Nhà thầu gánh hậu quả

Đầu năm 2016, hai tiểu dự án hầm chui nút giao Trung Hòa và Thanh Xuân được thông xe trong niềm vui khôn tả, không chỉ của người dân Thủ đô mà còn của chủ đầu tư và các nhà thầu thi công.

Cây cảnh được trồng trong chậu tại các đảo giao thông nút giao Trung Hòa

Không vui sao được bởi hai nút giao hiện đại này đưa vào khai thác giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc đã kéo dài năm này qua năm khác. Còn với chủ đầu tư và các nhà thầu, niềm vui đó còn được nhân lên gấp bội, bởi sau hàng trăm ngày dốc sức, dốc lực trên công trường, tại một trong những điểm “nóng” và điều kiện thi công phức tạp nhất Hà Nội, họ đã được đền đáp bằng những công trình vừa hiện đại, chất lượng vừa mang tính thẩm mỹ cao.

Nhưng sau gần một năm, đến nay niềm vui của họ vẫn chưa thực sự được trọn vẹn. Một nhà thầu nói khá chua chát: “Đúng là trăm dâu đổ đầu nhà thầu. Chẳng có ở đâu lại có kiểu muốn nhận thì nhận, không nhận nhà thầu phải chịu”.

Không chua chát sao được, bởi mọi công việc nhà thầu đều đã hoàn thành đảm bảo chất lượng, được nghiệm thu, thanh toán đàng hoàng. Nhưng mỗi tháng, họ vẫn phải bỏ ra cả trăm triệu đồng để chăm sóc cây, thảm cỏ dù các cơ quan chức năng đã hoàn thành việc kiểm đếm. Nếu không bỏ tiền chăm sóc, hàng trăm nghìn cây, thảm cỏ đó sẽ bị bỏ rơi và hàng chục tỷ đồng của Nhà nước sẽ bị “chết” theo.

Đáng nói hơn, trước khi thi công, tất cả các hạng mục công trình, kể cả những cây xanh, thảm cỏ đó đều được phê duyệt và có sự đồng thuận của các cơ quan, đơn vị chức năng, trong đó có cả TP Hà Nội. Cũng xin nhắc lại, trước đây chỉ một vài tháng, không ít đơn vị của TP Hà Nội còn rất “sốt sắng” trong việc kiểm đếm để được nhận bàn giao số cây, cỏ tại các dự án này. Lý do các đơn vị này “ngãng” ra, không nhận bàn giao nữa, không gì khác là do vừa qua Hà Nội siết chặt lại chi phí bảo dưỡng, cắt tỉa cây xanh trên địa bàn, từ chỗ mỗi năm gần 900 tỷ đồng, nay chỉ còn chưa đầy 180 tỷ đồng.

Những đề xuất xử lý số cây này cũng khiến nhà thầu rơi vào cảnh dở khóc dở cười, bởi nó không khác mấy việc đánh đố. Đơn giản, cây, cỏ chẳng thể trồng lại trên nền bê tông, còn việc di chuyển đi nơi khác với hàng trăm nghìn chậu cũng tốn kém chẳng khác khi trồng mới. Và trong thời gian chờ đợi các cơ quan này giải thích về sự hợp lý của các giải pháp, nhà thầu vẫn ngày ngày phải đổ thêm tiền của chỉ để số cây, cỏ này không bị bỏ rơi và chết khô.

Hà Thanh Oai

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/nha-thau-ganh-hau-qua-d174359.html