Nhà thiết kế Nguyễn Thị Nga, sáng lập Vạn Thiên Y: Nối mạch nguồn di sản trong dòng chảy thời đại

Trong nhịp sống hối hả của 'thời đại số', có những người trẻ vẫn ngày đêm miệt mài với khát vọng lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống trong dòng chảy đương đại thông qua những bộ trang phục cổ xưa. Nhà thiết kế Nguyễn Thị Nga (nghệ danh Coco) là một người như thế.

Nhà thiết kế Nguyễn Thị Nga.

Đam mê cổ phục và lựa chọn lối đi riêng

Một buổi chiều cuối năm, khi không khí mùa xuân đang rộn ràng trong từng con phố nhỏ, theo lời hẹn với Nga, chúng tôi đến Vạn House - ngôi nhà trắng tinh khôi nằm ven hồ Hoàng Cầu (Hà Nội). Duyên dáng trong tà áo dài cổ truyền tự tay thiết kế, Nga đón chúng tôi bằng nụ cười hồn hậu.

Câu chuyện giữa chúng tôi bắt đầu bằng những hồi ức đong đầy cảm xúc, khi Nga nhắc đến Diego, một tài năng thiên phú mà đoản mệnh. Diego là người Tây Ban Nha, chủ thương hiệu thời trang nổi tiếng Chula, người đã chọn Việt Nam là quê hương thứ hai và góp phần không nhỏ trong việc lan tỏa văn hóa Việt ra thế giới qua những thiết kế thấm đẫm bản sắc, tinh thần, hồn cốt Việt.

Ông đã truyền cảm hứng cho Nga khi cô làm việc tại Chula với vai trò trợ lý, tạo động lực để cô quyết định dấn bước vào con đường được giới thời trang cho là “gập ghềnh” nhất, với sự can đảm hiếm có.

Trong không gian đầy hoài niệm, được lắng nghe những tâm sự, sẻ chia của Nga, chúng tôi thêm hiểu, thêm trân trọng những hoài bão của nhà thiết kế trẻ trong việc kế thừa những giá trị của quá khứ để phát huy ở hiện tại và tương lai.

Nga kể, hơn 10 năm hoạt động trong lĩnh vực thời trang, cô may mắn được góp mặt trong nhiều sự kiện lớn của các nhà thiết kế danh tiếng. Thế rồi, cơ duyên đưa cô đến với Chula. Ở đó, cô có cơ hội học hỏi những kiến thức quý giá về thiết kế, phong cách, các trào lưu và xu hướng thời trang của thế giới… Càng tiếp thu được nhiều, Nga càng bị thôi thúc bởi câu hỏi đau đáu từ thời sinh viên: làm thế nào để “hồi sinh” trang phục truyền thống của Việt Nam.

Khi đó, Diego đã khuyên cô nên mạnh dạn thực hiện mong ước và kế hoạch mà mình ấp ủ, bởi người ngoại quốc dù có đam mê đến mấy, dày công nghiên cứu văn hóa Việt Nam đến mấy, thì vẫn có độ “vênh” nhất định, chỉ những người con đất Việt mới là những người hiểu nguồn cội văn hóa Việt sâu sắc nhất.

“Không chỉ khuyên nhủ và định hướng, Diego còn kiên quyết ‘buộc’ tôi nghỉ việc ở Chula, tự bước đi trên con đường của riêng mình, để có thể trưởng thành”, Nga bồi hồi nhớ lại.

Bắt tay vào làm cổ phục, Nga vấp phải vô số lời can ngăn của bạn bè. Có người thẳng thắn nói rằng, cô đừng ảo tưởng, vì nếu chọn hướng đi này, sẽ vô cùng khó khăn trong việc tiếp cận thị trường. Nga không bất ngờ với những ý kiến phản đối, bởi trước đó, khi tiếp xúc và làm việc cùng một số nhà thiết kế, cô đã nhận thấy, rất hiếm người quan tâm đến trang phục cổ.

