Nhà thầu Mỹ bán áo giáp Trung Quốc để chống bạo động

Khai báo mua áo khoác chống đạn, mũ bảo hiểm từ các nhà sản xuất Mỹ và Hồng Kông (TQ) nhưng thực chất đã nhập khẩu từ Trung Quốc đại lục.

Giám đốc điều hành Arthur Morgan của công ty Surveillance Equipment Group Inc. (SEG) tại bang Virginia (Mỹ) hồi đầu tuần này đã bị truy tố về hai tội gian lận về nguồn gốc cung cấp áo giáp chống đạn, mũ bảo hiểm, thiết bị chống bạo động cho các cơ quan liên bang và Hải quân Mỹ.

Thiết bị kính, mũ bảo hiểm và áo khoác chống đạn được Công ty Surveillance cung cấp cho các cơ quan liên bang Mỹ thực chất sản xuất tại Trung Quốc. Ảnh: Stars and Stripe

Thiết bị kính, mũ bảo hiểm và áo khoác chống đạn được Công ty Surveillance cung cấp cho các cơ quan liên bang Mỹ thực chất sản xuất tại Trung Quốc. Ảnh: Stars and Stripe

Cụ thể, Công ty Surveillance đã cung cấp mũ bảo hiểm và áo giáp chống đạn do Trung Quốc sản xuất cho Hải quân Mỹ, nhưng lại tuyên bố số hàng này sản xuất tại Mỹ và Hồng Kông (Trung Quốc).

Các giao dịch được thực hiện từ tháng 9/2014-8/2019.

Bồi thẩm đoàn bang Maryland cáo buộc ông Morgan (67 tuổi) lừa đảo vì gian lận nguồn gốc lô hàng.

Cơ quan Quản lý Dịch vụ Tổng hợp Mỹ (GSA) yêu cầu tất cả các nhà thầu chỉ bán sản phẩm có nguồn gốc từ các quốc gia được chỉ định theo Đạo luật Hiệp định Thương mại (TAA). Đặc khu Hồng Kông của Trung Quốc nằm trong danh sách TAA nhưng Trung Quốc đại lục lại không thuộc danh sách này.

Trong các email liên lạc với Hải quân Mỹ, ông Morgan khẳng định Công ty Surveillance có một nhà máy ở miền nam bang Virginia.

Năm 2017, ông Morgan đã nộp một hồ sơ cho GSA trong đó nêu rõ, mũ bảo hiểm chống đạn, áo khoác chống đạn phục vụ chống bạo động và kính bảo hộ được sản xuất từ Louisa, Virginia.

Nhưng khi công tố viên liên bang đến thăm địa chỉ ghi tại Louisa, trên đường Mount Airy trong hồ sơ của Công ty Surveillance thì ở đây không có lấy một ngôi nhà.

"Không có cơ sở sản xuất nào được quan sát tại địa chỉ này. Từ điểm quan sát của tôi, đây là một cánh đồng, là khu vực có rừng có nhiều phương tiện qua lại" - bản khai của công tố viên có đoạn.

Một đặc vụ Mỹ sau đó đã kiểm tra hình ảnh sản phẩm Công ty Surveillance đã nộp cho GSA và phát hiện ra rằng, một bức ảnh về một chiếc mũ bảo hiểm đã bị chỉnh sửa chứ không phải ảnh gốc.

Khi truy ngược lại hình ảnh này, đặc vụ phát hiện bức ảnh mũ bảo hiểm thật chưa được chỉnh sửa trên trang AliExpress, một trang thương mại điện tử của Trung Quốc, nêu rõ rằng chiếc mũ bảo hiểm này được sản xuất bởi một công ty Trung Quốc. Khi họ bắt đầu truy ngược nguồn gốc của các sản phẩm áo khoác chống đạn thì cũng cho thấy điều tương tự, là sản phẩm của một công ty ở Trung Quốc sản xuất.

Sau đó, các công tố viên liên bang đã nghiên cứu hồ sơ vận chuyển từ Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ liên quan đến các đơn hàng của Surveillance. Cuối cùng họ đã nhận thấy kết quả là 14 lô hàng áo khoác chống đạn và mũ bảo hiểm đã được Công ty Surveillance nhập về trong cùng 1 công ty ở Trung Quốc đại lục, từ năm 2015-2017.

Công ty ở Trung Quốc đại lục cũng chính là công ty đã rao bán sản phẩm này trên AliExpress mà đặc vụ Mỹ tìm thấy qua việc truy xuất ngược hình ảnh.

Các nhà điều tra cũng tìm thấy số seri trên thiết bị có nguồn gốc từ công ty Trung Quốc và chữ Trung Quốc viết tay trên các sản phẩm của công ty này.

Từ năm 2015 đến tháng 7/2019, 5 cơ quan liên bang đã đặt 9 đơn đặt hàng áo khoác chống đạn, mũ bảo hiểm hoặc thiết bị chống bạo động từ công ty này với tổng trị giá khoảng 640.000 USD.

Giám đốc điều hành Arthur Morgan của Surveillance sẽ phải đối mặt với án tù lên tới 40 năm.

Lầu Năm Góc được cho là đã điều chỉnh quy định về ký hợp đồng với các nhà thầu sau vụ bê bối năm 2008. Lúc đó, hai nhà thầu ở bang Florida (Mỹ) cố bán đạn dược do Trung Quốc và Albania sản xuất để hoàn tất hợp đồng trị giá 300 triệu USD với quân đội Afghanistan được Mỹ hậu thuẫn.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nha-thau-my-ban-ao-giap-trung-quoc-de-chong-bao-dong-3411206/