ trẻ như Phương Bình, Nguyễn Nghĩa Cương, Bình Nhi, Doãn Hoàng Lâm.. anh đều chọn theo gu sở thích của riêng mình!

Có lẽ phải lẽ phải kể đến những bức tranh quý hiếm của cụ Nguyễn Phan Chánh, Tôn Thất Đàm,Lê Bá Đảng..hay ”bộ tứ họa sĩ Việt kiều“ từng theo học Mỹ thuật Đông dương tại Pháp là “Lê Phổ - Vũ Cao Đàm- Mai Trung Thứ - Lê Thị Lựu“, đều được hai vợ chồng nhà sưu tập Thiều Quang- Minh Nguyệt giành lại từ bao cuộc tham gia đấu giá tranh ở Pháp hay Hồng công, với niềm say mê tự tôn dân tộc, khát khao chiến thắng các nhà sưu tập tranh ngoại quốc. Anh chị muốn mang tranh về bổ xung cho thêm hoàn thiện, đa dạng cả về chất liệu thể hiện, phong phú hơn bất kỳ một bảo tàng nghệ thuật nào ở nước ta hiện nay. Chỉ riêng mảng tranh chân dung tự họa, của gần một trăm họa sĩ Việt danh tiếng, hiện đang trưng bày tại nhà Thiều Quang, cũng đã đủ để kinh ngạc ngưởi đến xem tranh của anh, bởi sự tò mò muốn biết ”bút lực“ của từng họa sĩ, tự khắc họa nét tính cách mình ra sao! Một kho tàng tranh đang được sắp đặt lớp lang, bảo quản chu đáo khi công trình xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật tư nhân mang tên Quang San được gấp rút thi công. Tôi hy vọng kế hoạch sẽ hoàn thành vào cuối năm sau theo đúng bản vẽ Thiều Quang cho tôi xem, dịp tôi mang tranh vào trao tại nhà anh.

Suốt năm ngoái, nhà sưu tập tranh Thiều Quang thường ủy quyền cho tôi thay mặt anh, trao đổi với các nhà sưu tập tranh ở Thủ đô hoặc tham gia đấu giá các tác phẩm mỹ thuật anh yêu thích, của các họa sĩ như Kim Đồng, Nguyễn Đức Toàn... tại Nhà đấu giá Chọn, PI Gallery cần tìm cho bộ sưu tập của Bảo tàng. Và tôi nghĩ, chắc anh chẳng thể bao giờ tưởng tượng ra rằng, bỗng một ngày đẹp trời nào đấy, nhà báo Xuân Cường - Chủ của Chon’s Aution House - lại mời tôi về làm việc ở đây như một câu chuyện ”cổ tích kết thúc có hậu” với một người đang dưỡng trọng bệnh như tôi! Phải cám ơn nhà sưu tập tranh Thiều Quang, chính là anh đã tạo cơ hội cho tôi đến với một công việc mới trong đời mình. Và tôi biết, vợ chồng anh chị Thiều Quang - Minh Nguyệt vừa có chuyến đi London, để đưa cô con gái út Anh Thư xinh đẹp thông minh như cha mẹ, vào học về Quản lý nghệ thuật tại Trường đại học danh tiếng Goldsmith Univerty về đào tạo quản lý nghệ thuật ở Anh quốc! Vậy là trong tương lai, niềm đam mê của anh chị hy vọng sẽ tiếp tục được nuôi dưỡng và tỏa sáng!

TN - Viết xong lúc đêm đã qua, sang một ngày mới 28-9-2019

Trương Nhuận

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nha-suu-tap-thieu-quang-voi-niem-dam-me-mot-the-ky-tranh-viet-72108