Không ai vừa sinh ra đã mang theo ánh hào quang, tất cả mọi người đều phải trải qua nhiều năm cần cù, siêng năng, yên lặng khiêu chiến với chính mình, không ngừng đột phá cực hạn….

- Nhà thiết kế Nguyễn Thị Nga

Quyết tâm theo đuổi đam mê với cổ phục, Nga thành lập Công ty cổ phần Vạn Thiên Y. Chỉ trong một năm, bằng sự lao động miệt mài, nghiêm túc, Nga cùng đội ngũ cộng sự đã đạt được những thành công đáng nể.

Sự kiện ra mắt của Vạn Thiên Y mang tên “Kế vãng khai lai” thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo giới và công chúng. Chương trình khơi nguồn văn hóa Việt với những bộ sưu tập cổ phục qua các thời kỳ, mang tính nghiên cứu và khảo cứu để từng bước tiến tới ứng dụng mỹ thuật cổ vào thời trang hiện đại.

Tiếp đó, cổ phục Vạn Thiên Y liên tục xuất hiện tại những chương trình biểu diễn nghệ thuật lớn như “Thăng Long Huyền Vũ - Hành trình lan tỏa tinh hoa văn hóa Việt” (tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long), “Cố Phong Yểm Ánh” (Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023).

Với định hướng trở thành một đơn vị tiên phong trong nghiên cứu, phát triển văn hóa truyền thống, Vạn Thiên Y đã vinh dự được chọn đồng hành cùng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao) tại chuỗi sự kiện Ngày Việt Nam ở nước ngoài 2023, nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nam Phi, 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp và Việt Nam - Nhật Bản, góp phần lan tỏa văn hóa truyền thống Việt Nam tới các châu lục.

Nhà thiết kế Nguyễn Thị Nga cùng đội ngũ Vạn Thiên Y đã và đang tiếp nối, phát triển những giá trị văn hóa của cổ phục. Trong ảnh: Một show trình diễn trang phục cổ của Vạn Thiên Y.

Hồi sinh những giá trị văn hóa truyền thống

Nhìn lại kết quả bước đầu, Nga nói: “Yếu tố thực sự quyết định thành tựu của một người, xưa nay đều không phải là năng khiếu, cũng không phải vận may, mà là tính tự giác nghiêm khắc và sự đầu tư công sức ở cường độ cao. Chỉ cần kiên trì và nỗ lực với mục tiêu, ắt sẽ có câu trả lời”.

Sau bước khởi đầu ấn tượng, Nga đang hoạch định một lộ trình khá “dài hơi”. Cô sẽ tập trung phát triển hệ sinh thái Vạn Thiên Y, mà Vạn House là “mái nhà chung”, với nhiều hoạt động như triển lãm tranh, tác phẩm nghệ thuật; các lớp học làm gốm, vẽ tranh; các chương trình biểu diễn mang tính kết nối để tạo thành một không gian đa màu sắc, đa lĩnh vực…

Với định hướng này, Vạn Thiên Y luôn đổi mới và sáng tạo không ngừng, để mang đến cho công chúng nhiều góc nhìn, nhiều trải nghiệm. Tại các sự kiện Ngày Việt Nam ở nước ngoài, Vạn Thiên Y không chỉ trình diễn các trang phục như Long bào đại triều phục (được nhà vua mặc trong các buổi thiết triều), áo Nhật bình đỏ thêu họa tiết song phượng (dành cho hậu phi và các công chúa); áo Lập lĩnh ngũ thân tay chẽn (trang phục phổ biến vào thời Nguyễn)…, mà còn có không gian trưng bày, giới thiệu, trải nghiệm, giúp người dân địa phương, du khách và bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam.

Nhà sáng lập đã định hướng cho Vạn Thiên Y những bước đi rất bài bản. Ngay sau khi doanh nghiệp đi vào hoạt động, việc đầu tiên là thành lập phòng nghiên cứu, lấy thế mạnh chuyên môn sâu làm nền tảng.

