Nhà thầu tăng tốc 'về đích' đón cao điểm Tết

Dù mới bước vào thi công được hơn 5 tháng nhưng dự án nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn tại Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Nội Bài (Hà Nội) đã hoàn thành khối lượng lớn công việc. Ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn, các nhà thầu hiện đang dồn toàn lực với mục tiêu đưa vào khai thác trước một đường cất hạ cánh để phục vụ giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán 2021.

Thi công liên tục không kể ngày đêm

Khi những chuyến bay tấp nập đến và đi từ Cảng HKQT Nội Bài, công trường sửa chữa đường lăn, đường cất hạ cánh tại sân bay này cũng luôn trong trạng thái làm việc khẩn trương. Vừa thi công, vừa bảo đảm an toàn khai thác là thách thức không nhỏ đối với các đơn vị tham gia dự án. Phương tiện, máy móc, xe chở công nhân phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định ra vào công trường. "Tất cả công nhân trên công trường đều ý thức rõ việc bảo đảm an toàn thi công, an toàn lao động. Ngay gần nơi chúng tôi làm việc là khu vực máy bay đang hoạt động. Vì vậy, không có chuyện công nhân tự ý đi lại ở sân bay. Hết giờ làm việc, chúng tôi có mặt tại điểm tập kết, di chuyển tập trung theo xe của đơn vị", anh Trần Văn Long, công nhân của Tổng công ty Xây dựng công trình hàng không (ACC) cho biết.

 Thi công sửa chữa, nâng cấp đường lăn, đường cất hạ cánh tại Cảng HKQT Nội Bài.

Thi công sửa chữa, nâng cấp đường lăn, đường cất hạ cánh tại Cảng HKQT Nội Bài.

Cảng HKQT Nội Bài có 2 đường cất hạ cánh ký hiệu 1A và 1B, trong đó, đường 1B xuống cấp nặng hơn nên được sửa chữa trước. Đây là đường băng nằm gần phía nhà ga, sân đỗ. Trong quá trình thi công, đường 1B phải đóng từng phần, bám sát từng bước kế hoạch. Hiện nay, phần thi công bê tông xi măng của đường 1B dài 3.000m đã hoàn thành và đang hoàn thiện các hạng mục để đưa vào khai thác phục vụ máy bay cất cánh trước ngày 31-12-2020. Để đáp ứng mốc thời gian này, các đơn vị thi công đã huy động nhân lực, phương tiện làm việc liên tục 24/24 giờ. Đảm nhiệm các hạng mục xây lắp của dự án là liên danh nhà thầu Tổng công ty Xây dựng công trình hàng không (ACC)-Công ty CP Phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam (VINADIC)-Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng). Theo Đại úy Nguyễn Văn Vinh, Phó chỉ huy dự án nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn sân bay Nội Bài của nhà thầu ACC, đặc thù của việc thực hiện dự án này là áp lực tiến độ lớn, đòi hòi đơn vị thi công phải đáp ứng năng lực về tài chính, con người, máy móc, thiết bị và có kinh nghiệm. Trong đó, bê tông phải đạt tiêu chuẩn mác cao M350/45, có lưới thép hai lớp để bảo đảm khả năng chịu lực. "Công nhân được chia làm 3 ca, ban ngày lắp ván khuôn, cốt thép và các công việc chuẩn bị để đến đêm đổ bê tông. Các công việc liên tục được gối đầu", Đại úy Nguyễn Văn Vinh chia sẻ.

Để bảo đảm chất lượng thi công, ông Đặng Hùng Thái, Giám đốc dự án cải tạo, nâng cấp sân bay Nội Bài (thuộc Ban Quản lý dự án Thăng Long), đại diện chủ đầu tư dự án, nhấn mạnh, việc kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào như xi măng, cát, thép được thực hiện rất chặt chẽ, chủ đầu tư kiểm tra hằng tuần, lấy mẫu về phòng thí nghiệm, nếu không đạt sẽ thay thế ngay. Được xác định là dự án trọng điểm và thực hiện theo lệnh khẩn cấp nên tất cả trình tự thủ tục quản lý dự án đều hướng đến chất lượng, tiến độ, an toàn và hiệu quả nhất. Đại diện chủ đầu tư dự án đánh giá, liên danh nhà thầu gồm những đơn vị đã có kinh nghiệm trong xây dựng nhiều dự án sân bay nên góp sức rất lớn để dự án đáp ứng được tiến độ đề ra.

Nâng cao tuổi thọ công trình

Đánh giá chung về dự án, ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, các hạng mục chịu ảnh hưởng của thời tiết như đắp cát, rải cấp phối đá dăm, bê tông xi măng đã cơ bản xong nên đến nay, tiến độ hoàn toàn chủ động. Quá trình thực hiện dự án, ông Dương Viết Roãn nhìn nhận, một trong những vấn đề khó khăn nhất là trên mặt bằng thi công có hệ thống công trình ngầm đã tồn tại từ rất lâu, có những công trình từ thời chiến tranh. Để không ảnh hưởng đến hệ thống tín hiệu của sân bay, công tác đào đắp phải thực hiện cẩn thận. “Những vị trí đào đến đất nền phải có sự giám sát của cơ quan hàng không. Vừa đào vừa dò nên mất nhiều thời gian. Đồng thời, trước khi đào phải xây dựng hệ thống cống để bảo vệ đường dây cáp thông tin tín hiệu”, ông Dương Viết Roãn chia sẻ.

Sau khi đưa vào sử dụng phục vụ máy bay cất cánh, đường băng 1B sẽ tiếp tục một số hạng mục xây lắp, trong đó có hệ thống đèn tín hiệu, thiết bị dẫn đường, với mục tiêu hoàn thành trước ngày 15-5-2021. Tiếp đó là bay hiệu chuẩn hệ thống thiết bị và nghiệm thu, bàn giao đưa vào khai thác trong tháng 6-2021. Trước mắt, theo ông Đặng Hùng Thái, đường băng 1B sẽ hoàn thành những hạng mục cơ bản để đáp ứng kế hoạch khai thác trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán 2021. Đây là cơ sở để các đơn vị tham gia dự án tiếp tục sửa chữa, nâng cấp đường 1A, theo kế hoạch sẽ đưa vào khai thác trước Tết Nguyên đán 2022. Đại diện chủ đầu tư cho biết, khi dự án hoàn thành, các đường cất hạ cánh của Cảng HKQT Nội Bài bảo đảm tuổi thọ ít nhất 20 năm, có thể lên đến 50 năm nếu được chăm sóc, bảo dưỡng định kỳ thường xuyên theo đúng quy định.

Bài và ảnh: MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nha-thau-tang-toc-ve-dich-don-cao-diem-tet-647473