Trong quá trình hoạt động, Nga và các cộng sự nhận được sự tư vấn rất nhiệt tình của các cá nhân, đơn vị nghiên cứu về văn hóa, lịch sử, được tiếp cận trực tiếp với những cổ vật để tìm hiểu, nghiên cứu, phục vụ công tác đồ họa, phục dựng…

Tuy nhiên, không phải lúc nào việc phục dựng cũng suôn sẻ. Có những triều đại rất hiếm tư liệu được lưu giữ, Nga và cộng sự phải dày công nghiên cứu tài liệu liên quan, như tượng, tranh… để tìm hiểu niên đại, xác định kiểu dáng của cổ phục. Chẳng hạn, áo Lập lĩnh có nhiều kiểu: tay chẽn, tay thủng; áo Giao lĩnh, Tiên lĩnh, Đối khâm… đều có họa tiết riêng.

Anh Nguyễn Văn Hiệu, Trưởng bộ phận Nghiên cứu và phát triển sản phẩm Vạn Thiên Y chia sẻ, đối với cổ phục, yếu tố lịch sử luôn phải đặt lên đầu. Bởi vậy, đội ngũ Vạn Thiên Y phải dành rất nhiều thời gian nghiên cứu và trực tiếp trải nghiệm, thì mới có thể tạo ra những bộ cổ phục đầy tâm huyết và có tính chính xác cao về niên đại lịch sử. Quá trình nghiên cứu phải có thực chứng, các sản phẩm phải bám tư liệu gốc sát nhất có thể.

“Một trong những cổ phục của bộ sưu tập được lấy tư liệu nguyên mẫu từ vải dệt được phát hiện trong lăng mộ của quan Đại tư đồ Nguyễn Bá Khanh (Khoái Châu, Hưng Yên) năm 1982, đang được lưu giữ tại Hưng Yên. Chúng tôi may mắn được tiếp cận với các đồ tùy táng, gỡ từng lớp áo của tiền nhân đã khuất để đo đạc, nghiên cứu mẫu vải”, anh Hiệu kể.

Từ nguồn hiện vật và tư liệu về trang phục cổ, những người trẻ tràn đầy nhiệt huyết của Vạn Thiên Y đã và đang tiếp nối, phát triển những giá trị văn hóa của cổ phục. Đó là sự kế thừa giá trị của quá khứ để phát huy ở hiện tại và tương lai, bằng câu chuyện về dòng chảy của văn hóa, lịch sử theo thời gian thông qua sự kết hợp giữa trang phục cổ và những trang phục ứng dụng trên tinh thần mỹ thuật cổ.

Ngoài ra, đội ngũ Vạn Thiên Y còn đang triển khai nhiều dự án, như phim ảnh cổ trang để đưa công chúng trở lại gần hơn với quá khứ hùng tráng của của dân tộc, hiểu hơn về văn hóa, lịch sử, từ đó thêm yêu đất nước và con người Việt Nam...

Chúng tôi rời Vạn House khi phố đã lên đèn. Trước lúc chia tay, Nga bày tỏ niềm tin mạnh mẽ: “Những giá trị văn hóa của tiền nhân vô cùng quý giá, nhưng theo thời gian sẽ dần mai một. Từ góc độ của một người trẻ làm thời trang với cách nhìn hiện đại, tôi mong muốn góp sức mình để hồi sinh những giá trị văn hóa truyền thống, đưa những tinh hoa văn hóa truyền thống đến gần hơn với đời sống thực tiễn, chứ không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu và bảo tồn, góp phần lan tỏa mạnh mẽ hơn văn hóa Việt Nam trên bản đồ thế giới”.

Viễn Nguyệt

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nha-thiet-ke-nguyen-thi-nga-sang-lap-van-thien-y-noi-mach-nguon-di-san-trong-dong-chay-thoi-dai-d208831.html